Áp lực tỷ giá đến từ nội tại
KTSG: Từ đầu năm 2025 tới nay, tiền đồng (VNĐ) vẫn duy trì xu hướng giảm giá so với đô la Mỹ (USD). Ngoài ra, chúng ta còn ghi nhận việc tiền đồng yếu đi so với đồng euro, bảng Anh, đô la Úc. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này và đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng tỷ giá hiện nay?
Theo Phạm Thế Anh, nếu cung tiền tăng quá nhanh, tăng trưởng tín dụng cao, dù chính sách lãi suất như thế nào, tiền đồng vẫn sẽ giảm giá. Ảnh: TL
- PGS.TS. Phạm Thế Anh: Quan sát diễn biến từ đầu năm tới nay, chúng ta thấy, chỉ số sức mạnh của USD (DXY) đã xuất hiện xu hướng giảm, từ mức 108.296 điểm cuối năm 2024 và một số thời điểm của nửa đầu năm 2025 xuống 97,4 điểm vào ngày 30-6-2025. Bên cạnh đó, từ tháng 1-2025, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không có đợt tăng lãi suất nào, trong khi đó Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tiến hành bốn đợt cắt giảm lãi suất (vào tháng 1-2025, tháng 3-2025, tháng 4-2025 và tháng 6-2025); Ngân hàng Trung ương Anh đã hạ lãi suất hai lần (vào tháng 2-2025 và tháng 5-2025); Ngân hàng Trung ương Úc cũng hạ lãi suất hai lần (vào tháng 2-2025 và tháng 5-2025).
Như vậy, việc VNĐ mất giá so với USD và các đồng tiền nêu trên không phải do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thắt chặt tiền tệ ở nước họ. Căng thẳng tỷ giá VNĐ/USD từ đầu năm tới nay chủ yếu phản ánh yếu tố nội tại của Việt Nam.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới cuối tháng 3-2025, tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam là hơn 18,45 triệu tỉ đồng, tăng 2,99% so với cuối năm 2024 và tăng khoảng 15,22% so với cùng kỳ năm 2024. Tính đến ngày 30-5-2025, tín dụng nền kinh tế đạt 16,49 triệu tỉ đồng, tăng 5,59% so với cuối năm 2024 và tăng 17,49% so với cùng kỳ năm 2024. Khi Chính phủ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng cao, đẩy mạnh cung tiền và tín dụng, duy trì lãi suất thấp như vậy, VNĐ sẽ “rẻ hơn”, dẫn đến tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ, tài sản, hay ngoại tệ, khi tính theo VNĐ sẽ trở nên “đắt đỏ” hơn. Giá cả hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ các quốc gia có đồng tiền tăng giá so với VNĐ sẽ cao hơn, giá tài sản như giá vàng, bất động sản, chứng khoán, tiền điện tử... sẽ đắt lên và tỷ giá VNĐ với nhiều ngoại tệ sẽ tiếp tục căng thẳng.
Vừa rồi, tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã lưu ý về tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã là 134% vào cuối năm 2024. Chúng ta cần lưu ý thêm, vào năm 2019, Tổng cục Thống kê đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế giai đoạn 2007-2017, tăng thêm hơn 25%/năm. Nhưng sau khi điều chỉnh xong, tỷ lệ tín dụng/GDP lại tiếp tục tăng nhanh.
KTSG: Ông đánh giá như thế nào về diễn biến tỷ giá từ nay cho tới hết năm 2025, xu hướng chủ đạo là gì và những điều gì chúng ta cần lưu tâm?
- Tỷ giá vẫn phụ thuộc một phần vào tình hình thế giới. Đầu tiên là xu hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Trong trường hợp lạm phát hạ nhiệt, Fed cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương khác duy trì xu hướng giảm lãi suất, áp lực tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt đôi chút. Tuy nhiên, chính sách thuế quan và xung đột địa chính trị trên thế giới đang cản trở điều này.
Thứ hai là khả năng xuất khẩu của Việt Nam, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ và châu Âu. Nếu Mỹ áp thuế cao, các quốc gia nhập khẩu lớn dựng hàng rào thương mại hay hàng rào kỹ thuật, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm đồng nghĩa dòng ngoại tệ thu về giảm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chững lại. Cung ngoại tệ giảm sẽ khiến tỷ giá diễn biến căng thẳng hơn.
Dù vậy, quan trọng nhất vẫn là điều hành chính sách vĩ mô trong nước. Nếu cung tiền và tín dụng tăng quá nhanh thì dù chính sách lãi suất trên thế giới như thế nào, VNĐ vẫn sẽ chịu áp lực giảm giá.
