Hiện, giá cà phê đang ở mức 120.000-121.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc HTX Tân Nghĩa (Lâm Đồng) cho biết, nạn trộm cắp cà phê từ khi còn xanh đến khi chín đã diễn ra tại địa phương.
Mất ăn, mất ngủ
“Năm nào cũng vậy, nạn hái trộm, mót trộm, chưa kể cà phê hái về đến sân, đưa vào tận kho thì nông dân, HTX cũng phải canh phòng. Điều này khiến người làm nông nghiệp khổ đủ điều”, ông Nguyễn Minh Ngọc nói.
Đặc biệt, những người trộm cà phê thường hái theo cách "thô bạo", thậm chí bẻ cả cành, chặt cả gốc nên khả năng khôi phục của cây cà phê rất khó, từ đó ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.
Tại Tây Ninh, anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung cho biết, mãng cầu cũng bị trộm cắp khiến người dân, thành viên HTX mất ăn mất ngủ.
“Với giá tại vườn là 60.000 đồng/kg, nhiều người đã không từ bỏ thủ đoạn để trộm mãng cầu. Điều này đồng nghĩa với giá trị kinh tế của thành viên bị giảm, công sức của thành viên bị đổ sông đổ bể”, Giám đốc HTX Minh Trung chia sẻ.
Không chỉ cà phê, mãng cầu, mà tình trạng trộm các loại nông sản như hồ tiêu, sầu riêng, thanh long, dưa hấu... đã diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là khi nhiều loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch và tiêu thụ với giá cao.
Cà phê bị kẻ trộm hái nham nhở.
Nếu không ngăn chặn được tình trạng này, người dân, HTX sẽ rất hoang mang, gây tâm lý ức chế, làm thiệt hại về kinh tế và giảm giá trị bền vững của vườn cây.
Tình trạng trộm cắp nông sản khi vào vụ thu hoạch ở nhiều nơi diễn ra phức tạp hơn khiến cho các HTX hết sức vất vả ngăn chặn. Cả lãnh đạo, thành viên, người lao động trong một số HTX đều được huy động để tuần tra, bảo vệ vườn cây và kho bãi mỗi đêm.
Theo các HTX, hiện nay, một số địa phương đã thành lập đội điều tra, khuyến cáo nông dân, HTX chong đèn, rào vườn, chia người canh gác, lắp camera…, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, khó mang lại hiệu quả lâu dài. Trong khi nhiều nông sản như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… hiện là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia, vấn nạn trộm cắp vẫn diễn ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, tăng chi phí của HTX, nông dân.
“Sợ vườn cà phê tiếp tục bị mất trộm, HTX đã thuê một số người ngủ lại tại vườn để trông với tiền công khoảng 6 triệu đồng/người/ tháng. Điều này làm tăng chi phí của HTX”, ông Nguyễn Minh Ngọc cho biết.
Ngành nông nghiệp khó phát triển
Có thể thấy, nếu nạn trộm cắp nông sản vẫn tiếp tục hoành hành, không thể kiểm soát nổi thì đây cũng chính là một trong những lý do khiến ngành nông nghiệp Việt Nam khó có thể tạo nên giá trị gia tăng cao nhất về chất lượng sản phẩm.
Nhiều nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp đã trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí họ phải đối mặt với một thời gian dài khi nhiều mặt hàng nông sản mất giá, khó đầu ra. Khi một số nông sản được xuất khẩu chính ngạch, có giá cao thì các HTX cũng phải đầu tư nhiều mặt từ giống, kỹ thuật, phân bón, máy móc... Trong khi để phát triển được diện tích nông sản lớn thì hầu hết các vùng trồng này đều nằm xa khu dân cư. Do đó, việc xây dựng cơ sở vật chất, vận chuyển máy móc vào các vùng trồng hết sức khó khăn, nhiều HTX phải dựng tạm nhà xưởng, lán trại để cất giữ vật tư đầu vào, máy móc.
Thực tế hiện nay, nhiều HTX chủ động rào chắn vườn trồng bằng lưới B40 hoặc dây thép gai thì cũng bị... mất luôn cả lưới. Một số HTX nuôi chó để canh rẫy thì nhiều khi người trông vườn phải... canh cả chó. Có HTX làm lán trại trong rẫy thì bị đục cửa lấy đồ, máy tưới cây, máy làm cỏ, máy thu hoạch... nên hoạt động sản xuất càng khó khăn hơn. Ngay như nhiều HTX trồng thanh long hiện nay cũng trong cảnh lo sợ bởi ngay cả bóng đèn dùng để chong cho thanh long vào ban đêm cũng bị trộm.
Đại diện một số HTX giãi bày, làm nông nghiệp quy mô lớn cũng đồng nghĩa với việc thành viên HTX, nông dân cũng phải vay vốn để đầu tư. Nếu tình trạng trộm cắp không được giải quyết thì nông dân, HTX tiếp tục rơi vào nợ nần, thậm chí nợ nần triền miên từ năm nay qua năm khác, khi đó sản xuất nông nghiệp cũng khó có thể phát triển.
Theo giới chuyên gia, trộm cắp nông sản là một loại trộm cắp tài sản. Dù pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc xử lý những đối tượng này nhưng có những quy định vẫn còn quá nhẹ.
Trong đó, đối với hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng về giá trị tài sản thiệt hại (dưới 2 triệu đồng) và đối tượng trộm cắp chưa bị kết án về một trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. Điều này là chưa đủ sức răn đe và cũng chưa làm giảm nạn trộm cắp nông sản.
Tại nhiều nước, trong đó có Singapore, đối với tội trộm cắp tài sản, luật pháp nước này có tới hơn 30 hình thức phạt khác nhau, bao gồm phạt tiền, đánh đòn và nặng nhất là tử hình, nên tỷ lệ trộm cắp ở nước này ở mức hiếm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần học hỏi một số nước như Malaysia, Thái Lan khi đội ngũ cảnh sát của họ hoạt động rất trách nhiệm, phản ứng rất nhanh và chuyên nghiệp khi có cuộc gọi khẩn cấp và báo cáo tội phạm về trộm cắp nông sản. Vì các nước này xác định rõ được vai trò của một số nông sản chủ lực trong xuất khẩu và phát triển kinh tế. Hiện, tại một số địa phương, lực lượng công an đã vào cuộc nhưng vẫn cần đồng bộ, chủ động hơn nữa thì mới hạn chế được nạn trộm cắp nông sản.
Huyền Trang