Nhóm G7 tìm kiếm sự đồng thuận giữa căng thẳng thuế quan

Nhóm G7 tìm kiếm sự đồng thuận giữa căng thẳng thuế quan
4 giờ trướcBài gốc
Cuộc họp tại Banff, Alberta (Canada) hôm thứ Tư đánh dấu nỗ lực tìm tiếng nói chung, đặc biệt về các vấn đề ngoài thuế, nhằm bảo đảm một tuyên bố chung có thể được thông qua.
Nhóm G7 tìm kiếm sự đồng thuận giữa căng thẳng thuế quan
Theo các đại biểu tham dự, nội dung thảo luận bao trùm lên hàng loạt chủ đề, từ phản ứng trước các chính sách kinh tế phi thị trường của Trung Quốc, cho tới các biện pháp phòng chống tội phạm tài chính và buôn bán ma túy.
Tình hình gợi nhớ cuộc họp G7 năm 2018, cũng tại Canada, khi chính sách thuế đối với thép và nhôm của Trump khiến nhóm không thể ra tuyên bố chung - thời điểm được mô tả là “G6 + 1”. Hiện nay, phạm vi áp thuế của Mỹ thậm chí còn mở rộng hơn. Nhưng theo các nguồn tin từ hội nghị, các nước vẫn đang cố gắng tìm cách thỏa hiệp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.
"Italy đang thúc đẩy để đạt được tuyên bố chung, điều mà chúng tôi coi là then chốt", Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Ý Giancarlo Giorgetti chia sẻ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều xem tuyên bố chung là điều kiện tiên quyết. Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard cho rằng sự đồng thuận về định hướng chính sách quan trọng hơn. “Điều quan trọng là tiến bộ thực chất, không chỉ là một văn bản", ông nói.
“Chưa có sự đồng thuận nào về bản tuyên bố chung, nhưng việc đạt được một tuyên bố là rất quan trọng. Nếu không, đây sẽ là tín hiệu tiêu cực”, một quan chức châu Âu nói và thêm rằng: “Cuối cùng, chúng ta chỉ là bảy quốc gia”.
Theo các quan chức châu Âu, Bộ trưởng Bessent đang thể hiện lập trường linh hoạt trong tiếp xúc song phương, tạo cảm giác ổn định trong một kỳ họp nhiều áp lực. Một quan chức tiết lộ rằng “ông ấy tỏ ra cởi mở trong bữa tối hôm trước, sẵn sàng tìm giải pháp”.
Một nguồn tin Mỹ cho biết Washington sẽ không chấp thuận tuyên bố chung trừ khi văn bản phản ánh các ưu tiên của Mỹ, bao gồm các biện pháp mạnh mẽ hơn từ G7 nhằm chống lại các hành vi phi thị trường như trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc gây dư thừa công suất toàn cầu.
Trong khi đó, một quan chức châu Âu khác cho biết: “Thông điệp chúng tôi chuyển tới ông Bessent là thuế quan không phải là công cụ đúng đắn để giải quyết mất cân đối toàn cầu”.
Ông Bessent đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato. Hai bên nhất trí rằng tỷ giá USD/JPY hiện tại phản ánh yếu tố cơ bản của thị trường, nhưng không thảo luận về mức cụ thể.
Nhật Bản đang tìm cách đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại nhằm giảm thuế.
Ông Bessent cũng đã gặp Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard và Bộ trưởng Tài chính Canada Francois-Philippe Champagne hôm thứ Tư, sau cuộc gặp với Tân Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil.
Một nguồn tin từ phía Đức cho biết cuộc gặp diễn ra cởi mở, mang tính xây dựng và kéo dài lâu hơn dự kiến. Hai bên đã thống nhất sẽ gặp lại tại Washington sau khi ông Bessent mời phía Đức tới thăm.
Hiện Nhật Bản, Đức, Pháp và Ý đều đang đối mặt nguy cơ Mỹ tăng gấp đôi mức thuế lên 20% hoặc hơn vào đầu tháng Bảy. Anh đã đạt được một thỏa thuận thương mại giới hạn, song vẫn phải chịu mức thuế 10% với phần lớn hàng hóa. Chủ nhà Canada vẫn đang "vật lộn" với mức thuế 25% áp riêng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu.
Đại Hùng
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/nhom-g7-tim-kiem-su-dong-thuan-giua-cang-thang-thue-quan-164608.html