Những bí mật ẩn chứa trong ngôi nhà sàn cổ hơn 140 tuổi của vua săn voi

Những bí mật ẩn chứa trong ngôi nhà sàn cổ hơn 140 tuổi của vua săn voi
3 giờ trướcBài gốc
Kiến trúc đặc biệt của căn nhà sàn hơn trăm tuổi
Khi nhắc đến Bản Đôn (thuộc địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), hình ảnh những chú voi con thường hiện lên đầu tiên trong tâm trí mọi người. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng hơn cả chính là ngôi nhà sàn cổ kính, đã tồn tại hơn 140 năm nay.
Với kiến trúc chùa tháp của Lào, Thái, ngôi nhà này chính là nơi ở của vua săn voi Y Thu Knul (1828-1938) - người được mệnh danh là ông tổ nghề săn voi và có công khai phá, mở đất, lập ra vùng Buôn Đôn.
Theo tư liệu gia phả của gia đình ông Y Thu, ngôi nhà được khởi công vào ngày 7/10/1883 và hoàn thành vào ngày 19/2/1885. Công trình gồm 3 gian song song liền kề, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, thể hiện sự khéo léo và tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ.
Toàn cảnh ngôi nhà sàn cổ hơn 140 tuổi của gia đình vua săn voi.
Để làm ngôi nhà này, chủ nhân đã huy động 18 con voi vào rừng để khai thác gỗ, cùng 14 thợ lành nghề do thợ cả Tha Vi Vông Khăm Sao (một nghệ nhân điêu khắc gỗ người Lào) chịu trách nhiệm thiết kế và làm thợ cả.
Quá trình thi công ngôi nhà cũng là một kỳ công. Những người thợ phải đẽo 8.726 miếng gỗ cà chít (kích thước 2cm x 12cm x 35cm) để làm ngói lợp, tốn khoảng 7,5m3 gỗ.
Ngôi nhà sàn cổ có 3 gian, 3 mái chóp nhọn.
Trị giá của ngôi nhà vào thời điểm đó là một con số ấn tượng. Chủ nhà đã phải đổi 12 con voi trên 60 tuổi có ngà dài (mỗi con voi đực lớn có giá khoảng 60-70 triệu đồng) để thanh toán cho công thợ, thiết kế, hạ cây và kéo gỗ. Theo phong tục, khi cúng vào nhà mới, chủ nhà đã mổ 22 con trâu để cầu mong sự thịnh vượng.
Trải qua hơn 140 năm thăng trầm, ngôi nhà sàn cổ kính của vua săn voi Y Thu Knul vẫn giữ vững nét đặc trưng của vùng Tây Nguyên.
Chủ nhà đã sử dụng khoảng 7,5m3 gỗ cà chít để làm ngôi nhà sàn.
Lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá
Bước vào trong ngôi nhà sàn, chúng tôi được chiêm ngưỡng nhiều kỷ vật quý giá, những "vũ khí lợi hại" của các vua voi qua nhiều thế hệ.
Nổi bật trong số đó là sợi dây da trâu dài từ 90-120m. Theo lời kể của các già làng, để tạo ra một bộ dây thừng hoàn chỉnh, cần sử dụng da của bảy con trâu đực.
Sau khi được bện kỹ lưỡng, dây được phơi trên cây trong suốt 90 nắng, 90 sương (tương đương với 3 tháng cả ngày lẫn đêm) và chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã làm lễ cúng trong một mùa rẫy.
Với độ bền vượt trội, nếu buộc ở ngoài trời nắng, sợi dây này vẫn có thể tồn tại trên 100 năm mà không bị mục nát, trở thành dụng cụ chính để thợ săn voi chế tạo dây thòng lọng, phục vụ cho việc săn bắt voi rừng.
Bên trong ngôi nhà sàn lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá, những "vũ khí lợi hại" của các vua voi qua nhiều thế hệ.
Một kỷ vật khác không kém phần thú vị là tấm nệm lót bành voi, được làm từ da min (trâu rừng). Tấm nệm này là một phần không thể thiếu trong các chuyến đi săn, chỉ dành riêng cho những thợ săn có kinh nghiệm và đã săn được ít nhất 72 con voi.
