Những biến động đáng nhớ trong năm 2024 của thị trường mở

Những biến động đáng nhớ trong năm 2024 của thị trường mở
một ngày trướcBài gốc
NHNN bơm ròng hơn 400 ngàn tỷ đồng kiểm soát thanh khoản hệ thống
Diễn biến bơm hút ròng nghiệp vụ OMO theo ngày. Đvt: Tỷ đồng
Thông qua kênh OMO, nhà điều hành đã phát hành tổng cộng hơn 929 ngàn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4%/năm; 14 ngày với lãi suất dao động từ 3.14-4.5%/năm và kỳ hạn 28 ngày với lãi suất dao động từ 1.32-4.25%/năm. Đồng thời, NHNN điều tiết thanh khoản hệ thống thông qua hợp đồng mua kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, tổng trị giá hơn 1.3 triệu tỷ đồng, lãi suất dao động từ 4-4.5%/năm.
Với giá trị kênh mua kỳ hạn cao hơn khối lượng tín phiếu phát hành cho thấy NHNN đã bơm ròng tổng cộng gần 418 ngàn tỷ đồng trên kênh OMO.
Tính đến cuối năm 2024, khối lượng lưu hành trên kênh mua kỳ hạn còn 95.5 ngàn tỷ đồng và kênh tín phiếu còn 85.1 ngàn tỷ đồng.
Thanh khoản gặp áp lực từ yếu tố bên ngoài lẫn bên trong
Nhìn lại năm 2024, biến động đáng chú ý của OMO chủ yếu tập trung trong quý 2 và hai tháng cuối của quý 4. Đây cũng là những giai đoạn tỷ giá diễn biến phức tạp, tín dụng tăng mạnh hơn huy động.
Diễn biến chỉ số DXY trong 3 năm qua
Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 6, NHNN đều đặn phát hành tín phiếu, tổng giá trị đạt trên 422 ngàn tỷ đồng (chiếm 45% tổng giá trị tín phiếu phát hành trong năm 2024) khi đồng USD gia tăng sức mạnh trên thị trường quốc tế do bất ổn địa chính trị leo thang và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa cắt giảm lãi suất do lạm phát Mỹ vẫn còn ở mức cao.
Trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua USD kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại. Tuy nhiên, khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho ngân hàng. Lúc này nhu cầu mua ngoại tệ cũng gia tăng, đặc biệt là nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước khi nền kinh tế phục hồi. Cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi là yếu tố trong nước gây áp lực lên tỷ giá.
Trước sức ép từ bên ngoài lẫn bên trong, giá bán ra USD tại Vietcombank liên tục phá đỉnh lịch sử, đạt đỉnh tại mức 25,488 đồng/USD trong ngày 23/4 (đây cũng là mức trần mà ngân hàng được giao dịch ở phiên này), tăng 4.4% so với cuối năm 2023.
Nguồn: VCB
Để “ghìm cương” tỷ giá USD/VND, ngoài phát hành tín phiếu, NHNN còn kết hợp nghiệp vụ bán can thiệp USD cho các nhà băng có trạng thái ngoại tệ âm với giá bán can thiệp bằng giá bán giao ngay 25,450 đồng/USD nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của các ngân hàng thương mại với khối lượng tương đối lớn (ước tính NHNN đã bán hơn 6 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối tính đến cuối tháng 6).
Mặt khác, nhà điều hành tăng lãi suất nghiệp vụ OMO (lãi suất tín phiếu tăng lên 4.5% vào ngày 26/6 và duy trì mức này đến hết ngày 2/8). Điều này đã khiến thanh khoản hệ thống bị thu hẹp do một lượng lớn tiền đồng bị rút ra khỏi hệ thống để cân đối nguồn cung USD nhằm hạ nhiệt tỷ giá USD/VND.
Nguồn: VietstockFinance
Xen kẽ với xu hướng hút tiền mạnh để ổn định tỷ giá, NHNN cũng đẩy mạnh cung tiền trên kênh OMO (từ tháng 4 đến tháng 6) thông qua việc sử dụng kênh mua kỳ hạn (cho vay) với tổng giá trị đạt gần 329.8 ngàn tỷ đồng, giúp các ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn liên ngân hàng có thể chủ động điều tiết thanh khoản giai đoạn cao điểm cuối quý.
Nguồn: VietstockFinance
Sau khi tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm, tín dụng đảo chiều tăng trưởng dương trở lại từ tháng 3 và tăng tốc nhanh về cuối quý 2 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và ngành bất động sản khởi sắc thúc đẩy nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, có một thực trạng diễn ra là việc huy động vốn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế do lãi suất huy động kém hấp dẫn. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6, huy động vốn mới tăng 3.21% trong khi tín dụng đã tăng 6.1% so với đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
Trước bối cảnh đó, NHNN mạnh tay cho các ngân hàng thương mại vay qua OMO, đồng thời tăng lãi suất mua kỳ hạn lên 4.5% vào ngày 22/5 và duy trì mức này đến hết ngày 2/8. Động thái này của nhà điều hành giúp bơm thanh khoản, giảm áp lực lên tỷ giá (lãi suất mua kỳ hạn tăng giúp thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, tăng sức hấp dẫn của VNĐ cũng như thu hẹp chênh lệch lãi suất VND-USD).
Trên thị trường quốc tế, giá USD lao dốc mạnh khi ngày 18/9 Fed quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm (kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19), giúp tâm lý đầu cơ USD giảm dần trên thị trường tài chính quốc tế.
Đồng USD suy yếu và thanh khoản hệ thống dồi dào do tác động của yếu tố mùa vụ (cuối quý) đã không còn nên hoạt động OMO cũng rơi vào trạng thái trầm lắng trong 2 tuần đầu tháng 10.
