Những ca phẫu thuật kỳ lạ của y bác sĩ vào Nam làm nhiệm vụ

Những ca phẫu thuật kỳ lạ của y bác sĩ vào Nam làm nhiệm vụ
một ngày trướcBài gốc
Nhà giáo nhân dân, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Ảnh: Phim tài liệu về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm bác sĩ, y tá đã được huy động vào miền Nam để chi viện. Theo NGND, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, có những ca phẫu thuật được thực hiện trong điều kiện nghèo nàn, nhưng vì tình thế họ phải chấp nhận các rủi ro có thể xảy ra. Dù vậy, với trình độ và tinh thần quả cảm, các y bác sĩ đã cứu sống được hàng nghìn người.
Những ca phẫu thuật kỳ lạ trong rừng
Vào những năm đất nước bị chia cắt hai miền, tại những vùng bị địch kìm kẹp, bệnh nhân không thể ra thị xã hay Sài Gòn điều trị. Do đó, các ca mổ được tổ chức bí mật ở những địa điểm giáp ranh, nơi an toàn tạm thời. Bác sĩ phẫu thuật từ Mặt trận Giải phóng miền Nam mang dụng cụ đến, thực hiện nhanh chóng rồi rút lui. Thời gian mổ thường kéo dài từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, khi nguy cơ càn quét của địch thấp nhất.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể lại trong cuốn sách Chung một bóng cờ: “Năm 1966, bác sĩ Hùng và Chín Hưng đã thực hiện một ca đại phẫu tại huyện Mỏ Cày (Bến Tre), cách đồn địch chỉ 2 km. Dưới ánh đèn măng-sông, họ cứu sống Bí thư chi bộ xã Đa Phước Hội bị hẹp môn vị.
Những trường hợp mổ ban đêm càng gian nan hơn khi phải che ánh sáng để tránh sự phát hiện của máy bay trinh sát. Đèn pin được dùng thay thế, hoặc thậm chí, xe đạp được treo lên để tạo nguồn sáng khi có người liên tục đạp”.
Các y bác sĩ tại Viện Quân y 112 (ở chiến trường B5 bắc Quảng Trị) điều chế thuốc. Ảnh: Thomas Bill Hardt.
Có những ca mổ diễn ra trong điều kiện còn khắc nghiệt hơn. Ở những khu vực bị lũ lụt hoặc địa hình đặc biệt, phòng mổ được dựng ngay trong hầm trú ẩn ngập nước. Các y tá, cứu thương phải ngâm mình hàng giờ, làm bàn đỡ cho bệnh nhân, bất chấp vắt rừng bám hút máu. Sự kiên cường ấy đã phản ánh sức sống mạnh mẽ của ngành y tế năm tháng cách mạng.
Để duy trì hoạt động trong bối cảnh chiến tranh, đội ngũ y tế miền Nam nhận được sự chi viện từ Hà Nội. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế - đã cử nhiều cán bộ giỏi vào Nam, đồng thời tổ chức đào tạo cấp tốc để bù đắp nhân lực thiếu hụt. Bên cạnh đó, hệ thống bệnh viện dã chiến, xưởng bào chế thuốc cũng được thiết lập ngay trong rừng sâu.
Năm 1966, dù bị ném bom B-52 liên tiếp, bệnh viện Trung ương ở Tây Ninh vẫn đứng vững nhờ hệ thống hầm kiên cố. Dưới bom đạn, các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu, bào chế vaccine chống dịch bệnh và thực hiện các ca phẫu thuật cứu người.
Ngoài nhiệm vụ chính là cứu chữa cho đồng bào, các y bác sĩ Việt Nam còn giúp đỡ thành công nhiều cán bộ nước láng giềng từ Lào. Cho đến hàng chục năm sau, các ca bệnh vẫn in sâu trong tâm trí của họ, để lại một kỷ niệm khó quên về thời hoa lửa.
