Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các viện nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trên cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNN; một số sở, ngành, đoàn thể; doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Năm 2024, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó có yếu tố thiên tai, đặc biệt là bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề..., được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ; với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; sự chung sức, đồng lòng, sáng tạo của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân… ngành NN&PTNN đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất; duy trì đà tăng trưởng cao, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế cả nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.
Năm 2024, giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng 3,3%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới ước đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 58%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% và chiếm tới 71,6% xuất siêu cả nước (xuất siêu cả nước khoảng 25 tỷ USD). Cả nước có hơn 14.600 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng hơn 3.500 sản phẩm so với 2023) với hơn 8.000 chủ thể tham gia;
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều chuyển biến, mặc dù số lượng HTX tăng chậm, nhưng các địa phương đã quan tâm hỗ trợ HTX phát triển thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, liên kết tiêu thụ; tham gia có kết quả, hiệu quả tốt trong các chương trình. Đến hết năm 2024, cả nước có 101 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 21.700 HTX nông nghiệp, tăng 1.200 HTX so với năm 2023, trong đó 65,9% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; gần 2.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; 4.339 HTX tham gia bao tiêu nông sản cho thành viên; 2.169 HTX nông nghiệp có các sản phẩm OCOP, chiếm 37,9% số chủ thể sản phẩm OCOP được công nhận; trên 1.200 HTX hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cả nước có 19.660 trang trại (1.034 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 56 trang trại hoạt động du lịch nông nghiệp, 4.235 TT có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm).
Việc phê duyệt, triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU), từ năm 2023 kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả. Trong 62,5 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản, xuất khẩu nông sản chính đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; xuất khẩu chăn nuôi đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; xuất khẩu lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%; có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Trong năm 2024, bão số 3 gây thiệt hại trên 83.700 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp chiếm 38%, ngành phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ, kịp thời các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão để nhanh chóng ổn định đời sống, chỗ ở của người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm (2021 - 2025) và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Toàn ngành NN&PTNN tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn và nông dân văn minh; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường, thiên tai... để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá; đề nghị ngành cần quyết liệt hơn trong hoạt động thực tiễn, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và từng lĩnh vực theo định hướng chuyển đổi mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, góp phần đắc lực hiệu quả thực hiện chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ mới và các đơn vị thuộc Bộ tinh gọn “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” theo kế hoạch, tiến độ, yêu cầu của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Nông Hậu