Những câu hỏi thường gặp về bệnh võng mạc

Những câu hỏi thường gặp về bệnh võng mạc
11 giờ trướcBài gốc
1. Đông y có chữa được bệnh võng mạc không?
NỘI DUNG
1. Đông y có chữa được bệnh võng mạc không?
2. Cách sơ cứu bệnh võng mạc
3. Biến chứng bệnh võng mạc
4. Bệnh võng mạc có chữa khỏi được không?
5. Lưu ý đối với người mắc bệnh võng mạc
6. Chi phí khám chữa bệnh
Đông y có thể hỗ trợ trong việc điều trị một số triệu chứng và cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể của người mắc bệnh võng mạc, nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn các bệnh võng mạc như bệnh võng mạc tiểu đường, thoái hóa điểm vàng hay bong võng mạc.
Đông y có thể hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu, giảm viêm, và bảo vệ sức khỏe mắt thông qua các liệu pháp thảo dược, châm cứu và chế độ ăn uống lành mạnh. Một số phương pháp đông y có thể giúp giảm triệu chứng và làm chậm quá trình thoái hóa, nhưng cần kết hợp với y học hiện đại để đạt hiệu quả tối ưu.
2. Cách sơ cứu bệnh võng mạc
Bệnh võng mạc thường không có các biện pháp sơ cứu cấp tốc như các chấn thương thể chất khác, nhưng một số tình huống khẩn cấp liên quan đến võng mạc, đặc biệt là bong võng mạc, yêu cầu phải có can thiệp y tế sớm.
Khi có triệu chứng cấp tính hoặc đột ngột, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám sớm. Hướng dẫn sơ cứu và chăm sóc ban đầu trong trường hợp bệnh võng mạc:
Bong võng mạc
Giữ bình tĩnh và tránh cử động mạnh để không làm tình trạng tồi tệ hơn.
Đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám, xử lý bằng phương pháp phẫu thuật hoặc laser càng sớm càng tốt.
Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc các biện pháp điều trị tại nhà.
Bong võng mạc là một trong những bệnh võng mạc cần can thiệp y tế ngay lập tức.
Xuất huyết võng mạc
Ngừng ngay các hoạt động mạnh để tránh xuất huyết nặng hơn.
Đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời
Kiểm soát bệnh nền.
Thị lực mờ hoặc mất đột ngột
Liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng để tránh tổn thương vĩnh viễn.
Kiểm soát các bệnh lý liên quan.
Chấn thương mắt dẫn tới tổn thương giác mạc
Không chà xát hoặc ấn vào mắt để không làm tổn thương thêm cho võng mạc.
Sử dụng băng che mắt, tránh tiếp xúc với ánh sáng hoặc nhiễm khuẩn.
Đến gặp bác sĩ ngay lập tức
3. Biến chứng bệnh võng mạc
Bệnh võng mạc có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
3.1. Mất thị lực vĩnh viễn
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh võng mạc là mất thị lực vĩnh viễn. Tình trạng thường xảy ra khi các bệnh như bong võng mạc, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), và bệnh võng mạc tiểu đường ở giai đoạn nặng không được điều trị kịp thời.
3.2. Bong võng mạc (Retinal Detachment)
Bong võng mạc thường do vết rách võng mạc gây xuất huyết trong dịch kính. Nếu không được điều trị, bong võng mạc có thể dẫn đến mất thị lực hoàn toàn và vĩnh viễn.
3.3. Xuất huyết võng mạc (Retinal Hemorrhage)
Xuất huyết võng mạc là tình trạng rò rỉ máu từ các mạch máu nhỏ trong võng mạc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Điều này thường gặp ở những bệnh nhân bị bệnh võng mạc tiểu đường hoặc tăng huyết áp.
Xuất huyết trong võng mạc có thể gây mờ mắt hoặc mất thị lực đột ngột. Nếu lượng máu lớn, có thể cần phẫu thuật để loại bỏ dịch kính bị tràn máu.
3.4. Tân mạch võng mạc (Neovascularization)
Đây là tình trạng xuất hiện các mạch máu mới và yếu trên bề mặt võng mạc, đặc biệt phổ biến trong bệnh võng mạc tiểu đường. Các mạch máu này dễ bị rò rỉ và xuất huyết, gây tổn thương cho võng mạc và làm mất thị lực.
Tình trạng này có thể dẫn đến bong võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính, nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh võng mạc nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới mù lòa.
