1. Bên kia cầu Rạch Chiếc
Đêm 29 tháng 4 năm 1975.
Tư Lễ nằm sát bên mép bờ nước, nửa thân anh chìm trong lớp bùn lầy nồng mùi rong rêu và những đám lục bình nhẹ nhàng trôi theo dòng nước. Anh ngước nhìn thành phố Sài Gòn chập chờn như những đốm lửa ma trơi. Mắt anh sưng húp vì thiếu ngủ, râu ria lởm chởm. Nhưng, vẫn rực sáng và đầy quyết tâm. Cầu Rạch Chiếc lờ mờ hiện ra trời đêm, như một dấu gạch nối mỏng manh giữa hai thế giới: một bên là Sài Gòn đang run rẩy, một bên là những người lính đặc công đã sẵn sàng đổi cả mạng sống để giữ cho nó nguyên vẹn.
Anh đưa mắt nhìn trung đội của mình. Những người lính của anh, với gương mặt trẻ măng, lấm lem bùn đất, ánh mắt sáng lên trong im lặng. Tư Lễ siết chặt khẩu AK. Trận đánh này khác những trận đánh của đơn vị anh ở những khóm đước sình lầy và tử địa rừng Sác, khác cả đêm các anh đột nhập vào kho xăng Nhà Bè, biến cả một vùng trời thành biển lửa ngay cửa ngõ Sài Gòn. Những lần đó, mục tiêu của đặc công là phá. Còn lần này, nhiệm vụ của các anh là giữ. Dù bất cứ giá nào cũng phải giữ bằng được cầu Rạch Chiếc.
Không có cây cầu này, các mũi thọc sâu sẽ không thể kịp vào Sài Gòn trong giờ khắc quyết định. Nếu địch phá sập nó, kế hoạch tiến công của hướng từ Biên Hòa về Sài Gòn sẽ gặp trở ngại. Đội hình tiến công sẽ bị cắt rời, xe tăng không qua được, bộ binh và xe tăng sẽ không thể tác chiến hiệp đồng binh chủng; thời khắc chiến thắng sẽ chậm lại, thương vong sẽ nhiều hơn.
Tư Lễ siết lại quai súng. Trong đêm đen, từng tổ đặc công âm thầm trườn tới chiếm lĩnh trận địa. Địch đã nhiều lần tổ chức phản kích. Máu của anh em đã nhuộm đỏ từng tấm đan bê tông, từng vạt cỏ ven cầu.
Bất giác, Tư Lễ nhớ về má. Má từng bảo: "Đi lính thì cứ đánh cho giỏi và chiến thắng trở về, chứ đừng để má phải nhận giấy báo tử mà không biết con nằm ở đâu". Anh không sợ chết, nhưng sợ nằm xuống mà cây cầu vẫn nổ tung.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Trận đánh bắt đầu lúc nửa đêm. Hỏa lực địch từ bên kia cầu bắn xối xả về hướng các anh. Những viên đạn lửa vạch sáng khắp mặt cầu phản chiếu ánh sáng lập lòe xuống mép nước. Đúng lúc ấy, một chiếc GMC của địch từ phía sau lao lên, định đặt thuốc nổ vào mố cầu.
- Lựu đạn - Tư Lễ hét to.
Quý “lé” lao lên, thân hình nhỏ thó của Quý biến trong bóng tối. Một tiếng nổ bùng lên. Khói bụi và máu địch chan hòa trên mặt cầu. Chiếc xe địch lật nghiêng và cháy như một bó đuốc, đám lính trên xe thằng chết, thằng bị thương. Những thằng còn sống chạy dạt vào rặng dừa nơi mép nước phía bên kia. Nhưng, Quý cũng nằm lại, mãi mãi không dậy nữa.
Rồi Ba “đen”, người thợ máy từ Cần Thơ mơ ngày về mở tiệm sửa xe. Rồi Lợi, trung đội phó từng cõng anh băng rừng khi anh bị sốt rét ở rừng Sác. Từng người một ngã xuống, như những mắt xích cuối cùng của một sợi dây xích đang kéo cả đất nước về phía hòa bình. Bọn địch điên cuồng phản công. Cây cầu rung chuyển dưới bánh xích xe M.41. Lựu đạn cay, đạn pháo 105 ly xé rách từng khoảng không. Nhưng, các chiến sĩ đặc công vẫn giữ được hai đầu cầu, bám trụ bằng tất cả ý chí và máu thịt của mình.
