Những chỉ huy du kích xuất sắc của Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là ai?

Những chỉ huy du kích xuất sắc của Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là ai?
8 giờ trướcBài gốc
Đó chỉ là một vài chiến công của lực lượng du kích Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại dưới sự chỉ huy tài tình của những người lính gan góc và dũng cảm. Họ là ai?
Một nhóm du kích Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Ảnh: Lenta
Fyodor Pavlovsky và đội du kích “Tháng Mười Đỏ”
Một trong những chỉ huy du kích đầu tiên trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ là Fyodor Pavlovsky, người sống ở phía Nam Belarus. Là một cựu quân nhân đã giải ngũ và là một công chức khi chiến tranh nổ ra. Ông đã tổ chức đội du kích “Tháng Mười Đỏ” tại Belarus vào đầu tháng 7-1941.
Những chiến sĩ của biệt đội không ngừng quấy rối quân phát xít, đôi khi không ngần ngại thực hiện những chiến dịch táo bạo tấn công vào đầu não của chúng. Một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất là phá hủy trụ sở của một đơn vị Đức ở làng Glusha với sự phối hợp của lực lượng Hồng quân chính quy.
Chỉ huy Fyodor Pavlovsky. Ảnh: TASS
“Trước khi trời tối, quân du kích đóng giả là nông dân địa phương đã tiến vào rừng. Khi trời tối, họ là những người đầu tiên nổ súng phục kích vào lính gác Đức. Lựu đạn được ném vào cửa sổ ngôi trường nơi quân phát xít nghỉ qua đêm. Đây chính là tín hiệu cho một cuộc tấn công tổng lực. Gần như cùng lúc, lực lượng Hồng quân tràn vào làng từ một phía và quân du kích do F. I. Pavlovsky chỉ huy từ phía bên kia... Các sĩ quan và binh lính địch hoảng sợ và bỏ chạy tán loạn và bị lực lượng tấn công tiêu diệt gọn. Chỉ có một số ít trong số chúng trốn thoát được”, một trong những chỉ huy lực lượng du kích ở Belarus, Pyotr Kalinin kể lại.
Fyodor Pavlovsky tiếp tục chỉ huy nhiều đơn vị du kích trên lãnh thổ Belarus cho đến khi khu vực được giải phóng hoàn toàn vào mùa hè năm 1944. Sau đó, ông được điều động về Moscow và tham gia lực lượng dự bị.
Alexander German của Lữ đoàn du kích Leningrad số 3
Vào mùa hè năm 1942, sĩ quan tình báo Alexander German chỉ huy Lữ đoàn du kích Leningrad số 3, hoạt động ở phía Tây Bắc Liên Xô. Là một chỉ huy xuất sắc và nhà tổ chức tài ba, ông đã nhanh chóng tăng quy mô quân số lên 16 lần – từ 150 lên 2.300 người.
Cho đến mùa thu năm 1943, đội du kích của sĩ quan Alexander German đã tiêu diệt 9.500 lính phát xít Đức, tổ chức 44 vụ tấn công tàu hỏa chở thiết bị quân sự, phá hủy 31 cây cầu đường sắt, tiêu diệt 17 đơn vị đồn trú và khoảng 70 cơ quan hành chính của đối phương.
Sĩ quan tình báo Alexander German. Ảnh: Rian
Vào đêm ngày 5 và 6-9-1943, khi đang hành quân, sĩ quan Alexander German và đơn vị đã bị quân phát xít Đức bao vây tại khu vực làng Zhitnitsa gần Pskov. Cả đơn vị đã chiến đấu quyết tử dù đối phương có ưu thế tuyệt đối về quân số.
Bị thương hai lần, sĩ quan Alexander German vẫn cố gắng dẫn quân du kích ra khỏi vòng vây. Tuy nhiên, khi bị thương tới lần thứ 3, sĩ quan Alexander đã hy sinh trong nỗ lực phá vây quyết liệt.
Mikhail Duka với Lữ đoàn du kích Bryansk
“Trong trận chiến, Mikhail Duka kiên cường, dũng cảm và luôn tự tin vào chiến thắng. Có lẽ chính niềm tin vô bờ bến vào chiến thắng, vào sự đúng đắn của mục tiêu của chúng ta đã giúp anh ấy thực hiện các cuộc đột kích và phá hoại táo bạo, và trong những thời điểm khó khăn đã chỉ huy một đại đội, rồi một lữ đoàn, thoát khỏi những tình huống khó khăn nhất. Anh ấy tin tưởng vào chúng tôi, những người du kích. Và chúng tôi tin tưởng anh ấy vô hạn”, đây là cách một trong những chiến sĩ của Lữ đoàn du kích Bryansk, Fyodor Kostin viết về chỉ huy Mikhail Duka.
Thành tích chiến đấu của đội du kích do Mikhail Duka chỉ huy bao gồm hàng ngàn binh lính và sĩ quan phát xít bị tiêu diệt, hàng trăm tù nhân chiến tranh bị bắt giữ, 17 đơn vị đồn trú địch bị đánh tan tác, khoảng 100 chuyến tàu hỏa chở đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm bị trật bánh, 57 cây cầu đường sắt và đường bộ bị đánh bom, hơn 500 phương tiện bị phá hủy và thậm chí cả một máy bay bị bắn rơi.
