Cán bộ, sĩ quan quê Hưng Yên công tác trên đảo Sinh Tồn trò chuyện với phóng viên Báo Hưng Yên
Ðặt chân lên đảo Sinh Tồn Ðông khi còn đang lâng lâng vì say sóng sau chuyến hải trình kéo dài trên con tàu HQ-571, tôi gặp Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Phú, sinh năm 1987, quê ở xã Lạc Hồng (Văn Lâm) hiện đang là Bệnh xá trưởng của đảo. Tốt nghiệp Học viện Quân y, bác sĩ Nguyễn Văn Phú về công tác tại Bệnh viện Quân y 105. Từ tháng 8/2024, anh xung phong tình nguyện ra đảo Sinh Tồn Ðông khi con gái đầu lòng mới được 10 ngày tuổi.
Anh Phú cho biết: Ðiều kiện làm việc ở ngoài đảo khác xa so với trong đất liền. Nếu ở trong đất liền có sự hỗ trợ thuận lợi của đồng nghiệp, phòng, khoa thì ở ngoài đảo, bác sĩ cần tính độc lập rất cao. Mỗi kíp ở bệnh xá phải đảm đương tất cả các khâu từ khám, xét nghiệm, cấp thuốc, điều trị… Nhưng dù trong điều kiện nào chúng tôi cũng luôn nỗ lực hết mình để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. Gần đây nhất, Bệnh xá đảo Sinh Tồn Ðông chữa trị thành công 3 trường hợp ngư dân bị giảm áp, một bệnh nguy hiểm thường gặp ở những ngư dân trên biển.
Theo anh Phú, bố của anh cũng là người lính. Ðược bố kể về những câu chuyện hào hùng của quân đội, từ nhỏ cậu bé Phú càng thêm nể phục và yêu người lính. Khi chứng kiến những người xung quanh bị bệnh, cộng thêm mong muốn trở thành người lính, anh quyết tâm theo đuổi ngành quân y để vừa giúp đỡ người thân và bệnh nhân, vừa hiện thực hóa ước mơ của mình...
Cũng là “chiến sĩ mặc áo trắng”, Ðại úy, bác sĩ Nguyễn Xuân Tùng, quê ở thị trấn Lương Bằng (Kim Ðộng) và Thiếu tá, bác sĩ Trịnh Văn Tuần, quê ở xã Trung Hòa (Yên Mỹ) công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cùng xung phong tình nguyện nhận nhiệm vụ ra công tác tại đảo Song Tử Tây. Ngay ngày thứ 2 ra đảo, các anh đã mổ ruột thừa, cấp cứu thành công 1 người dân từ đảo Ðá Nam chuyển sang. Trong năm 2024, Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã thực hiện khám và điều trị cho hơn 100 lượt bệnh nhân, cấp cứu 42 lượt, phẫu thuật 34 lượt bệnh nhân là các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo và ngư dân đi biển.
Thiếu tá Nguyễn Khắc Quy, sinh năm 1979, quê ở xã Nhật Tân (Tiên Lữ) là sĩ quan nhiều năm gắn bó với biển đảo. Riêng ở quần đảo Trường Sa, anh đã công tác được 5 năm. Hiện anh là nhân viên thông tin, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật âu tàu đảo Sinh Tồn, Hải đoàn 129. Mặc dù không phải là đơn vị trực tiếp huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, song công việc của Trung tâm rất quan trọng, đó là sửa chữa, khắc phục sự cố các tàu của ngư dân bị hỏng, giúp bà con vươn khơi, bám biển; hỗ trợ, tham gia cứu nạn, cứu hộ, cung cấp nước ngọt, lương thực, dầu cho ngư dân khi có nhu cầu. Áp lực công việc khá lớn, nếu các tàu bị hỏng không được sửa chữa kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, đi biển, đánh bắt hải sản... Mỗi năm, anh Quy cùng đồng đội trực tiếp sửa chữa, thay thế thiết bị cho khoảng 30 tàu, thuyền của ngư dân bị hỏng, xuống cấp, gặp nạn...
Cuộc đời binh nghiệp của Trung tá Trần Văn Dương, sinh năm 1986, quê ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), Cụm phó Cụm chiến đấu số 2 đảo Song Tử Tây gần như gắn liền với quần đảo Trường Sa, nơi tuyến đầu Tổ quốc. Anh Dương đã có hơn 10 năm làm nhiệm vụ ở các đảo như: Song Tử Tây, Cô Lin, Phan Vinh, Sơn Ca… “Ðối với mỗi cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đang sống, làm nhiệm vụ tại các đảo, điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa, không có nhiệm vụ nào là nhỏ bé, bình thường cả. Ở đó, tất cả mọi công việc, nhiệm vụ của người lính đảo đều thiêng liêng, cao cả vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong mỗi chúng tôi, Trường Sa luôn là một phần máu thịt của Tổ quốc và của chính bản thân mình. Vì thế, chúng tôi luôn chung một ý chí, một niềm tin và luôn sẵn sàng hy sinh bám biển, giữ đảo” - anh Dương tự hào nói.
Nhiệm vụ của Trung tá Trần Văn Dương là quản lý và huấn luyện bộ đội. Với vai trò của người chỉ huy, anh luôn có những yêu cầu khắt khe về chấp hành nghiêm kỷ luật đối với bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. “Tôi thường nhắc nhở đồng chí, đồng đội rằng: Ðể vững tâm làm nhiệm vụ thì phải gác lại tất cả những việc riêng tư của bản thân và gia đình. Phải luôn xem đảo là nhà, để cùng yêu thương, đùm bọc, chia sẻ và giúp đỡ nhau hoàn thành xuất sắc các mặt công tác”.
Ði thăm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã được gặp và trò chuyện với hàng chục người con quê hương Hưng Yên. Ai cũng tự hào mình là người Hưng Yên để cùng nhau thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tạm biệt các đồng chí để trở về đất liền, trong mỗi chúng tôi niềm vui xen lẫn tự hào, bởi không chỉ được gặp những người đồng hương ở Trường Sa, mà vinh dự và tự hào hơn cả đó là người Hưng Yên luôn chung sức, đồng lòng cùng cả nước bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lê Hiếu