Nhóm nữ sinh trung học tạo chatbot hỗ trợ chống 'yêu râu xanh'

Nhóm nữ sinh trung học tạo chatbot hỗ trợ chống 'yêu râu xanh'
một ngày trướcBài gốc
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang (áo dài xanh) cùng nhóm nghiên cứu dự án "Người bạn AI của nữ sinh" bên lề Đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ" thành phố Hà Nội lần thứ XV.
"Cô bé" robot được giới thiệu bên lề Ngày hội của thiếu nhi Thủ đô có "trái tim" là phần mềm chatbot ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu hỗ trợ nữ sinh trong học tập, phát triển kiến thức, kỹ năng thường thức. Đáng chú ý, đây là sản phẩm ra đời dưới bàn tay của một nhóm nữ sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tên gọi Future Uplift Foundation - Quỹ Hỗ trợ nữ sinh vùng cao.
"Ở trường của em, các thầy cô giáo luôn khuyến khích sử dụng AI để học tập. Cháu có một người bạn cùng trường, bạn ấy thường xuyên dùng AI như một công cụ hỗ trợ hướng dẫn làm bài tập rất hiệu quả. Biết được bố của bạn ấy cũng là một chuyên gia về AI, cả nhóm đã nhờ hỗ trợ tìm hiểu về công nghệ này. Trong quá trình học tập, nhóm nhận ra rằng: AI hoàn toàn có thể giúp đỡ nữ sinh trên nhiều khía cạnh", Võ Nguyễn Tường Minh, học sinh lớp 10, Trường Quốc tế Concordia Hà Nội, người sáng lập Quỹ, chia sẻ.
"Cô bé" robot đặc biệt xuất hiện tại Đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ" thành phố Hà Nội lần thứ XV.
Theo những chiêm nghiệm cá nhân của Tường Minh, AI không chỉ dừng lại ở việc đồng hành trong học tập, mà còn có thể trở thành nền tảng hỗ trợ nữ sinh về tâm lý, giáo dục giới tính, phòng, chống lạm dụng, giúp các bạn nhỏ nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, tự bảo vệ bản thân. "Em nhận thấy không ít bạn chưa có hiểu biết về những vấn đề quan trọng này, và một chatbot hoàn toàn có thể cung cấp thông tin theo hướng dễ tiếp cận, an toàn, không vướng phải sự phán xét chủ quan", nữ sinh lớp 10 cho biết.
"Cô bé" robot/chatbot của nhóm được xây dựng trên nền tảng Zerochat, cho phép tạo chatbot mà không cần lập trình. Thay vào đó, các tác giả chỉ cần làm sạch thông tin và đưa dữ liệu vào mô hình dữ liệu RAG (Retrieval Augmented Generation) truy xuất tăng cường để cung cấp kiến thức cho chatbot.
Quá trình nêu trên đã được các bạn nhỏ thử nghiệm liên tục nhằm điều chỉnh nội dung phù hợp tâm sinh lý, nhận thức theo đúng lứa tuổi, đồng thời được đặt dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của các chuyên gia.
Các thành viên nhóm nghiên cứu tiến hành tối ưu hóa chatbot "Người bạn AI của nữ sinh".
Qua trải nghiệm thực tế, chúng tôi nhận thấy, khi tương tác với chatbot, các câu hỏi càng về sau càng trở nên sắc bén hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, trình độ của những người đặt câu hỏi cũng đã dần nâng cao, nói cách khác là tiếp thu được thêm nhiều kiến thức thông qua việc đặt câu hỏi cho chatbot.
Nhiều đại biểu dự Đại hội cũng bày tỏ ấn tượng trước khả năng tương tác, đọc dữ liệu của "cô bé" robot mang trên mình tông màu hồng xinh xắn. Các bạn nhỏ còn chủ động đặt những câu hỏi sâu về kiến thức lịch sử, sức khỏe vị thành niên, kỹ năng sống...
Một số đại biểu khẳng định dự án này có khả năng phát triển, lan tỏa rộng rãi với tên gọi "Người bạn AI của nữ sinh", trở thành công cụ hữu ích, góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục, mang đến cơ hội học tập bình đẳng cho các bạn nhỏ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện còn khó khăn.
Đông đảo đại biểu hào hứng tương tác với "cô bé" robot.
Mặc dù đã thu được một số kết quả khả quan ban đầu, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng chatbot vẫn còn một số hạn chế nhất định. "Lượng dữ liệu đưa vào chưa được phong phú, lại phụ thuộc khá nhiều vào cách đặt câu hỏi. Cụ thể, nếu đặt câu hỏi chưa hay thì câu trả lời cũng khó có thể thú vị được. Trong tương lai gần, chúng em hy vọng sẽ có thể cập nhật thêm dữ liệu để chatbot phát triển nhanh, bền vững hơn", Tường Minh nói.
Quỹ Hỗ trợ nữ sinh vùng cao được thành lập với mong muốn hỗ trợ kiến thức, tài chính để nữ sinh vùng cao có điều kiện học tập, phát triển tri thức, kỹ năng sống, tâm lý và đặc biệt là trang bị kiến thức về công nghệ, giáo dục giới tính, phòng, chống lạm dụng tình dục.
Hiện Quỹ có 10 thành viên, đều là học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ khi thành lập, Quỹ đã thực hiện nhiều chương trình, tiêu biểu như: Trao học bổng tặng 4 nữ sinh dân tộc Tày ở các bản vùng cao của tỉnh Lào Cai; Xây dựng nhà vệ sinh tặng gia đình 2 nữ sinh hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Sơn La; Trao quà Tết cùng hàng chục xe đạp tặng học sinh vùng cao...
NGỌC VY
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nhom-nu-sinh-trung-hoc-tao-chatbot-ho-tro-chong-yeu-rau-xanh-post869056.html