Lạm phát đáng ngại nhưng tốc độ tăng giá tài sản còn đáng ngại hơn
KTSG: Thưa ông, xu hướng giảm giá của VNĐ sẽ ảnh hưởng thế nào tới các chỉ số vĩ mô của Việt Nam, chẳng hạn như lạm phát? Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể chịu tác động như thế nào?
- Tôi lo ngại về lạm phát nhưng lo ngại hơn với việc giá tài sản tăng quá nhanh, kéo nguồn lực ra khỏi lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo và bất ổn xã hội. Trên lý thuyết, nếu lượng cung tiền nhiều, đồng tiền sẽ mất giá, dẫn đến giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng và gây ra lạm phát. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sức tiêu dùng của người dân vẫn yếu, thu nhập tăng chậm trong khi giá tài sản, nhất là bất động sản, tăng quá nhanh khiến cho tâm lý tích lũy/phòng thủ vẫn là chủ đạo, người dân chủ yếu chi cho nhu cầu thiết yếu. Cùng với đó, năng lực sản xuất của Việt Nam cũng tốt hơn, cung sản xuất hàng hóa cải thiện mạnh trong khi cầu trong nước yếu. Thêm nữa, cầu hàng hóa trên thế giới yếu đi, Trung Quốc dư thừa năng lực sản xuất, còn Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc nên trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Tất cả những yếu tố đó khiến sức ép lạm phát được giảm bớt phần nào cho dù cung tiền tăng nhanh.
Vấn đề đáng lo ngại hơn là tình trạng tăng giá tài sản. Khi cung tiền/tín dụng tăng nhanh, lãi suất được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng, dòng tiền sẽ gia tăng trú ẩn và đầu cơ vào các loại tài sản như vàng, bất động sản, ngoại tệ, tiền mã hóa... Giá các loại tài sản này tăng theo tốc độ tăng cung tiền, tín dụng, thậm chí tăng nhanh hơn, dẫn đến nguy cơ hình thành bong bóng giá, kéo nguồn lực ra khỏi lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, gây rủi ro lớn cho nền kinh tế.
Đối với hoạt động xuất khẩu, việc VNĐ giảm giá giúp hấp thụ một phần tác động của việc tăng thuế quan. Do VNĐ yếu đi so với đô la Mỹ, euro, bảng Anh..., giá hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này sẽ rẻ hơn một chút, phần nào đó giúp hàng Việt Nam tăng sức cạnh tranh. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp của Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường có đồng tiền đang mạnh lên, giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ cao hơn, gây sức ép lên chi phí sản xuất và tiêu dùng trong nước.
KTSG: Từ góc độ điều hành, theo ông, để cân bằng được lạm phát, tỷ giá và lãi suất có phải là một thách thức trong điều hành tài chính - tiền tệ sáu tháng cuối năm 2025 hay không? Ông dự đoán NHNN có thể sử dụng những công cụ gì để các chỉ số nêu trên trong tầm kiểm soát?
- Đồng thời giữ lạm phát, tỷ giá và lãi suất ở mức thấp gần như là một nhiệm vụ bất khả thi khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao. Nghĩa là, nếu muốn lựa chọn lãi suất thấp, đẩy mạnh tín dụng để đạt được tăng trưởng cao trong ngắn hạn, thì phải chấp nhận tỷ giá và lạm phát tăng ở mức độ nhất định và ngược lại.
Có thể nói, NHNN đang phải đương đầu với bài toán rất khó khăn. Việc nới lỏng tiền tệ, đẩy tín dụng vào nền kinh tế dẫn đến VNĐ giảm giá, không chỉ gây sức ép lạm phát mà còn là nguy cơ bong bóng giá tài sản.
Như vậy, phải làm sao để dòng tín dụng đẩy ra phải trúng đích. Chúng ta thấy, NHNN liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng của lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, trong chừng mực nào đó, NHNN cũng đã sử dụng kênh tín phiếu hút bớt thanh khoản tạm thời ra khỏi hệ thống ngân hàng ở một số thời điểm để giảm áp lực cho tỷ giá. Tuy nhiên, những cách làm này chỉ có thể giảm bớt một phần sức ép lên lạm phát, tỷ giá, và giá tài sản. Một khi tổng cung tiền và tín dụng tăng nhanh, dòng tiền sẽ tìm đến những tài sản và ngoại tệ mạnh để trú ẩn và tìm kiếm lợi nhuận thay vì đổ vào sản xuất, nhất là trong bối cảnh sức tiêu dùng yếu. Đây là sự đánh đổi tất yếu khi thực hiện các chính sách nới lỏng.
Hoàng Hạnh