Cũng tại ngôi nhà này, chúng tôi còn có cơ hội chiêm ngưỡng chiếc mâm đồng quý giá, kỷ vật của vua săn voi Y Thu Knul. Chiếc mâm, được đưa từ Lào vào Việt Nam năm 1859, là vật dụng dùng để đặt lễ vật cúng thần rừng, thần sông trước mỗi cuộc hành trình săn voi, cũng như trong các nghi lễ nhập buôn làng, khi voi rừng chính thức trở thành voi nhà sau quá trình thuần dưỡng.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến thanh kiếm mà vua Bảo Đại đã tặng cho vua voi Ama Pợ Pho Khăm Súc, cháu ruột và là người kế tục sự nghiệp của vua voi Y Thu Knul.
Theo truyền thuyết, vào khoảng năm 1942-1943, khi đi săn ở rừng Mêvan (nay thuộc huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), khi đang cao hứng đuổi theo một con trâu rừng, vua Bảo Đại bất ngờ bị con voi rừng tấn công.
Lúc này, Ama Pợ Pho Khăm Súc phải rút thanh kiếm vua Bảo Đại đang đeo để chiến đấu với voi rừng. Sau đó, vua Bảo Đại tặng lại thanh kiếm này cho Ama Pợ Pho Khăm Súc và đặt tên là kiếm hộ mệnh.
Những sợi dây da trâu - dụng cụ chính của thợ săn voi.
Cùng với đó, là hũ thống kê số lượng voi mà mỗi thợ săn đã bắt được trong suốt cuộc đời. Trong hũ đựng khoảng 10 thanh gỗ dài khoảng 20cm, được đẽo tròn như đũa.
Mỗi khi săn được một con voi, sau lễ cúng nhập buôn làng, người ta lại mở hũ ra lấy một thanh gỗ và khắc một nấc vào thanh gỗ như những chiếc răng cưa. Đến khi không còn đi săn được nữa, người ta lấy ra đếm xem trong suốt cuộc đời đi săn đã bắt được bao nhiêu con voi, căn cứ vào những nấc khắc trên thanh gỗ.
Với những nét độc đáo nói trên, ngôi nhà sàn cổ đã thu hút nhiều du khách và trở thành một điểm đến thú vị trong thời gian qua.
Tấm nệm lót bành voi làm từ da min (trâu rừng) dùng cho thợ săn đã có kinh nghiệm và phải săn được đủ 72 con voi trở lên.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Buôn Đôn cho hay, tại địa bàn huyện còn lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến gia tộc săn voi Y Thu Knul, trong đó có ngôi nhà sàn cổ. Trước đây, ngành văn hóa đã đặt vấn đề về công tác bảo tồn đối với ngôi nhà này nhưng gia đình không đồng ý.
Hằng năm, có rất nhiều đoàn du khách đến đây thăm quan, tìm hiểu về kiến trúc của ngôi nhà sàn, nơi ở của vua săn voi. Cũng có nhiều du khách tìm đến đây để khám phá, tìm hiểu cách săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của các vua voi.
Chiếc mâm đồng quý giá, kỷ vật của vua săn voi Y Thu Knul.
Hũ thống kê số lượng voi.
Nhiều đồ vật được lưu giữ trong ngôi nhà sàn.
Thanh kiếm vua Bảo Đại tặng vua voi Ama Pợ Pho Khăm Súc.
Một góc nhỏ trong ngôi nhà sàn cổ của gia đình vua săn voi.
Nhiều du khách đến thăm quan ngôi nhà sàn của gia đình ông Y Thu Knul.
Ông Y Thu Knul có bố là người Lào di cư tới vùng đất Bản Đôn, lấy mẹ ông là người M’Nông. Trong cuộc đời mình, Y Thu Knul đã săn bắt và thuần dưỡng được khoảng 400 con voi, trong đó có một con voi trắng (bạch tượng). Năm 1861, ông đã mang tặng con voi quý này tặng vua Xiêm (Thái Lan). Được tặng voi quý, vua Xiêm ban tặng lại cho Y Thu Knul rất nhiều của cải và phong tặng ông danh hiệu Khunjunob (nghĩa là "Vua săn voi").
Khánh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/nhung-bi-mat-an-chua-trong-ngoi-nha-san-co-hon-140-tuoi-cua-vua-san-voi-204250110141140261.htm