Nhóm ngành nào là 'nơi trú ẩn' cho danh mục đầu tư chứng khoán?

Nhóm ngành nào là 'nơi trú ẩn' cho danh mục đầu tư chứng khoán?
2 ngày trướcBài gốc
Nhận định về diễn biến này trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tạm hoãn thời gian áp dụng mức thuế quan mới với các đối tác thương mại trong vòng 90 ngày, chỉ đủ để các bên thích nghi với sự chuyển biến của chiến tranh thương mại.
MBS giữ nguyên quan điểm các nhóm ngành xuất khẩu dệt may, thủy sản, đồ gỗ, cao su, giấy, dây cáp điện,… và các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, logistics vẫn chịu tác động về dài hạn do giảm lượng đơn hàng cũng như biên lợi nhuận giảm sút.
"Do đó, đây là thời điểm để tái cơ cấu danh mục sang các nhóm ngành ít chịu tác động trực tiếp từ thương chiến, đồng thời được hưởng lợi khi các động lực tăng trưởng trong nước có cơ hội vươn lên", báo cáo nêu rõ.
Cụ thể, đối với ngành bất động sản dân cư, nhóm phân tích cho rằng ngành này sẽ phục hồi trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, được hưởng lợi nhờ môi trường lãi suất suất thấp, nhiều dự án được tháo gỡ về mặt pháp lý, giá đất nền có sự dịch chuyển trong làn sóng sáp nhập tỉnh thành.
Theo ước tính của MBS, lợi nhuận ngành bất động sản sẽ phục hồi mạnh trong quý 1/2025 chủ yếu nhờ Vinhomes. Trong cả năm 2025, lợi nhuận trung bình các doanh nghiệp bất động sản dự kiến ước tăng 6%, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản phía Nam nhờ nguồn cung bất động sản chung cư tăng lên khoảng 78% lợi nhuận còn được hỗ trợ bởi việc bàn giao phần còn lại của các dự án bất động sản trong năm trước.
Cùng với sự phục hồi của ngành bất động sản, MBS cũng cho biết ngành xây dựng và vật liệu xây dựng được kỳ vọng tăng trưởng tích cực.
Với nhóm ngân hàng, đây là ngành được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tiền tệ nới lỏng cũng như sự phục hồi của thị trường bất động sản dân cư.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, các ngân hàng quốc doanh đặt kế hoạch 15-16%, ngoài ra, có các ngân hàng thương mại cổ phần đặt mục tiêu trên 20% như HDB (32%), VPB (25%), VIB (22%)... Với nền lãi suất cho vay thấp (giảm 0,4% so với cuối năm 2024), cùng với động lực tăng trưởng tín dụng từ sản xuất - bất động sản - đầu tư công, ngành ngân hàng dự kiến tăng trưởng tốt, thậm chí càng được đẩy mạnh trong bối cảnh thuế quan gay gắt.
Dầu khí, đặc biệt nhóm dầu khí thượng nguồn hưởng lợi khi ít chịu tác động bởi thuế đối ứng khi không xuất khẩu sang Mỹ (Mỹ cũng không áp thuế đối ứng với các mặt hàng năng lượng), khối lượng công việc trong nước ổn định, giá dầu duy trì trên mức hòa vốn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải dầu khí cũng có thể giữ vững mức lợi nhuận cao của năm ngoái nhờ tăng sản lượng vận chuyển có thể giảm bớt tác động tiêu cực từ việc nhu cầu vận tải đường dài giảm, trong khi định giá của nhóm này đã về mức rất thấp.
Tại nhóm ngành phân bón, MBS đánh giá các doanh nghiệp phân bón Việt Nam không chịu ảnh hưởng bởi thuế đối ứng từ Mỹ do tỷ trọng xuất khẩu không lớn, hơn nữa thị trường xuất khẩu chính là Campuchia, Hàn Quốc hoặc Úc, không xuất khẩu sang Mỹ.
Ngành tiêu dùng thiết yếu cũng là "nơi trú ẩn" an toàn cho danh mục đầu tư. Ngành này ít chịu ảnh hưởng bởi thuế đối ứng Mỹ do phần lớn doanh thu đến từ tiêu thụ nội địa và các doanh nghiệp trong ngành hầu như có tỷ suất cổ tức cao.
Bên cạnh đó, ngành chứng khoán được định giá hấp dẫn, tiềm năng dẫn dắt khi thị trường hồi phục. Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh đầu tháng 4/2025 do lo ngại từ thuế nhập khẩu 46% của Mỹ, song thanh khoản trung bình phiên tăng mạnh lên trên 30 nghìn tỷ đồng. Đội ngũ phân tích MBS cho rằng, môi trường lãi suất thấp, kỳ hạn nâng hạng trong tương lai vẫn hỗ trợ cho ngành chứng khoán.
MBS cũng cho rằng ngành hàng không có nhu cầu phục hồi, mở rộng hạ tầng hàng không sẽ giải quyết nhiều bài toán về nút thắt công suất. Nhu cầu bay quốc tế đã tăng mạnh 30% so với cùng kỳ trong quý 1/2025 và dự báo sẽ tăng 20% cho cả năm.
Với nhóm ngành bảo hiểm, đây là nhómít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại (trừ bảo hiểm hàng hóa), song lại có mức giảm giá 18,3%, cao hơn cả VN-Index 17% trong 5 phiên vừa qua, đưa định giá của ngành này xuống vùng hấp dẫn, MBS chỉ ra.
Mặt khác, ngành công nghệ - viễn thông cũng là nơi trú ẩn an toàn khi nền kinh tế số là động lực tăng trưởng, định giá hấp dẫn để tích lũy. Đồng thời, xu hướng đẩy nhanh phủ sóng và thương mại hóa mạng 5G từ nay đến 2030 của Việt Nam sẽ là động lực chính cho tăng trưởng các doanh nghiệp ngành viễn thông.
Cuối cùng, MBS chỉ ra, nhóm dược phẩm được đánh giá tăng trưởng ổn định, cổ tức hấp dẫn, đi cùng với các chính sách ưu tiên dược phẩm sản xuất trong nước trong kênh đấu thầu bệnh viện, việc triển khai bảo hiểm y tế quốc gia, và các nhà máy tiếp tục được đầu tư nâng cấp lên chuẩn WHO-GMP & EU-GMP.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/nhom-nganh-nao-la-noi-tru-an-cho-danh-muc-dau-tu-chung-khoan-40359.html