Những câu văn không còn hồn nhiên, trong trẻo

Những câu văn không còn hồn nhiên, trong trẻo
8 giờ trướcBài gốc
Có lần tôi lục chồng sách truyện của con rồi ngồi đọc liền mạch mấy chục trang. Những câu văn kéo tôi trẻ lại vài chục tuổi. Là bởi tác giả những cuốn truyện ấy tuy lớn tuổi nhưng có vốn sống phong phú, nhiều trải nghiệm tuổi thơ. Họ kể về những câu chuyện tuổi thơ chẳng hề gượng gạo với sự nhập thân rất tốt.
Bây giờ, tôi có cảm giác nhiều người cũng đang muốn hóa thân mình vào những dòng văn con trẻ, nhưng lại đầy gượng gạo.
Tôi có một số lần được mời góp ý vào bài dự thi Cuộc thi viết thư quốc tế UPU. Tôi sửng sốt vì những đứa trẻ đang học THCS mà viết những câu văn có phần bác học. Nhưng cũng có những câu văn cảm giác đúng của lứa tuổi học trò rồi, nhưng lại có gì đó gượng gạo và đôi phần khiên cưỡng.
Rồi tôi được tiếp cận với một số giáo viên. Họ được giao hướng dẫn học sinh trong trường mình tham gia cuộc thi viết thư quốc tế thường niên này với mục tiêu là phải có giải. Có giáo viên nói rằng học sinh của họ không thể viết được. Mà nói thật là họ cũng không viết được, nên nhờ tôi giúp.
Cách đây ít bữa, lại một giáo viên quen gọi điện nhờ tôi viết hộ một câu chuyện để học sinh của cô tham gia một cuộc thi cấp tỉnh và cũng được kết thúc bằng mệnh lệnh là phải viết làm sao để có giải. Ban giám hiệu đã giao nhiệm vụ rồi.
Tôi chỉ biết lắc đầu, bởi thể lệ cuộc thi yêu cầu rất rõ ràng phải là những câu chuyện có thật về gia đình mình, người thân của mình, tác giả cũng chính là nhân vật. Tôi giải thích với cô giáo hãy động viên học sinh viết bằng chính những gì các em đã chứng kiến, đã trải qua với những kỷ niệm thân thương, sâu sắc. Bất cứ ai bịa ra thay các em, kể cả là cô giáo trực tiếp hướng dẫn đi chăng nữa cũng sẽ khó có cảm hứng, nhất là tính chân thực, thuyết phục của sự việc. Nhưng cô giáo thì cứ nằng nặc thuyết phục, vì cô tin tôi làm báo nên sẽ viết được.
Nhiều người lớn đang tin rằng mình có quyền năng hóa thân để trở về tuổi trẻ, làm thay con trẻ. Họ đâu cần biết là mỗi lứa tuổi có nhận thức khác nhau, vì thế cách sắp đặt, sử dụng ngôn ngữ là hoàn toàn khác nhau. Sự tham gia của người lớn chỉ mang tính gợi ý, định hướng, chứ không thể viết thay. Người lớn có cố lắm thì cũng chỉ là văn của người lớn giả con trẻ, chứ không có sự đồng điệu yêu thương, hồn nhiên, trong trẻo của lứa tuổi được. Nhất là nhiều người lớn trước đó hoàn toàn không sẵn sàng để trở về tuổi thơ bằng cách tích lũy vốn sống, kỷ niệm những ngày tuổi thơ hoặc là họ đã nhanh chóng quên đi khi mình thành người lớn. Họ được giao nhiệm vụ và họ tin rằng mình từng trải qua tuổi thơ và làm được. Nhưng hoàn toàn không phải như thế. Khi bế tắc, họ lại nghĩ đến những chiếc phao cứu sinh là sự nhờ vả.
Những cuộc thi dành cho lứa tuổi học trò là rất cần thiết, tạo ra sân chơi, thúc đẩy sự sáng tạo của lứa tuổi. Hãy để sân chơi ấy diễn ra đúng nghĩa trong phạm vi sự sáng tạo và đảm bảo tâm thế tham gia của con trẻ. Người lớn hãy động viên, quan sát, chứ không nên can thiệp đến mức thô bạo, thậm chí là làm thay.
Nhưng tôi biết những giáo viên mà tôi tiếp xúc cũng chẳng còn cách nào khác, bởi họ đã được hiệu trưởng giao nhiệm vụ và trên nữa nhà trường cũng bị ấn thành tích, nên hiệu trưởng cũng chẳng còn cách nào khác là dội lên đầu cấp dưới.
Cảm giác căn bệnh thành tích ở nhiều trường học đang có nguy cơ trở nên khó chữa hơn.
Hạnh Nhiên
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-cau-van-khong-con-hon-nhien-trong-treo-33272.htm