Đêm xuống. Cầu Rạch Chiếc vẫn nguyên vẹn. Bọn địch đã tháo chạy, bỏ lại vũ khí và những tấm bản đồ nhàu nát. Tư Lễ bò lên nhịp cầu, tay bám vào từng thanh sắt lạnh buốt. Thành phố phía xa tràn ngập ánh đèn, yên bình và rực rỡ đến lạ lùng.
*
Sáng 30 tháng 4.
Tiếng động cơ và tiếng xích xe tăng vọng lại như tiếng trống hội, xé tan những giờ phút căng thẳng tột cùng. Những chiếc xe tăng T.54, T.59 của Lữ đoàn 203 dẫn đầu đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2 rùng rùng lao qua cầu, thẳng tiến về các mục tiêu đã được chỉ định trong thành phố. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phần phật bay trong gió.
Cầu Rạch Chiếc - cánh cửa cuối cùng dẫn vào sào huyệt kẻ thù - nay đã mở toang, đón những đoàn quân tiến vào thành phố. Trong niềm hân hoan ấy, vẫn có những khoảng lặng nhói buốt. 52 chiến sĩ đặc công đã ngã xuống tại đây. Máu họ nhuộm đỏ từng mét cầu, từng khóm cỏ ven đường. Chiến thắng chỉ còn trong gang tấc, vậy mà họ đã không kịp nhìn thấy ngày đất nước hòa bình.
Tư Lễ đứng lặng giữa ánh sáng rực rỡ của thành phố. Nhưng, ánh mắt anh ngoái lại phía sau, nơi những chiếc cáng dã chiến đang lặng lẽ khiêng đồng đội anh về phía cội nguồn im lặng. Không tiếng kèn đưa tiễn, không vòng hoa chiến thắng, chỉ có gió sông lạnh buốt và những giọt nước mắt lặng thầm.
Cầu Rạch Chiếc vẫn còn đó, vắt mình qua năm tháng như một dấu chấm than đỏ máu trong trang sử dân tộc.
Bên kia cầu là Sài Gòn, là ánh sáng. Nhưng, cũng là máu, là nước mắt, là tình yêu và cái chết. Là lời thề không nói thành lời của những người lính đã viết nên một chương sử bất tử - bằng chính mạng sống của mình. Họ đã hóa thân vào đất, giữ vững một cây cầu để đổi lấy cả một ngày mai cho đất nước.
2. Dư âm hòa bình
Đúng bản tin 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái loa treo trên cây gạo đầu làng vang lên giọng đọc huyền thoại, vô cùng truyền cảm của nghệ sĩ Kim Cúc: “Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”. Rồi sau đó, bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên rộn rã...
Cả làng vỡ òa. Người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà ùa ra sân đình, ôm nhau, vừa khóc vừa cười. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới như những cánh chim no gió, rực lên giữa màu trời tháng 4. Tin chiến thắng lan nhanh như một cơn gió, thổi bùng lên niềm vui chưa từng có trong đời. Người ta rủ nhau lên huyện đón bộ đội trở về, mong mỏi được thấy bóng dáng của người thân sau bao năm xa cách.
Bà Mai cũng thế, giữa dòng người hớn hở kéo nhau ra ngõ, bà không bước theo. Bà đứng lặng bên khung cửa gỗ đã bạc màu thời gian, tay bấu nhẹ lấy tà áo nâu sờn. Trái tim bà đập rộn ràng, như sợ niềm vui ấy chẳng dành cho mình.
Cái dáng gầy gò ấy, bao năm vẫn thế. Nhưng, hôm nay ánh mắt bà long lanh, vừa hy vọng, vừa sợ hãi. Bà nhìn về phía con đường mòn giữa cánh đồng lúa đang chín vàng, "Biết đâu... Biết đâu ông ấy cũng đang về..." - bà thì thầm với chính mình, giọng khẽ như tiếng gió lướt qua hiên nhà. Rồi, bà ngồi xuống chiếc ghế nhỏ đã cũ, bàn tay run run đặt lên đầu gối. Không ai để ý tới bà, giữa niềm vui quá lớn lao ngoài kia. Chỉ có bà, và một buổi trưa thẳm sâu trong ký ức.
