Nhóm đối tượng nào cần chú ý dự phòng bệnh suy nhược cơ thể ?

Nhóm đối tượng nào cần chú ý dự phòng bệnh suy nhược cơ thể ?
3 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, để điều trị bệnh suy nhược cơ thể cần kết hợp nhiều phương pháp dùng thuốc lẫn không dùng thuốc như liệu pháp tâm lý, dưỡng sinh, thư giãn, thôi miên, thể dục liệu pháp, bấm huyệt, châm cứu.
Mỗi phương pháp điều trị này đều có những ưu và hạn chế nhất định, cần được chẩn đoán, chỉ định và theo dõi bởi chuyên gia. Tuy nhiên, suy nhược cơ thể có thể được dự phòng từ lúc các biểu hiện rối loạn cảm xúc còn nhẹ.
Ảnh minh họa
Theo đó, BS.CKI Nguyễn Trần Như Thủy – Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo, những nhóm đối tượng cần chú ý dự phòng bệnh suy nhược cơ thể như sau:
- Người trong tình trạng căng thẳng quá mức dù do bất kỳ nguyên nhân nào cũng dễ gây các rối loạn không mong đợi về mặt cảm xúc, từ đó gây ra suy nhược cơ thể.
- Người phải lao động trí óc quá mức, học tập hoặc làm việc liên tục không nghỉ ngơi suốt một thời gian dài, thường kèm với ngủ rất ít hoặc khó ngủ.
- Người đang có các vấn đề khó khăn trong cuộc sống: tài chính trục trặc, nợ nần, mâu thuẫn gia đình, các mối quan hệ tình cảm, việc làm, kinh doanh gặp trở ngại.
- Người thường xuyên bị thiếu thốn về mặt tình cảm hoặc sau một cú sốc tâm lý đột ngột mất người thân, bị phân biệt đối xử, bị đè nén cảm xúc lâu ngày, trẻ em trong cô nhi viện, người già neo đơn,…
- Lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá. Các chất này làm rối loạn hoạt động của hệ thần kinh, nếu lệ thuộc lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần, dễ dẫn đến suy nhược.
- Tiền sử gia đình có liên quan đến các bệnh lý thần kinh: đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Phòng ngừa suy nhược thần kinh bằng cách nào?
Để phòng ngừa suy nhược thần kinh, mọi người cần phát hiện và chủ động thay đổi sớm là chìa khóa quan trọng nhất. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Trần Như Thủy lưu ý:
- Thay đổi lối sống như ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ và đầy đủ để tránh phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể.
- Duy trì chế độ ăn cân bằng nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc, các loại hạt và đậu.
- Đảm bảo giấc ngủ tốt, tránh thức khuya kéo dài, nên quy định giờ ngủ cụ thể, duy trì mỗi ngày. Vận động thể dục vừa đủ cũng là 1 cách giúp ngủ ngon và tăng thái độ tích cực.
- Tránh hoặc hạn chế các chất kích thích như Cafe hay rượu bia, vì các chất này sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng và cản trở giấc ngủ.
- Khắc phục các tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Mọi người nên chia nhỏ các khó khăn, giải quyết từng phần hoặc nhờ sự hỗ trợ từ người thân bạn bè, đồng nghiệp.
- Phối hợp hài hòa giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa làm việc và nghỉ ngơi giải trí, vận động thể dục như đi dạo công viên cùng đồng nghiệp, đi bộ trước sân nhà, đạp xe đạp quanh nhà hoặc tham gia một câu lạc bộ thể thao tại khu mình sống sau những giờ làm việc học tập căng thẳng.
- Tự tạo tâm lý thoải mái, luôn tin tưởng lạc quan, tham gia các khóa thiền, yoga, học tập theo các tôn giáo tín ngưỡng sẵn có, những câu lạc bộ đội nhóm sinh hoạt chung nhiều người sẽ giúp bạn cản thiện và mở ra những cơ hội những người bạn mới, bạn nên thử.
- Luôn giữ cho mình những năng lượng tích cực trong công việc và cuộc sống. Hãy chủ động thay đổi để bạn cảm thấy nhiều năng lượng vui vẻ hơn, tích cực hơn, tìm những việc nhỏ mình yêu thích như đọc sách hoặc cắm hoa, làm tượng, trồng cây, bất cứ những việc gì khiến bạn vui vẻ hơn và thoát ra được các suy nghĩ hỗn động dù chỉ 30 phút mỗi ngày cũng sẽ giúp bạn rất nhiều .
- Rèn luyện thân thể thường xuyên, phát hiện điều trị và điều trị kịp thời các bệnh lý thực thể, hãy chăm chỉ vận động và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Xuân Quý
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nhom-doi-tuong-nao-can-chu-y-du-phong-benh-suy-nhuoc-co-the-post391912.html