Những 'bộ não số ' được vận hành

Những 'bộ não số ' được vận hành
2 giờ trướcBài gốc
Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và Tây Ninh cũng không đứng ngoài cuộc. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI vào năm 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chuyển đổi số của Tây Ninh có bước chuyển biến cơ bản và có những thành tựu nổi bật.
Hình thành “bộ não số”
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC-Intelligent Operation Center) tỉnh Tây Ninh được triển khai thí điểm ngày 15.4.2020, vận hành chính thức ngày 15.11.2021. IOC được xem như “bộ não số”, cho phép tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của bộ, ngành và địa phương trên tất cả các lĩnh vực, giúp lãnh đạo các cấp có khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do tỉnh cung cấp một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định; mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội.
Trung tâm IOC tỉnh Tây Ninh.
Từ việc kế thừa và nguồn chia sẻ dữ liệu của IOC tỉnh, ngày 19.4, UBND thị xã Hòa Thành là địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức lễ ra mắt, vận hành Phòng Chỉ huy, điều hành đô thị thông minh của Thị xã. Phòng IOC thị xã Hòa Thành được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại gồm 6 màn hình chuyên dụng 55 inch, hệ thống thiết bị điều khiển màn hình, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, máy chủ chuyên dụng để vận hành khai thác dữ liệu, hệ thống phần mềm điều khiển trung tâm...
Hệ thống IOC thị xã Hòa Thành cập nhật các chỉ số về tài chính, đầu tư công, cung cấp dịch vụ hành chính công, y tế, giáo dục... Trong quá trình vận hành IOC, UBND Thị xã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các xã, phường và các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động cập nhật định kỳ các số liệu của các chỉ tiêu được phân cấp quản lý; các dữ liệu lĩnh vực, ngành ưu tiên xây dựng, tạo lập đến năm 2025 (theo Danh mục dữ liệu ngành, dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của tỉnh đã được UBND tỉnh Tây Ninh ban hành). Từ đó, từng bước xây dựng hệ thống IOC của Thị xã có nguồn dữ liệu được cập nhật liên tục, đồng bộ, chính xác và kịp thời.
Dữ liệu tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được cập nhật về Trung tâm IOC tỉnh (Trong ảnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh).
Theo ông Dương Văn Ư- Chủ tịch UBND thị xã Hòa Thành, qua một năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thị xã Hòa Thành trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, UBND Thị xã đã triển khai hoàn thành dự án (dự án 1) xây dựng Phòng Chỉ huy điều hành đô thị thông minh; Thị xã đang triển khai các dự án thành phần còn lại.
Phòng Chỉ huy điều hành đô thị thông minh Thị xã là một trong nhiều giải pháp quan trọng, có tính đột phá nhằm nâng cao hiệu quả năng lực quản trị, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo Thị xã thực hiện giám sát, ra quyết định chỉ đạo, điều hành và xử lý thông tin một cách chính xác, nhanh chóng, kịp thời; quản lý chất lượng dịch vụ đô thị một cách tổng thể.
Cùng với Hòa Thành, một số sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng nghiên cứu xây dựng Trung tâm IOC phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số của từng ngành, địa phương.
Nhiều giải pháp được tôn vinh
Ngày 5.10 vừa qua, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Hà Nội), Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2024. Trong lần trao giải này, Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh vinh dự đoạt giải thưởng với “Bộ giải pháp công nghệ số hỗ trợ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Tây Ninh” (giải pháp thuộc hạng mục cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc).
Trước đó, vào cuối tháng 10.2023, tỉnh Tây Ninh được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tặng Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023, lĩnh vực “Thành phố điều hành quản lý thông minh (IOC)”.
Đây đều là những giải thưởng uy tín của các bộ, ngành Trung ương, tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc. Các giải pháp trên cũng nhằm thiết thực hưởng ứng chủ đề Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024 “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Người dân truy cập ứng dụng Tây Ninh Smart - ứng dụng duy nhất dùng cho cả hệ thống khối cơ quan Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số, việc các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các tổ chức đoàn thể - chính trị của tỉnh cùng xây dựng các app và ứng dụng riêng phục vụ cho các mục đích của mình, gây khó khăn trong việc triển khai chuyển đổi số.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức có quá nhiều tài khoản cần phải nhớ (mỗi app có một tài khoản), khi sử dụng các ứng dụng triển khai nội bộ thì cài app riêng của từng dịch vụ (nhiều ứng dụng nội bộ), còn khi ở vai trò của người dân thì cũng phải cài nhiều ứng dụng cho nhiều dịch vụ nên trên máy điện thoại dày đặc các ứng dụng.
Đối với người dân và doanh nghiệp, khi muốn sử dụng một dịch vụ công cũng phải cài app riêng hoặc phải truy cập vào các địa chỉ web khác nhau. Đối với các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội thì hầu như cơ quan, tổ chức nào cũng có hệ thống, ứng dụng riêng.
Hệ thống camera giao thông, camera giám sát tại các bộ phận tiếp nhận hồ sơ (bộ phận Một cửa) chưa có sự liên kết, thống nhất giữa các đơn vị hành chính, gây khó khăn trong quá trình giám sát hoạt động của các cán bộ tại bộ phận Một cửa khi phục vụ người dân, doanh nghiệp và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Thực tế này gây bất tiện và rối cho người dùng; khó khăn trong việc liên thông dữ liệu, chia sẻ, trao đổi công việc giữa các đơn vị với nhau; gây mất nhiều thời gian cho công tác tổng hợp, báo cáo số liệu về các chỉ tiêu kinh tế, xã hội cho lãnh đạo tỉnh.
Để giải quyết các vấn đề trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo chung việc xây dựng một bộ giải pháp dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hệ thống giám sát, phân tích, điều hành thông minh (IOC) đóng vai trò là bộ não trung tâm của bộ giải pháp, bao gồm 3 khối chức năng chính: trục tích hợp dữ liệu; khối phân tích và khối hiển thị.
Hiện tại, bộ giải pháp đáp ứng các yêu cầu theo mô hình khuyến nghị của Bộ TT&TT, thực hiện kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu với các hệ thống dùng chung khác mà tỉnh Tây Ninh đang triển khai. Cụ thể, Hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh được tích hợp thông tin các dịch vụ đô thị thông minh chủ yếu bao gồm các dịch vụ: phản ánh hiện trường (1022), quan trắc chất lượng môi trường, camera giám sát ANTT, ATGT, giám sát thông tin trên môi trường mạng, các dịch vụ y tế, giáo dục... và tích hợp thông tin, dữ liệu từ các hệ thống chính quyền điện tử như hệ thống văn bản điều hành, cổng dịch vụ công, hệ thống báo cáo, các hệ thống, cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực. Các số liệu được tổng hợp và hiển thị trực quan dưới dạng biểu đồ giúp người sử dụng dễ hình dung và so sánh.
Việc triển khai Hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh bước đầu giúp lãnh đạo tỉnh có được cái nhìn tổng quan về các số liệu liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, địa phương cũng như của các ngành, lĩnh vực.
Bộ giải pháp đã và đang được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá tốt về chất lượng, tính đơn giản, dễ sử dụng. Ứng dụng đã có hơn 500.000 lượt tải về trên 2 kho ứng dụng Appstore và CH Play; được các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ đánh giá tốt về chất lượng và thường xuyên sử dụng để giám sát, điều hành tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Phương Thúy - Tâm Giang
Nguồn Tây Ninh : https://baotayninh.vn/nhung-bo-nao-so-duoc-van-hanh-a179832.html