3.5. Phù hoàng điểm (Macular Edema)
Phù hoàng điểm là tình trạng sưng phù ở điểm vàng (vùng trung tâm của võng mạc), gây mờ thị lực và làm suy giảm khả năng nhìn chi tiết. Đây là biến chứng phổ biến trong bệnh võng mạc tiểu đường và thoái hóa điểm vàng.
Phù hoàng điểm làm cho chất dịch tích tụ trong võng mạc, khiến hoàng điểm bị phồng lên, gây khó khăn trong việc nhìn rõ chi tiết hoặc đọc sách.
3.6. Tắc nghẽn mạch máu võng mạc (Retinal Vein Occlusion)
Tắc nghẽn mạch máu võng mạc là tình trạng tắc nghẽn trong các mạch máu nhỏ của võng mạc, thường xảy ra ở những người mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường hoặc các vấn đề về tim mạch.
Tình trạng này có thể gây xuất huyết võng mạc và tổn thương mô võng mạc, dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng.
3.7. Tăng nhãn áp tân mạch (Neovascular Glaucoma) hay Glaucoma tân mạch
Tăng nhãn áp tân mạch xảy ra khi các mạch máu mới phát triển do bệnh võng mạc gây tắc nghẽn dòng chảy của dịch trong mắt, làm tăng áp lực bên trong mắt. Nếu không điều trị, tăng nhãn áp có thể gây tổn thương thần kinh thị giác và dẫn đến mù lòa.
Biến chứng này thường gặp trong các trường hợp bệnh võng mạc tiểu đường và các bệnh lý liên quan tới mạch máu võng mạc.
3.8. Mất khả năng nhìn ban đêm (Night Blindness)
Mất khả năng nhìn ban đêm là biến chứng phổ biến ở những người mắc viêm võng mạc sắc tố (Retinitis Pigmentosa). Bệnh nhân dần dần mất khả năng nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc vào ban đêm.
Mất thị lực ban đêm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, khiến việc di chuyển và sinh hoạt vào buổi tối trở nên khó khăn.
3.9. Mù màu (Color Blindness)
Mù màu hoặc giảm khả năng nhận diện màu sắc có thể xảy ra trong trường hợp võng mạc bị tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là ở các bệnh lý như thoái hóa điểm vàng hoặc viêm võng mạc sắc tố. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt các màu sắc, đặc biệt là các màu tương đồng.
Mù màu là một trong những biến chứng của bệnh võng mạc.
3.10. Viêm dịch kính võng mạc (Vitreoretinal Inflammation)
Viêm dịch kính võng mạc xảy ra khi võng mạc hoặc dịch kính (chất lỏng trong mắt) bị viêm, gây đau đớn và mờ thị lực. Tình trạng này có thể xuất hiện sau các ca phẫu thuật võng mạc hoặc do các bệnh lý tự miễn dịch, nhiễm trùng.
4. Bệnh võng mạc có chữa khỏi được không?
Bệnh võng mạc có nhiều loại, và khả năng chữa khỏi hoàn toàn hay không phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ tổn thương và thời điểm phát hiện bệnh. Một số bệnh võng mạc có thể được điều trị để ngăn ngừa tiến triển và cải thiện tình trạng, trong khi một số loại bệnh, đặc biệt ở giai đoạn muộn, có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho thị lực.
Đối với bệnh võng mạc tiểu đường không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát tốt nếu được phát hiện sớm. Điều trị tập trung vào việc ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và giảm thiểu tổn thương cho võng mạc.
Thái hóa điểm vàng thể ướt do tuổi tác không thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều trị tiêm Anti VEGF để ngăn chặn tiến trình bệnh, cải thiện một phần thị lực và giữ thị lực.
Bong võng mạc có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu bong võng mạc được phẫu thuật trong giai đoạn sớm, khả năng khôi phục thị lực là khá cao.
Viêm võng mạc sắc tố hiện không có cách chữa trị dứt điểm cho viêm võng mạc sắc tố, vì đây là một bệnh di truyền. Bệnh tiến triển dần dần và có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể được chữa khỏi.
Xuất huyết võng mạc, nếu xuất huyết võng mạc do chấn thương hoặc bệnh lý, khả năng khôi phục thị lực sau điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương của võng mạc. Trong nhiều trường hợp, sau khi xuất huyết được điều trị, thị lực có thể cải thiện.
Tắc nghẽn mạch máu võng mạc Không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc điều trị kịp thời có thể giúp cải thiện thị lực và ngăn ngừa mất thị lực nặng hơn.
