Nhựa Đông Á (DAG) đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu

Nhựa Đông Á (DAG) đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu
2 giờ trướcBài gốc
HoSE cho biết lý do bởi cổ phiếu của Công ty cổ phần Nhựa Đông Á (MCK: DAG) đang trong các diện theo dõi vi phạm. Cụ thể, cổ phiếu DAG bị đình chỉ giao dịch theo Quyết định số 484/QĐ-SGDHCM ngày 8/8/2024 của Tổng Giám đốc HoSE do doanh nghiệp tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đến nay, Nhựa Đông Á chưa thực hiện công bố thông tin Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024. Doanh nghiệp cũng tiếp tục vi phạm các quy định về công bổ thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán đưa vào diện cảnh báo theo quy định.
Việc chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 âm 588.077.162.453 đồng cũng là các nguyên nhân cổ phiếu DAG bị cảnh báo mà chưa khắc phục.
Như vậy, kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Nhựa Đông Á chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiễm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
Trước đó, ngày 8/8, HoSE đã quyết định chuyển cổ phiếu DAG từ hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 15/8 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Đồng thời, cổ phiếu DAG cũng được đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/8.
Lý giải việc cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch trước đó, Nhựa Đông Á cho biết, năm 2023 là một năm đặc biệt khó khăn với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nhựa nói chung và Nhựa Đông Á cùng các công ty con trong tập đoàn nói riêng.
Hoạt động bị đình trệ, sản phẩm sản xuất ra không bán được, hàng Trung Quốc cạnh tranh nhiều, quy mô hoạt động kinh doanh của công ty phải thu hẹp. Hàng chậm luân chuyển nên tỷ lệ trích lập dự phòng hàng tồn kho và gửi bán tăng cao. Việc bị cưỡng chế hóa đơn dẫn đến tình hình kinh doanh của Nhựa Đông Á ngày càng khó khăn hơn.
Việc thiếu nhân sự kế toán và trục trặc kỹ thuật là nguyên nhân trực tiếp được công ty lý giải cho việc chậm công bố thông tin. các lần chậm công bố thông tin, Nhựa Đông Á đều có văn bản xin chậm công bố thông tin, giải trình theo yêu cầu của HoSE và thực hiện công bố thông tin ngay sau khi hoàn thành.
Tại báo cáo tự lập, kết thúc 6 tháng đầu năm, Nhựa Đông Á tiếp tục thua lỗ 66,6 tỷ đồng. Tính tới ngày 30/6/2024, tổng lỗ lũy kế của công ty đã lên tới 640,99 tỷ đồng, bằng 106,28% vốn điều lệ (vốn điều lệ 603,14 tỷ đồng) và nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 593,23 tỷ đồng.
Diệu Phương
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/nhua-dong-a-dag-dung-truoc-nguy-co-bi-huy-niem-yet-co-phieu-718989.html