Những chiếc protip đẹp lung linh nhờ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân

Những chiếc protip đẹp lung linh nhờ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân
7 giờ trướcBài gốc
Những ngày qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tất bật chuẩn bị, tạo hình, trang trí cho những chiếc protip để tham gia Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI (gọi tắt là Lễ hội) và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 sắp tới.
Anh Kim Hưng đang hoàn thiện chiếc protip cho chùa Ta Kúch Chắs, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH
Đang chăm chú vẽ họa tiết hoa văn chiếc protip cho chùa Ta Kúch Chắs (Trà Quýt cũ), xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), anh Kim Hưng - thợ sáng tạo chiếc protip chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được ngành Văn hóa huyện Châu Thành mời đảm nhận sáng tạo 2 chiếc protip cho 2 chùa: Ta Kúch Chắs (xã Thuận Hòa) và Tà Khvích Thmây (xã Hồ Đắc Kiện). Những chiếc protip này thực hiện theo yêu cầu, quy cách của ngành, còn phần sáng tạo mô típ, tôi chọn mô hình ngôi chánh điện của chùa thu nhỏ. Đây là công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer. Từ khâu hàn khung, dựng lên mô típ, vẽ hoa văn và trang trí đèn led, mỗi chiếc protip, chúng tôi thực hiện thời gian khoảng 1 tháng mới hoàn thiện. Khi hoàn thành thì những chiếc protip sẽ tham gia trình diễn tại lễ hội, góp phần cho dòng sông Maspero (thành phố Sóc Trăng) thêm sắc màu lung linh, đẹp mắt, ấn tượng đến du khách gần xa”.
Để có được những tác phẩm đẹp như ngày hôm nay, anh Kim Hưng tự mày mò cách dựng theo mô típ của công trình ngôi chánh điện, cách phối màu, chăm chút, tỉ mỉ từng đường nét, trang trí hoa văn làm sao cho đẹp mắt. Anh Hưng cho hay: “Trước đây, tôi chỉ quen sáng tạo những chiếc ghe ngo và ghe cà hâu mini, nhưng lần này đảm nhận làm chiếc protip cho nhà chùa, cũng hơi lo lắng. Đến khi công trình hoàn thiện, được ngành chức năng và nhà chùa ngợi khen, chúng tôi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc”.
Dòng sông Maspero (thành phố Sóc Trăng) là điểm hẹn để những protip và ghe cà hâu đua nhau khoe sắc. Ảnh: THẠCH PÍCH
Lôi protip là một loại hình lễ hội văn hóa độc đáo của cộng đồng người Khmer, từ một truyền thuyết gắn với tôn giáo là cúng chiếc răng nanh Phật Thích Ca được rắn thần Naga cất giữ nơi Long cung. Ngoài ra, protip cũng tượng trưng cho hàm răng dưới của đức Phật ở lại hạ giới độ trì chúng sinh. Lôi protip còn mang ý nghĩa là để tạ ơn prés thôrni (thần mặt đất) và prés kông kear (thần nước). Bởi theo quan niệm của đồng bào Khmer qua một năm lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày, con người đã làm ô uế đến thiên nhiên, nên con người làm lễ cúng để tạ lỗi. Lôi protip là người ta muốn tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành hơn cho năm sau. Chính vì sự phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và nhất là nước có một vai trò quan trọng trong cuộc sống con người, nên đồng bào Khmer cho rằng, nước là một dạng vật chất có mặt trong vũ trụ từ rất sớm. Lôi protip đã ăn sâu vào tâm thức của người Khmer và duy trì từ đời này đến đời khác. Hơn nữa, lôi protip còn nhắc nhở con người quay về với thiên nhiên, làm sạch môi trường sống, bảo vệ đất và nước, đó là hai yếu tố quan trọng giúp cho sự tồn tại của nhân loại.
Đồng chí Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong khuôn khổ Lễ hội và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần này, có sự tham gia của 20 chiếc protip và 4 ghe cà hâu đến từ chùa Nam tông Khmer trong tỉnh. Đến thời điểm này, các đơn vị huyện, thị xã và thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia trình diễn. Việc tổ chức trình diễn lôi protip và ghe cà hâu nhân dịp lễ hội hằng năm không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer, mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa - du lịch của Sóc Trăng. Hoạt động này sẽ thu hút du khách đến với tỉnh nhà và góp phần cho không khí lễ hội thêm lung linh sắc màu, tưng bừng, tạo nên sự đa dạng của văn hóa Sóc Trăng nói riêng và của văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Mặt khác, vừa tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng, trực tiếp phục vụ phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, miền, vừa gắn với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer”.
THẠCH PÍCH
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202411/nhung-chiec-protip-ep-lung-linh-nho-ban-tay-kheo-leo-cua-cac-nghe-nhan-b097d32/