5. Lưu ý đối với người mắc bệnh võng mạc
Người mắc bệnh võng mạc cần đặc biệt lưu ý thói quen sinh hoạt và phác đồ điều trị để bảo vệ thị lực và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
5.1. Khám mắt định kỳ
Người mắc bệnh võng mạc nên đi khám mắt định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa. Điều này giúp theo dõi tình trạng bệnh và phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào.
Nếu mắc bệnh võng mạc tiểu đường hoặc thoái hóa điểm vàng, việc kiểm tra võng mạc định kỳ có thể giúp phát hiện tổn thương trước khi triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện.
5.2. Kiểm soát bệnh nền (tiểu đường, tăng huyết áp)
Người mắc bệnh võng mạc tiểu đường cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ.
Tăng huyết áp có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong võng mạc, vì vậy cần duy trì mức huyết áp ổn định bằng cách sử dụng thuốc theo chỉ định và tuân thủ lối sống lành mạnh.
5.3. Chế độ ăn lành mạnh
Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (vitamin A, C, E), lutein, zeaxanthin, omega-3, kẽm. Các loại rau lá xanh (cải xoăn, rau bina), cá giàu omega-3 (cá hồi, cá thu), trái cây tươi và các loại hạt là những thực phẩm tốt cho mắt.
Hạn chế đường tinh luyện để kiểm soát đường huyết, đặc biệt đối với người bị tiểu đường. Giảm lượng muối để duy trì huyết áp ổn định và ngăn ngừa tổn thương mạch máu.
Nên bảo vệ mắt khỏi tia UV và ánh sáng mạnh.
5.4. Sử dụng thuốc điều trị đúng chỉ định
Nếu được chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt, tiêm thuốc nội nhãn hoặc điều trị bằng laser, hãy tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Không nên tự ý ngừng điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ.
5.5. Bảo vệ mắt khỏi tia UV và ánh sáng mạnh
Đeo kính râm bảo vệ mắt khi ra ngoài là biện pháp quan trọng giúp bảo vệ võng mạc.
Tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh từ điện thoại và máy tính có thể làm mỏi mắt và gây thêm tổn thương. Hãy sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh hoặc nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút khi làm việc với máy tính.
5.6. Tránh hút thuốc và sử dụng chất kích thích
Thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng và các bệnh lý võng mạc khác. Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương thêm cho mắt.
Uống rượu bia quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân và gây ra các biến chứng cho mắt, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao.
5.7. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục giúp cải thiện tuần hoàn máu, điều chỉnh đường huyết và tránh các hoạt động có nguy cơ chấn thương mắt hoặc tác động mạnh đến võng mạc, đặc biệt đối với người đã từng bị bong võng mạc hoặc có vấn đề về mạch máu võng mạc.
5.8. Theo dõi các triệu chứng bất thường
Nếu xuất hiện các triệu chứng như nhìn thấy đốm đen (floaters), chớp sáng, mờ mắt, hoặc mất thị lực đột ngột, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của các biến chứng nghiêm trọng như bong võng mạc hoặc xuất huyết võng mạc.
5.9. Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng huyết áp và gây tổn thương võng mạc, do đó, hãy tìm cách thư giãn, giảm stress qua thiền, yoga hoặc các hoạt động giải trí.
5.10. Sử dụng thiết bị hỗ trợ thị lực nếu cần thiết
Nếu thị lực bị suy giảm nghiêm trọng, hãy sử dụng các thiết bị hỗ trợ như kính lúp, kính đọc sách hoặc kính áp tròng đặc biệt để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
6. Chi phí khám chữa bệnh võng mạc
Chi phí điều trị bệnh võng mạc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại bệnh võng mạc, mức độ nghiêm trọng, phương pháp điều trị được lựa chọn, và khu vực địa lý.
Bảo hiểm y tế có thể chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị bệnh võng mạc, bao gồm các phương pháp phẫu thuật, điều trị laser, và tiêm thuốc. Tuy nhiên, mức độ chi trả phụ thuộc vào loại bảo hiểm và bệnh viện mà bạn lựa chọn.
Mức chi phí để khám chữa bệnh võng mạc có thể dao động từ vài triệu đến cả 100 triệu đồng tùy tình trạng bệnh và cơ sở điều trị.
BS.CKII Nguyễn Ngọc Hưng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nhung-cau-hoi-thuong-gap-ve-benh-vong-mac-169241022152638084.htm