Những chuyển dịch địa chính trị đáng chú ý ở Đông Bắc Á

Những chuyển dịch địa chính trị đáng chú ý ở Đông Bắc Á
một ngày trướcBài gốc
Thay đổi tinh tế trong tư duy chiến lược
Những diễn biến gần đây ở Đông Bắc Á, trong đó phải kể đến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba bên Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản được tổ chức tại Tokyo và Đối thoại cấp chuyên gia được tổ chức tại Quốc hội Hàn Quốc, cho thấy những thay đổi mang tính kiến tạo đang diễn ra, mặc dù chậm rãi và thận trọng. Thông điệp từ các hoạt động ngoại giao này cho thấy sự điều chỉnh tinh tế nhưng đáng chú ý về các thế trận chiến lược trong khu vực.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba bên Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản tại Tokyo ngày 22.3.2025. Ảnh: Reuters
Cuối tháng 3 vừa qua tại Tokyo, Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhóm họp lần đầu tiên sau hơn 16 tháng. Cuộc họp có ý nghĩa không chỉ vì diễn ra sau một thời gian dài gián đoạn mà còn vì môi trường địa chính trị thay đổi đòi hỏi phải có cuộc họp này.
Tại cuộc họp, các bên đã nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân, như chăm sóc sức khỏe, cứu trợ thiên tai, già hóa dân số, thương mại và khoa học công nghệ. Đáng chú ý, cam kết chung về việc đẩy nhanh tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn cho thấy động lực đằng sau sáng kiến ba bên này.
Tuy nhiên, đây không chỉ là một cuộc họp ngoại giao mang tính hình thức. Bên dưới những tuyên bố mang tính hình thức và ngoại giao là sự hiệu chỉnh lặng lẽ nhưng đáng chú ý. Hàn Quốc và Nhật Bản, mặc dù vẫn là đồng minh của Washington một cách chính thức, nhưng dường như đang cởi mở hơn với Bắc Kinh trong hợp tác ở các lĩnh vực vốn chỉ dành cho các đối tác chiến lược.
Điều đặc biệt đáng chú ý là sự mềm mỏng trong diễn ngôn chính trị tại cuộc họp ba bên. Mặc dù giữa các nước vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, song giọng điệu và nội dung của cuộc họp ở Tokyo cho thấy xu hướng rõ ràng hướng tới sự ổn định và chủ nghĩa đa phương, thay vì đối đầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul tuyên bố: “Chúng tôi đã nhất trí tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực gắn liền chặt chẽ với đời sống thường nhật của người dân”. Đây không chỉ là lời nói ngoại giao, mà còn phản ánh sự đồng thuận ngày càng gia tăng giữa các nước về việc khu vực phải xây dựng khuôn khổ thể chế độc lập. Việc ba nước thừa nhận hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên là “trách nhiệm chung” giữa ba nước càng củng cố thêm quan niệm về một cộng đồng Đông Bắc Á chịu trách nhiệm về vận mệnh của mình.
Điều chỉnh trong ưu tiên của Hoa Kỳ
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Hoa Kỳ dẫn đầu, được đưa ra dưới thời chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ đầu tiên và tiếp tục được thúc đẩy dưới thời Chính quyền Biden, nhằm cân bằng ảnh hưởng ở khu vực thông qua các quan hệ đối tác chiến lược và liên minh quân sự. Triết lý cốt lõi là duy trì một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" bằng cách củng cố mối quan hệ với các cường quốc trong khu vực, đáng chú ý nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia.
Tuy nhiên, khuôn khổ này hiện gặp phải một số trở ngại. Đầu tiên, chính sách đối ngoại thực dụng của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay đã làm suy yếu các liên minh lâu đời khi câu hỏi về các cam kết quốc phòng và yêu cầu tăng chia sẻ chi phí. Thứ hai, ở thời Chính quyền Biden, trong khi vẫn tỏ ra thúc đẩy các cam kết với khu vực, nhưng thực tế, Mỹ lại bận tâm nhiều hơn đến các cuộc khủng hoảng ở những nơi khác - đặc biệt là Ukraine và Trung Đông.
Chiến lược “kéo chứ không đẩy”
Trong bối cảnh đó, chính sách ngoại giao nhất quán của Trung Quốc - nhấn mạnh vào hội nhập kinh tế, tăng cường các mối quan hệ của người dân và củng cố các thể chế khu vực - đã đưa ra một tầm nhìn thay thế và hấp dẫn cho Đông Bắc Á.
