Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 8)

Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 8)
3 giờ trướcBài gốc
Trong không khí hân hoan cùng nhân dân cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Mông Sĩ Kỳ, tại Tổ 8, phường Hợp Giang (Thành phố), người lính tăng thiết giáp trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định từ ngày 4/3 - 30/4/1975. Hình ảnh quân ta “như vũ bão” tiến thẳng vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam vẫn sống mãi trong trái tim người cựu chiến binh, chỉ huy chiếc thiết giáp K63 mang số hiệu 030 có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.
Thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn
Năm nay, ông Kỳ đã hơn 70 tuổi và vừa trải qua một trận ốm khá nặng, bị xuất huyết não, nhưng dường như thời gian và bạo bệnh không thể làm mất đi những ký ức tươi đẹp của tuổi trẻ. Khi mới 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 12/1971, ông Kỳ lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 304B. Sau một thời gian huấn luyện, tháng 4/1972, ông và 2 đồng đội được đơn vị giao chiếc xe thiết giáp K63 mang số hiệu 030, chiếc thiết giáp đã cùng ông và đồng đội chiến đấu trong suốt Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cựu chiến binh Mông Sĩ Kỳ kể với gia đình về thành tích gắn với những tấm huân chương, huy hiệu cao quý.
Ông Kỳ hào hứng kể: tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 28/4, khi máy bay quân ta chiếm lĩnh bầu trời và yểm trợ cho bộ binh, cánh quân của chúng tôi vượt sông Vàm Cỏ Đông đánh thọc sâu vào tỉnh Long An. Ban đầu, địch chống cự ác liệt tại vòng ngoài, một xe tăng đi đầu quân ta bị bắn trúng, không thể di chuyển và mất tín hiệu liên lạc, có thể đã hy sinh. Lúc đó, theo hiệu lệnh 3 xe thiết giáp đi sau, trong đó có cả xe tôi chia làm 3 hướng vượt địa hình lao đến công sự của địch. Khí thế lúc đó mãnh liệt lắm, bộ binh lẫn anh, em trên xe hô to “xung phong” tiếng hô lớn vang cả chiến trường khiến quân địch khiếp hồn bạt vía, bỏ vị trí chạy bán sống, bán chết, một số tên còn ngoan cố chống cự yếu ớt bị chúng tôi tiêu diệt gọn. Sau khi đã đột kích thành công tuyến phòng phủ, cánh quân chúng tôi chia thành 3 hướng theo 3 ngả đường đánh sâu vào phòng tuyến quân địch. Lúc đó quân ta thế thắng như chẻ tre, đi đến đâu địch đầu hàng đến đó, vũ khí, xe cộ, khí tài vứt lại đầy đường, những tên ko chịu đầu hàng đều bị bao vây tiêu diệt hoặc bắt sống. Đến nửa đêm, rạng sáng 29/4, cánh quân chúng tôi gần như giải phóng tỉnh Long An và bắt sống được tên tỉnh trưởng. Kể đến đây, giọng ông bỗng nghẹn ngào, những tổn thất, hy sinh là không tránh khỏi. Chỉ trong một ngày ngắn ngủi, hàng trăm đồng đội đã ngã xuống, anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, chúng tôi nén đau thương thành lòng căm thù giặc, tiếp tục vững chắc tay súng, chiến đấu cả phần đồng đội đã ngã xuống.
Hân hoan ngày vui đại thắng
Sáng 30/4/1975, được lệnh tổng tấn công, chiếc K63 của chúng tôi hùng mạnh rồ ga, mang trên mình một tiểu đội bộ binh dũng mãnh tiến thẳng về hướng nội thành Sài Gòn. Với tinh thần quyết thắng, chưa đầy 2 giờ đồng hồ mũi tấn công của ông đã vượt qua hàng chục ổ kháng cự tiến đến Ngã Sáu Lê Văn Duyệt (đường Cách Mạng Tháng Tán ngày nay). Điều ông Kỳ cảm nhận rõ nhất trong trận đánh này là sự sụp đổ hoàn toàn của quân ngụy. Hai bên đường, hàng trăm quân Ngụy đã đầu hàng, đứng hai bên đường, quần áo, vũ khí vương vãi khắp nơi, lúc đó, chúng tôi cơ động nhanh theo hướng dẫn của biệt động hành tiến về Dinh Độc Lập. Cũng trong lúc đó, hai bên đường người dân ùa ra, vẫy tay chào mừng, họ mang theo bánh kẹo, nước, cơm và thuốc lá tặng cho bộ đội giải phóng.
Ông Kỳ bồi hồi nhớ lại: Cảm giác lúc đó lâng lâng thật khó tả, đi giữa lòng thành phố mà chúng tôi thấy như được trở về nhà. Ký ức vẫn in đậm trong tôi hình ảnh một cô gái trẻ tên là Châu, đưa cơm và nước cho anh, em trên xe, cô bảo người dân đã tổ chức nấu cơm đón bộ đội giải phóng, ban đầu mọi người đều ngần ngại chưa nhận. Thấy chúng tôi lúng túng, cô gái chỉ vào căn nhà bên đường, nơi đang có hàng chục cô gái trẻ nấu cơm, hóm hỉnh nói lớn “Bộ đội không dám ăn cơm chị em chúng tôi nấu thì hãy bắn thẳng vào đây”, hoảng quá chúng tôi nhận cơm và nước rồi nhanh chóng chào tạm biệt các cô. Tiếp tục trên đường hành quân ai cũng khen các cô thật xinh đẹp và gan dạ.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, niềm vui trong tôi bỗng vỡ òa, anh em trên xe vui sướng, nhảy lên ăn mừng rồi lại ngẹn ngào nói với nhau “Thắng rồi”, “Giải phóng rồi” chúng tôi đã ôm nhau cười, khóc vì sung sướng. Thật hạnh phúc, sau bao nhiêu năm bom đạn, cuối cùng hai miền đất nước của chúng ta đã được thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ông Kỳ và đồng đội tiếp tục ở lại bảo vệ thành phố trong 2 năm tiếp theo, đến năm 1977, ông được cử sang Đức học tập. Năm 1985 ông về nước và tiếp tục phục vụ trong quân ngũ đến năm 1990 ông chuyển ngành về công tác tại Sở Nông nghiệp Cao Bằng và nghỉ chế độ.
Với những công lao và đóng góp của mình, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống mỹ hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba… và nhiều phần thưởng cao quý khác. Dù ở bất kỳ nhiệm vụ nào, ông Kỳ cũng luôn hoàn thành tốt nhất công việc được giao và được cơ quan, đơn vị khen thưởng, đồng nghiệp tin yêu, kính trọng. Những năm qua, bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước tại nơi cư trú. Tích cực tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng tổ dân phố. Gia đình nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa tiêu biểu và luôn đoàn kết, con, cháu trong gia đình phấn đấu lao động, học tập thành đạt.
Chiến tranh qua đi đã nửa thế kỷ, giờ đây tuổi đã cao, sức yếu nhưng cựu chiến binh Mông Sĩ Kỳ luôn khắc ghi và tự hào khi mình từng là người lính tăng thiết giáp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ký ức hào hùng và oanh liệt ấy sẽ mãi trường tồn, nhắc nhở thế hệ sau ghi nhớ và nỗ lực xây dựng quê hương đất nước xứng đáng với những hy sinh của lớp lớp cha ông đã đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Thế Hiển
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-cao-bang-gop-phan-lam-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-ky-8-3176867.html