Ngay sau Ngày giải phóng miền Nam, ngành đường sắt cũng nỗ lực khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất. Đến cuối năm 1976, những chuyến tàu đầu tiên khởi hành từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn đánh dấu tuyến đường sắt Bắc-Nam được khơi thông sau hàng chục năm gián đoạn.
Người dân chào đón đoàn tàu khánh thành tuyến đường sắt Thống Nhất xuất phát từ Thủ đô Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 4-1-1977. Ảnh do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp.
Những chuyến bay ra Bắc, vào Nam
Trung đoàn Không quân vận tải 919, đơn vị bay vận tải quân sự-hàng không dân dụng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), từ năm 1973 được tổ chức thành Lữ đoàn 919, đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Các máy bay của không quân vận tải-hàng không dân dụng đã thực hiện 163 chuyến bay, cơ động 4.250 cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển 120,7 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của chiến dịch.
Theo bước tiến thần tốc của Quân đội ta, không quân vận tải cũng hoạt động tất bật. Các loại máy bay của đơn vị liên tục chuyển lực lượng và vũ khí từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đến sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), rồi chở các đoàn cán bộ vào tiếp quản các sân bay ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Huế, Đà Nẵng, Phan Rang (Ninh Thuận). Chiều 28-4-1975, Phi đội Quyết Thắng đã xuất kích từ Phan Rang tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất, thu được thắng lợi giòn giã.
Lịch sử của Trung đoàn Không quân vận tải 919 còn ghi: Chỉ một ngày sau ngày toàn thắng, 1-5-1975, chiếc máy bay Mi-6 do đồng chí Lê Đình Ký lái chính đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó mang theo lá cờ Tổ quốc lớn để cắm trên nóc dinh Độc Lập. Giữa tháng 5-1975, chuyên cơ cất cánh từ sân bay Gia Lâm bay thẳng đến sân bay Tân Sơn Nhất, đưa Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng và thống nhất đất nước.
Hành trình kết nối triệu trái tim
Nếu như hàng không sớm có chuyến bay đầu tiên sau ngày toàn thắng thì việc khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất Bắc-Nam mất nhiều thời gian hơn. Trải qua chiến tranh, nhiều đoạn đường, nhà ga, cầu cống của tuyến đường sắt xuyên Việt đã bị phá hủy. Cuối năm 1975, đoạn đường sắt Sài Gòn-Phù Mỹ và Đà Nẵng-Huế đã hoạt động, những đoạn khác phải làm mới hoàn toàn như: Vinh-Quảng Trị, Đà Nẵng-Bồng Sơn. Đất nước thống nhất, nhu cầu thông thương Bắc-Nam đòi hỏi sớm khôi phục tuyến đường sắt xuyên Việt. Để thực hiện nhiệm vụ này, hơn 10 vạn lao động trên công trường và các nhà máy đã làm việc khẩn trương, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ. Tháng 12-1976, những người thợ đã nối mối ray cuối cùng của đường sắt Thống Nhất. Đến ngày 31-12-1976, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh diễn ra lễ khánh thành thông xe đợt 1 của tuyến đường sắt Bắc-Nam với 2 đoàn tàu khởi hành từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn, đánh dấu đường sắt xuyên Việt trở lại hoạt động sau hơn 30 năm gián đoạn. Tuyến đường sắt Thống Nhất trở thành biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, ý chí thống nhất của dân tộc ta sau khi chiến thắng đế quốc xâm lược.
Trực tiếp tham gia khôi phục tuyến đường sắt Bắc-Nam và có mặt trên chuyến tàu lịch sử nối hai miền đất nước, ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Đại đội phó Tự vệ, Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt thuộc Tổng cục Đường sắt, nhớ lại: "Dọc đường vào đến ga Sài Gòn, người dân nhìn thấy đoàn tàu và vẫy tay hò reo, vui mừng, phấn khởi. Đến ga Sài Gòn, đoàn người ra đón chật kín cả sân ga". Hòa vào niềm vui chung của cả nước, ông Nguyễn Minh Quang càng thấy vinh dự, tự hào khi được đóng góp một phần công sức của mình trong hành trình lịch sử của chuyến tàu Thống Nhất. Như ông Quang chia sẻ, không chỉ riêng ngành đường sắt, việc khôi phục đường sắt Thống Nhất là thành quả của cả dân tộc.
Đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành đường sắt tổ chức chạy một đôi tàu đặc biệt mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất”. Đây là những đoàn tàu được thiết kế riêng, mang đậm dấu ấn của sự kiện lịch sử cách đây gần 50 năm. Vào tối 29-4-2025, “Đoàn tàu Thống Nhất” là tàu SE1 xuất phát từ ga Hà Nội và tàu SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn. Hai đoàn tàu sẽ gặp nhau lúc 12 giờ ngày 30-4, tại ga Đà Nẵng. Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, việc tái hiện “Đoàn tàu Thống Nhất” với mong muốn tạo hành trình để nhìn về lịch sử, kết nối triệu trái tim, giúp chúng ta hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình hôm nay.
Ngành đường sắt cũng xây dựng Đoàn tàu Thống Nhất trên không gian mạng, mỗi vé tàu sẽ được biểu thị bằng một lá cờ Tổ quốc trên hệ thống bán vé. Lấp đầy những toa tàu bằng hình ảnh lá cờ Tổ quốc cũng góp phần tái hiện Đoàn tàu Thống Nhất trong thời hiện đại, khiến cho mỗi chuyến đi trở thành một hành trình của tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc.
MẠNH HƯNG