Chiến lược của chính quyền Bắc Kinh ở Đông Bắc Á có thể được cảm nhận rõ ràng. Thay vì chọn đối đầu với các đồng minh của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã tìm cách xây những cây cầu trong các lĩnh vực cùng quan tâm - chẳng hạn như biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch và thúc đẩy thương mại. Đối thoại chuyên gia ba bên gần đây được tổ chức tại Quốc hội Hàn Quốc là một ví dụ điển hình.
Được đồng tổ chức bởi Diễn đàn song phương về ngoại giao tiên tiến và Viện hợp tác chiến lược toàn cầu, cuộc đối thoại có sự tham dự của các đại sứ từ Nhật Bản và Trung Quốc - nhấn mạnh sự chuyển dịch mang tính biểu tượng sang đối thoại, ngay cả trong bối cảnh các bên vẫn có nhiều khác biệt. Các phiên họp tập trung vào khả năng phục hồi của khu vực, khuôn khổ kinh tế, biến đổi khí hậu và ngoại giao hợp tác.
Đáng chú ý, các nhà hoạch định chính sách và học giả kêu gọi thể chế hóa các cơ chế ba bên để có thể vượt qua các cuộc chuyển đổi chính trị và các cú sốc toàn cầu. Nếu các khuôn khổ như vậy được phát triển và duy trì, chúng có thể dần phát triển thành một cộng đồng Đông Á với các chuẩn mực, ưu tiên và quy tắc giao tiếp riêng.
Quyền tự chủ chiến lược hay sự điều chỉnh tinh tế?
Câu hỏi đặt ra là: liệu mối quan hệ hợp tác ba bên này có phải là một bước tiến tới quyền tự chủ chiến lược của các cựu đồng minh đối với Mỹ hay là dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh tinh tế hướng tới một cán cân quyền lực mới?
Trên thực tế, Hàn Quốc và Nhật Bản không từ bỏ liên minh với Hoa Kỳ. Hợp tác quân sự và tình báo của họ với Washington vẫn được duy trì mạnh mẽ. Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng khăng khít của họ với Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và xã hội cho thấy sự điều chỉnh hướng tới quyền tự chủ lớn hơn.
Hành động cân bằng thực dụng này phản ánh cả sự cần thiết về mặt địa chính trị và áp lực trong nước. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản dường như đang lựa chọn con đường trung dung - cho phép họ hợp tác với cả hai siêu cường trong khi vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Hướng tới một trật tự đa cực ở Đông Bắc Á?
Hội nghị thượng đỉnh ba bên được đề xuất - rất có thể sẽ diễn ra sau khi Hàn Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng nội bộ - đóng vai trò là phép thử cho mối liên kết khu vực đang phát triển này. Nếu được tổ chức thành công, Hội nghị có thể đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong đó các cường quốc Đông Á ngày càng tự quản lý các vấn đề của mình, vượt ra ngoài các lựa chọn chiến lược nhị phân được áp đặt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo quan điểm của các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ, sự thay đổi này vừa là thách thức vừa là cơ hội. Washington phải hiểu rằng các đồng minh của mình ở châu Á có thể không nhất thiết phải từ bỏ trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo, mà thay vào đó là tìm kiếm sự linh hoạt và chủ động hơn trong việc điều hướng bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp. Một cách tiếp cận mang tính tôn trọng hơn, ít thực dụng hơn Hoa Kỳ - trên cơ sở thừa nhận và tôn trọng các nguyện vọng của khu vực - có thể giúp khôi phục sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực thay vì khiến nó trở nên lỗi thời. Quả bóng hiện đang ở trong sân của Washington.
Sự xuất hiện của một Đông Bắc Á đa cực dường như ngày càng có khả năng xảy ra. Nếu hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục thể chế hóa, nó có thể đặt nền tảng cho một kiến trúc khu vực mới - một kiến trúc có thể hoạt động độc lập, nhưng không nhất thiết phải đối đầu với các thể chế an ninh hiện có.
Quốc Đạt (Theo Asia Times)
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nhung-chuyen-dich-dia-chinh-tri-dang-chu-y-o-dong-bac-a-post409169.html