Bệnh viện trong hang đá
Giữa chiến trường khốc liệt của Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào), một bệnh viện mặt trận đặc biệt đã tồn tại trong suốt bốn năm (1970-1974), trở thành điểm tựa cho hàng chục nghìn thương bệnh binh. Dưới sự chỉ huy của bác sĩ Lê Sỹ Toàn, bệnh viện này không dựng trên mặt đất mà được xây dựng ngay trong lòng hang đá, tận dụng địa hình tự nhiên để đảm bảo an toàn trước bom đạn.
Bác sĩ Lê Sỹ Toàn lên đường nhận nhiệm vụ tại chiến trường C (chiến trường Lào) vào ngày 31/10/1969. Ngay khi đến nơi, ông bắt tay vào việc triển khai một bệnh viện tiền phương trong hang đá, xuất phát từ kinh nghiệm rút ra trong chiến dịch 139.
Báo cáo của bác sĩ Lê Sỹ Toàn được lưu giữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh: MEDDOM.
Ông nhận thấy rằng, so với bệnh viện dã chiến ngoài trời, bệnh viện trong hang có nhiều lợi thế: an toàn hơn trước các cuộc không kích, nhiệt độ ổn định quanh năm, và hạn chế được sự hoành hành của các loại côn trùng nguy hiểm như muỗi sốt rét. Với những lợi thế này, ông cùng đồng đội quyết định xây dựng một hệ thống bệnh viện hoàn toàn trong hang đá.
Ban đầu, bệnh viện được triển khai trong ba hang lớn với sức thu dung từ 400-500 thương bệnh binh. Về sau, quy mô mở rộng ra nhiều hang nhỏ, có thời điểm lên tới hơn 1.000 người.
Việc xây dựng bệnh viện giữa núi rừng đầy gian khổ bởi các lối đi trong hang chật hẹp, nền đất gồ ghề. Các y bác sĩ phải tự tay đào đá mở rộng đường, san phẳng nền để dựng phòng mổ, khu hậu phẫu, khu dưỡng thương. Những khu hang rộng được tận dụng để lắp giường hai tầng nhằm tối đa hóa không gian, trong khi bếp ăn tập thể, phòng điều chế thuốc cũng được thiết lập ngay trong lòng núi.
Theo tác phẩm Di sản ký ức các nhà khoa học, điều kiện y tế thiếu thốn, tất cả dụng cụ, thuốc men đều phải vận chuyển từ hậu phương qua những con đường mòn đầy rẫy nguy hiểm. Với sự sáng tạo và tinh thần tự lực, bệnh viện dần tự túc được lương thực, thậm chí đội điều chế còn sản xuất được các loại thuốc Đông y và huyết thanh ngay trong chiến trường.
Trong thư gửi vợ ngày 31/12/1972, bác sĩ Lê Sỹ Toàn mô tả một cách đầy tự hào về bệnh viện đặc biệt này: “Anh mơ ước: bất ngờ em và hai con tới đây thì...anh sẽ dắt em cùng hai con đi thăm toàn viện. Hội trường ở ngay giữa lòng hang sâu đến bom nguyên tử cũng không làm gì được. Em và con sẽ thấy bếp khổng lồ với trên 10 lò nấu, một lúc phục vụ cho gần 100 suất ăn với các chế độ bệnh lý".
Sau chiến tranh, ước mơ lãng mạn ngày đó đã không thành hiện thực. Bác sĩ Lê Sỹ Toàn nhiều lần mong muốn trở lại thăm bệnh viện mặt trận thân yêu nhưng không có điều kiện. Đến nay, bệnh viện trong hang đá này chỉ còn lại trong những bản báo cáo, những bức thư và ký ức của những người lính năm xưa. Tuy nhiên, nó vẫn là một biểu tượng kiên cường của ngành quân y Việt Nam.
Đức Huy
Nguồn Znews : https://znews.vn/nhung-ca-phau-thuat-ky-la-cua-y-bac-si-vao-nam-lam-nhiem-vu-post1542074.html