Tăng trưởng dư nợ của Agribank trong nửa đầu năm theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Ảnh: Đức Thanh
Tăng dần đều
Mới đây, ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024. Trong đó, khoảng 209.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng, chủ yếu là ngân hàng thương mại.
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã có những chính sách đồng hành thiết thực cùng các doanh nghiệp tư nhân, như cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ phục hồi sau dịch bệnh, thiên tai. Các ngân hàng thương mại cũng không ngừng đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, số hóa quy trình cho vay, giảm thiểu các chi phí, rút ngắn quy trình trong xử lý hồ sơ để cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân.
Trước đó, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5/2025, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,52%, cao hơn đáng kể so với mức 2,41% cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng tín dụng đáng kể nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay. Nhu cầu tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được dự báo tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, tính đến cuối tháng 6/2025, tăng trưởng dư nợ của Agribank đạt hơn 7%, theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Phần lớn tín dụng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trong năm nay, nông dân được mùa, nên tình hình trả nợ rất tốt.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Tổng giám đốc VietinBank tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, tín dụng tăng đến 10% so với cuối năm 2024, huy động ước tăng hơn 9%. Một số ngân hàng thương mại, như ACB, cũng có dư nợ tăng 8% nửa đầu năm.
Triển vọng tích cực cuối năm
Với xu hướng lãi suất nửa cuối năm được dự báo khó tăng khi ngân hàng có chủ trương tiết giảm chi phí đầu vào để giữ ổn định lãi suất đầu ra, tín dụng được lãnh đạo các nhà băng dự báo cải thiện dần các quý cuối năm.
Từ mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong nửa đầu năm, Agribank kỳ vọng, nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng trong nửa cuối năm, bởi đây là mùa kinh doanh cao điểm. Agribank đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay, tích cực đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp, nông thôn và tín dụng xanh.
Đối với tín dụng, trong bối cảnh nhu cầu vốn của khách hàng tăng trong nửa đầu năm nay và khả năng tiếp tục cải thiện nửa cuối năm, thì không khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng dư nợ mà ngành ngân hàng đưa ra ở mức 16% năm nay. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm khi tín dụng tăng chính là rủi ro nợ xấu đi lên.
- PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM)
Theo bà Phùng Thị Bình, Agribank đang đẩy mạnh cho vay mua nhà ở xã hội và cho khách hàng trẻ dưới 35 tuổi vay mua nhà lãi suất 5,5%/năm trong 3 năm đầu (sắp tới sẽ xem xét giảm thêm 1,5% lãi suất). Thời gian tới, khi việc tháo gỡ pháp lý các dự án được đẩy mạnh, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn, thì cầu về tín dụng nhà ở cũng tăng trưởng tích cực.
“Thông thường, tín dụng nửa cuối năm sẽ tăng trưởng tích cực hơn hai quý đầu năm và nhu cầu vốn đang cải thiện dần do lãi suất ổn định thấp”, bà Bình nói và cho biết, với mức nợ xấu hiện dưới 1,5%, mục tiêu của Agribank đến cuối năm nay là kiểm soát nợ xấu dưới 1% (so với cuối năm 2024 là khoảng 2%).
Theo Tổng giám đốc VietinBank, thời gian qua, Ngân hàng đã phát huy vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực, tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các động lực tăng trưởng. VietinBank đã đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên; cho vay theo Nghị quyết 33/2023/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho người trẻ dưới 35 tuổi với mức lãi suất chỉ 5 - 6%/năm.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cũng cho hay, nhu cầu vốn của khách hàng dần cải thiện, trong khi lãi suất cho vay giữ ổn định, thậm chí giảm so với cuối quý I/2025 là điều kiện kích cầu tín dụng, nhất là với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà và tiêu dùng… Mục tiêu của ACB là tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 16-18% và giữ lãi suất ổn định.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II, nhất là lãi suất cho vay. Khảo sát cho thấy, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong quý II và dự kiến tiếp diễn trong quý III cũng như cả năm 2025.
Đáng chú ý, có tới 62,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu vay vốn sẽ tăng cao, vượt trội so với nhu cầu thanh toán và gửi tiền. Các tổ chức tín dụng đã nâng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên mức 16,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế của năm 2024; tăng trưởng huy động vốn cũng được điều chỉnh tăng lên 13,9% - nếu đạt được, đây sẽ là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Vân Linh