Những 'bông hoa thép' Ninh Bình trong ngày thống nhất

Những 'bông hoa thép' Ninh Bình trong ngày thống nhất
9 giờ trướcBài gốc
Các nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh thăm lại chiến trường xưa.
Cách đây hơn 50 năm, năm 1973, gần 500 cô gái Ninh Bình đã tình nguyện viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ. Họ được bổ sung, chi viện cho Đoàn 559 vào chiến trường C với nhiệm vụ thần tốc mở đường, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, chuẩn bị cho trận cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ là những cô gái trẻ, ở độ tuổi mười bảy, mười tám, đong đầy tình yêu quê hương, với ý chí, quyết tâm mạnh mẽ, hăng hái ra chiến trường.
Sinh ra tại vùng quê cách mạng Khánh Thiện (Yên Khánh), chứng kiến tội ác của quân giặc ngày đêm tàn phá quê hương, bà Phạm Thị Cúc luôn nung nấu khát vọng được cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc. Năm 1972, khi vừa tròn 16 tuổi, bà viết đơn xin lên đường nhập ngũ. “Khi ấy tôi chỉ là một cô bé loắt choắt, nặng 34 kg. Gia đình không ai đồng ý vì là con gái, đi bộ đội vất vả vô cùng nhưng tôi vẫn quyết tâm nhập ngũ, miễn sao trở thành người chiến sĩ, cống hiến sức trẻ cho nước nhà”, bà Cúc bồi hồi nhớ lại.
Bà Cúc được phân công vào Đoàn 559 với nhiệm vụ là lính công binh tham gia mở đường, bảo đảm giao thông thông suốt. Đối mặt với điều kiện sống muôn vàn gian khổ, thiếu thốn, sự khắc nghiệt của khí hậu núi rừng Trường Sơn và sự hiểm nguy, khốc liệt của chiến tranh, chống chọi với ốm đau, bệnh tật, với những cơn sốt rét rừng ác tính, nhưng không vì thế mà bà Cúc và đồng đội chùn bước, họ vẫn lạc quan, kiên cường, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Rừng Trường Sơn khi ấy có một thứ bệnh quái ác mà hầu hết bộ đội hay thanh niên xung phong không ai có thể thoát khỏi, đó là bệnh sốt rét. Sau một trận sốt rét thập tử nhất sinh, tôi chỉ còn 31 kg. Đến giờ, tôi vẫn giữ kỷ vật là nắm tóc của một đồng đội, cơn sốt rét khiến chị bị rụng hết tóc. Mái tóc dài đen mượt vốn là một trong những chuẩn mực của vẻ đẹp người con gái, vậy mà vào chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng nhiều lắm, có người rụng cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra”-bà Cúc kể.
Cùng lên đường nhập ngũ năm 1973, bà Phạm Thị Bình (thành phố Hoa Lư) được giao nhiệm vụ hậu cần, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men… để phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh. “Chúng tôi thi đua với không khí “Đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên một tạ. Chẳng ai tính khối lượng, chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”-bà Bình hồi tưởng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các nữ chiến sĩ Trường Sơn có mặt ở mọi lĩnh vực hoạt động trên cung, tuyến đường Trường Sơn, kể cả những tuyến trọng điểm ác liệt nhất. Họ đảm nhận nhiều nhiệm vụ như công binh bảo đảm giao thông, các trạm giao liên, các cơ sở quân y, các đội văn hóa, văn nghệ, thông tin suốt tuyến, lái xe, kho tàng, hậu cần và đường ống…
Các cô gái ở tuổi mười tám, đôi mươi hàng ngày đối mặt trực tiếp với bom đạn kẻ thù nhưng lòng yêu nước và ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã tiếp sức cho họ vượt qua tất cả để sống, chiến đấu, cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nữ chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong mở đường nguyện làm “tượng đồng, vách sắt” kiên cường bám trụ, giành giật lại từng mét đường, bảo đảm giao thông bất kể ngày đêm.
Bà Nguyễn Thị Thủy, nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh chia sẻ: “Đơn vị của chúng tôi ngày đêm xẻ núi, đào đất, san nền… khẩn trương mở tuyến đường phía Đông Trường Sơn. Ngày ấy, bom đạn kẻ thù ngày đêm dội xuống tuyến đường này, nhưng chị em không hề nao núng. Một đường bị chặn, hai ba đường mới xuất hiện. Đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày (đường kín) xuất hiện”.
Chiến tranh lùi xa nửa thế kỷ, mái tóc xanh của những cô gái Trường Sơn năm xưa giờ đây đã điểm bạc, nhưng ký ức về một thời bom đạn vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí họ.
Bà Phạm Thị Cúc không thể quên khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975: “Trước Sư đoàn của chúng tôi có treo một bản đồ lớn, đánh dấu các tỉnh đã được giải phóng. Gần trưa ngày 30/4/1975, khi chấm đen cuối cùng tại Sài Gòn được đánh dấu, chúng tôi như vỡ òa, các phòng, ban của Sư đoàn ùa ra ôm nhau, hô vang: "Sài Gòn giải phóng rồi, Sài Gòn giải phóng rồi". Cảm xúc lúc ấy thật khó diễn tả, dù không trực tiếp có mặt tại Dinh Độc lập, chúng tôi cũng cảm nhận được không khí hào hùng, phấn khích tự hào của đồng đội”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các nữ chiến sĩ Trường Sơn của tỉnh tiếp tục tham gia xây dựng nghĩa trang Liệt sĩ, tìm kiếm hài cốt đồng đội, một số khác trở về địa phương phát triển kinh tế, lập gia đình nuôi dạy con cái. Lúc nào, ở đâu, họ cũng luôn phát huy bản lĩnh của người nữ chiến sĩ Trường Sơn đã được tôi luyện và trưởng thành trong gian khó, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương giàu mạnh, quan tâm, giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
Những cống hiến lớn lao trên đường Trường Sơn năm xưa và những việc làm nghĩa tình của nữ chiến sĩ Trường Sơn hôm nay như mạch nguồn chảy mãi. Câu chuyện của “những bông hoa thép” ấy trở thành tấm gương sáng, bài học cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: Hồng Minh
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/nhung-bong-hoa-thep-ninh-binh-trong-ngay-thong-nhat-900471.htm