Ổn định chưa được bao lâu, áp lực tỷ giá lại xuất hiện khi USD mạnh lên (chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà trắng được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ giảm lãi suất của Fed) và nhu cầu ngoại tệ cao hơn trong quý 4 khi có khoản trái phiếu Chính phủ quốc tế đáo hạn vào giữa tháng 11, cũng như nhập khẩu tăng đã khiến NHNN quay trở lại hút ròng thanh khoản hệ thống sau gần 2 tháng “đóng băng”, với giá trị tín phiếu phát hành mới đạt 234,228 tỷ đồng (từ ngày 18/10-31/12).
Với áp lực tỷ giá tăng nóng như hồi giữa tháng 4 khi tỷ giá USD/VND niêm yết tại Vietcombank tiếp tục giao dịch quanh mức trần theo quy định, tăng 4.7% so với cuối năm 2023, NHNN một lần nữa phát đi thông điệp sẽ can thiệp bán ngoại tệ nếu cần thiết, hiệu lực từ ngày 25/10 và tỷ giá can thiệp ở mức 25,450 đồng/USD (tương đương thời điểm quý 2/2024). Đến ngày 18/12, NHNN bắt đầu bán USD can thiệp cho một vài ngân hàng.
Ngoài áp lực biến động tỷ giá, cuối năm cũng là thời điểm thanh khoản biến động mạnh do nhiều yếu tố như giải ngân tín dụng, đầu tư công tăng mạnh... Vì vậy NHNN chủ động cho các ngân hàng thương mại vay qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (kênh mua kỳ hạn) với giá trị hơn 531 ngàn tỷ đồng, giúp giải tỏa căng thẳng thanh khoản hệ thống.
Tại họp báo Chính phủ tháng 11/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 29/11, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế khoảng 11.9%; còn đến 7/12, chỉ tiêu này đạt 12.5% so với đầu năm, cùng thời điểm năm ngoái mới tăng khoảng 9%.
Tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 15.3 triệu tỷ đồng; huy động vốn đã đạt khoảng 14.8 triệu tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn. Điều này cho thấy ngoài việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại thì NHNN cũng có những điều chỉnh, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại bằng các công cụ điều hành chính sách”, đại diện NHNN cho hay.
Lãi suất liên ngân hàng “giật mạnh” về cuối năm
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong 2 năm 2023-2024. Đvt: %/năm
Trước diễn biến căng thẳng của thanh khoản trong quý 2 do sức ép tỷ giá, NHNN đã tăng lãi suất OMO (lãi suất tín phiếu và lãi suất mua kỳ hạn cùng đạt đỉnh tại mức 4.5%/năm) với mục đích giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế các giao dịch đầu cơ chênh lệch lãi suất (carry trade). Động thái của nhà điều hành làm tiền đồng rút khỏi hệ thống để cân đối cung cầu ngoại tệ, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm theo đó cũng bật tăng và biến động quanh 2.66-5.1% trong quý 2.
Từ quý 3 đến giữa tháng 10, áp lực tỷ giá hạ nhiệt hơn sau khi Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản, thanh khoản hệ thống trở lại cân bằng. Qua đó NHNN chấm dứt động thái hút tiền khi ngưng phát hành tín phiếu kể từ phiên 26/8 đến 17/10, nhưng vẫn duy trì kênh mua kỳ hạn (gần 145.5 ngàn tỷ đồng) kết hợp giảm lãi suất mua kỳ hạn từ 4.5% về 4%. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng qua đêm nhờ vậy chỉ tăng nhẹ trong những ngày cuối quý 3, sau đó giảm xuống còn 2.69% vào ngày 17/10.
Tuy nhiên từ tháng 11, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vọt lên 6.1% trong phiên 4/11 khiến chênh lệch lãi suất VND-USD chính thức chuyển sang trạng thái dương sau thời gian dài duy trì “gap” âm từ năm 2023. Sau khi giật mạnh, lãi suất liên ngân hàng nhanh chóng hạ nhiệt, dao động quanh mức 2.79%-5.89%/năm nhờ động thái chủ động hỗ trợ thanh khoản của nhà điều hành thông qua kênh mua kỳ hạn.
Nhìn chung, cuối năm là thời điểm thanh khoản hệ thống sẽ nghiêng nhiều về trạng thái thiếu hụt và mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng biến động mạnh. Cùng với áp lực tỷ giá là yếu tố NHNN sử dụng kênh tín phiếu để ổn định thanh khoản và cân bằng giữa lãi suất VND và USD.
Đánh giá về vai trò của lãi suất liên ngân hàng (lãi suất thị trường 2), một chuyên gia có nhiều năm trong lĩnh vực nguồn vốn của ngân hàng chia sẻ, việc tăng lãi suất vay mượn vốn lẫn nhau giữa các ngân hàng (thị trường 2) không đồng nghĩa với việc lãi suất huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế (lãi suất thị trường 1) sẽ tăng. Lãi suất thị trường 2 là lãi suất duy nhất mà NHNN thực sự kiểm soát và vận hành, làm cơ sở cho một vài khoản ở thị trường 1 và những khoản này đều đóng vai trò dẫn dắt và cân đối cho thị trường. Xét về mặt ALM (Quản lý bảng cân đối tài sản của ngân hàng) thì lãi suất thị trường 1 tác động vào “kỳ hạn” và lãi suất thị trường 2 tác động về mặt “thanh khoản”.
Khang Di
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/nhung-bien-dong-dang-nho-trong-nam-2024-cua-thi-truong-mo-80076.html