Nhức nhối nạn bạo lực học đường ngay đầu năm học mới

Nhức nhối nạn bạo lực học đường ngay đầu năm học mới
3 giờ trướcBài gốc
Bạo lực học đường - đầu năm đã "nóng"
Ngày 20/9, một nam sinh lớp 11 (Trường THPT Bù Đăng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị bạn cùng trường đánh hội đồng dẫn đến bị thương tích vùng mặt, chảy máu. Nạn nhân được người dân đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu rồi chuyển lên BVĐK tỉnh trong tình trạng đa chấn thương, gãy 4 chiếc răng, rách mí mắt, môi...
Nam sinh nhập viện sau khi bị đánh gãy 4 chiếc răng.
Ngày 16/9, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Châu Văn Liêm (tỉnh Hậu Giang) bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng bằng mũ bảo hiểm tới tấp vào đầu tại một công viên khiến em này đau đầu phải nhập viện.
Một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Châu Văn Liêm (tỉnh Hậu Giang) bị nhóm bạn cùng trường đánh bằng mũ bảo hiểm tới tấp vào đầu.
Hay tại Hà Nội mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip ghi lại cảnh học sinh bị bạn đánh tới tấp vào đầu ngay tại lớp học. Đáng nói, vụ việc xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác nhưng không ai can ngăn, khiến nạn nhân chỉ biết ngồi "chịu trận".
Trước đó, chỉ sau khai giảng năm học mới vài ngày, một clip lan truyền trên mạng xã hội cảnh học sinh đánh nhau ngay trước cổng Trường THPT Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Nguyên nhân học sinh đánh nhau do hiềm khích, mâu thuẫn lúc đá bóng.
Bạo lực học đường phải giải quyết thấu đáo, đẩy mạnh thành chương trình giáo dục thường xuyên trong trường
Về những vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp trong những ngày đầu năm, chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, học sinh chành chọe, đấm đá nhau thì thời nào cũng có nhưng hiện nay chúng ta phải lên án hành vi bạo lực trở nên nguy hiểm, không những vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó là sự vô cảm của những em học sinh không bảo vệ bạn mà còn a dua, đứng xem cổ vũ hai bên đánh nhau, quay phim, chụp ảnh. Điều này không những mất an toàn trong trường học mà học sinh không nhận thức đúng về đạo đức, xã hội, pháp luật. Chúng ta phải thấy được hết những hậu quả để có những quyết tâm ngăn chặn".
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, bạo lực học đường phải giải quyết thấu đáo, thường xuyên, đẩy mạnh thành chương trình giáo dục thường xuyên trong trường. Việc nhắc nhở các em phải nói đi nói lại bởi nhiều lúc nói xong các em lại quên đi mà hành động theo bản năng, không theo pháp luật. "Giáo dục trong nhà trường rất quan trọng, phải là từ mầm non, tiểu học. Các em cần được giáo dục văn hóa học đường, kỹ năng sống để biết yêu thương, tôn trọng, tha thứ và có kỹ năng hòa giải, đàm phán, ra quyết định đúng đắn để làm".
Chuyên gia tâm lý PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần có hệ thống sàng lọc những học sinh có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Công tác theo dõi, dự báo, các chương trình định kỳ thường xuyên để giúp cha mẹ, học sinh và giáo viên nhận diện được những hành vi bắt nạt, cách thức ứng xử phù hợp… Trong đó, người lớn phải làm gương. "Cùng với đó kết hợp với các tổ chức xã hội để ngăn chặn và loại trừ những tội phạm bạo lực diễn ra xung quanh trường để kiến tạo một môi trường học đường an toàn hơn cho các em".
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nhuc-nhoi-nan-bao-luc-hoc-duong-ngay-dau-nam-hoc-moi-16924092310224564.htm