Chỉ huy Mikhail Duka. Ảnh: TASS
Năm 1944, ông Mikhail Duka được tái ngũ và tham gia đội hình chiến đấu của Hồng quân. Ngày 24-4-1945, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy Sư đoàn bộ binh Cận vệ số 82 tham gia chiến dịch giải phóng Berlin.
Chỉ huy Tập đoàn quân Cận vệ số 8, tướng Vasily Chuikov, nhớ lại cách một cựu du kích truyền cảm hứng cho binh lính của mình vượt sông Spree: “Khi các trinh sát, những người phải bơi qua con sông cảm giác e dè, sĩ quan Duka cởi áo khoác, cởi giày và là người đầu tiên nhảy xuống sông. Dòng nước suối lạnh giá không ngăn cản được anh ấy. Khi đến bờ bên kia, anh ta tháo hai chiếc thuyền ở đó và lái chúng đến bờ phía chúng tôi. Các trinh sát nhanh chóng lên thuyền. Chẳng mấy chốc, toàn bộ sư đoàn bằng thuyền và tự bơi đã vượt sông”.
Tại lễ duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ ở Moscow vào ngày 24-6-1945, Thiếu tướng Mikhail Duka được giao nhiệm vụ mang chiếc chìa khóa tượng trưng vào Thủ đô bại trận của Đức Quốc xã.
Sidor Kovpak và Sư đoàn du kích Ukraina số 1
Khi quân đội phát xít Đức xâm lược Liên Xô, cựu chiến binh Thế chiến thứ nhất và nội chiến Sidor Kovpak đã 55 tuổi. Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục cầm vũ khí và cuối cùng trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của phong trào du kích ở Ukraine.
Tháng 9-1941, ông Sidor Kovpak chỉ huy một đội du kích nhỏ chỉ hơn 10 người ẩn náu trong khu rừng Spadshchansky gần thành phố Putivl ở Đông Bắc Ukraine. Chỉ trong 6 tháng, đơn vị Putivl của Kovpak đã phát triển thành đơn vị du kích vùng Sumy với 1.500 chiến sĩ.
Chỉ huy Sidor Kovpak. Ảnh: TASS
Vào mùa hè năm 1943, đơn vị của ông Kovpak được lệnh thực hiện một cuộc đột kích quy mô lớn trên khắp lãnh thổ Tây Ukraine, sau này được gọi là "Cuộc đột kích Carpathian". Trong vòng 3 tháng, quân du kích đã tiến sâu 2.000km sau chiến tuyến của địch, đánh bại 17 đơn vị đồn trú của Đức, làm trật bánh 19 đoàn tàu quân sự, phá hủy 51 nhà kho và 52 cây cầu, đồng thời phá hoại một số nhà máy điện và mỏ dầu.
Vào cuối năm 1943, chỉ huy Sidor Kovpak giao quyền cho cấp phó là Pyotr Vershigora để lui về hậu phương do vấn đề sức khỏe. Để vinh danh vị chỉ huy cũ, đơn vị du kích vùng Sumy đã sớm được đổi tên thành Sư đoàn du kích Ukraina số 1 mang tên S. A. Kovpak.
Dmitry Medvedev phát hiện ra “hang sói” của Hitler trên lãnh thổ Liên Xô
Vào tháng 8-1941, sĩ quan an ninh kỳ cựu Dmitry Medvedev đã chỉ huy nhóm tác chiến Mitya, hoạt động tại các vùng Smolensk, Bryansk và Mogilev. Tại đây, ông không chỉ thực hiện khoảng 50 chiến dịch quân sự lớn mà còn tạo ra cơ hội cho sự xuất hiện của cái gọi là vùng du kích – một vùng lãnh thổ rộng lớn được giải phóng sau chiến tuyến của kẻ thù.
Từ tháng 6-1942, Medvedev trở thành chỉ huy của đội du kích đặc nhiệm Người chiến thắng, được triển khai tới lãnh thổ Tây Ukraine. Đội hình này bao gồm các chiến binh từ một lữ đoàn súng trường cơ giới độc lập, cũng như những người chống phát xít Tây Ban Nha định cư tại Liên Xô sau nội chiến Tây Ban Nha.
Sĩ quan an ninh Dmitry Medvedev. Ảnh: Rian
Ngoài việc tiêu diệt binh lực và phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của phe phát xít, các đơn vị của chỉ huy Medvedev còn truy lùng các quan chức cấp cao của Đức Quốc xã và các tướng lĩnh quân đội phát xít Đức - Wehrmacht. Tháng 12-1942, một nhóm chiến sĩ do trinh sát Nikolai Kuznetsov chỉ huy, đã tổ chức một cuộc phục kích nhằm vào các sĩ quan của sở chỉ huy Đức và phát hiện ra vị trí sở chỉ huy của Hitler ở Mặt trận phía Đông với tên gọi “hang sói" nằm gần thành phố Vinnitsa ở miền Trung Ukraine.
Đầu năm 1944, du kích quân đã hỗ trợ các đơn vị xung kích Hồng quân trong trận chiến quy mô lớn ở Ukraine, và vào tháng 10 cùng năm, đơn vị du kích được sáp nhập vào Hồng quân.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/nhung-chi-huy-du-kich-xuat-sac-cua-hong-quan-trong-chien-tranh-ve-quoc-vi-dai-la-ai-822432