Bà nhớ ngày ông đi... Ngày ấy, bà với ông còn rất trẻ. Cưới nhau chưa được bao lâu, chưa kịp bén hơi nhau thì ông nhận giấy gọi nhập ngũ. Ông khoác ba lô lên đường. Hôm tiễn ông trên sân ga, bà cắn chặt môi, không khóc. Ông chỉ cười, xoa lên má bà:
- Em đừng khóc nhé... Ráng đợi anh về!
Bà gật đầu, cố kìm để không khóc trước mặt ông, nhưng lệ cứ trào ra ướt tràn khóe mắt. Bà phải ngoảnh đi lau vội, rồi quay lại, gượng cười, dúi vào tay ông chiếc khăn tay tự làm. Ở góc khăn có dòng chữ nắn nót được thêu bằng chỉ đỏ: "Em mãi đợi Anh về".
Những ngày sau đó, trong làng lần lượt có những anh bộ đội trở về. Người lành lặn, người mất một phần thân thể. Có người trở về với những tấm huân chương lấp lánh trên ngực. Trên vai họ là những chiếc ba lô bạc màu, có người còn cẩn thận buộc theo một con búp bê, một chiếc khung xe đạp hay vài tấm vải hoa làm quà cho người ở nhà. Có những cuộc đoàn tụ trong nước mắt, có những tiếng gọi mẹ, gọi vợ, gọi cha nghẹn ngào, nhưng bà Mai thì...
*
Sau khi ông lên đường. Những lá thư đầu tiên ông gửi về từ chiến trường đầy ắp niềm tin, ông kể chuyện đơn vị, chuyện đồng đội, chuyện về những con đường hành quân. Nhưng, dần dần, thư thưa thớt... rồi ngừng hẳn.
Bà chờ. Ngày nối ngày. Đêm nối đêm. Năm này qua năm khác mà không có tin tức gì.
Hòa bình rồi, người ta đón những đoàn quân trở về. Nhưng, bà tìm mãi, chờ mãi vẫn chẳng thấy ông đâu. Rồi, tên ông có trong danh sách liệt sĩ của làng. Đồng đội nói ông đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt ở Tây Nguyên. Nhưng, nơi an táng cụ thể không ai rõ.
Bà không tin. Trong lòng bà, ông vẫn còn đâu đó, chỉ là chưa về thôi.
Suốt mấy chục năm qua, bà vẫn ở trên căn nhà cũ, vẫn một mình vò võ chờ ông. Người ta giục bà đi bước nữa, nhưng bà chỉ cười buồn:
- Tôi làm gì có bước nào nữa. Tôi vẫn đợi ông ấy về.
Xóm làng thay đổi từng ngày, những mái nhà tranh năm xưa giờ đã thành ngói đỏ. Cây gạo đầu làng, nơi treo chiếc loa báo tin chiến thắng năm nào nay đã già, cành khô trụi lá. Mỗi trưa nắng, bà Mai vẫn ngồi trước hiên, mắt dõi dọc theo con đường cũ.
Chiều nay, bà trở lại nghĩa trang liệt sĩ.
Hàng thứ hai, ngôi mộ thứ chín, có một tấm bia đá lạnh khắc tên ông. Ông không về, nhưng ít nhất giờ đã có một nơi để bà đặt tay lên khi nhớ đến ông. Bó hoa cúc trắng được bà đặt lên phiến mộ, tay run run vuốt qua tên ông như chạm vào gương mặt cũ. Bà thì thầm:
“Em vẫn đợi anh về...”.
Trong làn hương trầm nghi ngút, giữa hoàng hôn chập choạng rơi xuống nghĩa trang, bà nghe như văng vẳng bài hát quen thuộc vọng về từ những năm tháng chiến tranh: “Em vẫn đợi anh về. Như buồm căng đợi gió. Như trời xanh đợi chim. Như lòng em khát anh. Như đời khát hòa bình...”.
Chiến tranh qua rồi, nhưng có những nỗi đau và những nỗi chờ đợi kéo dài suốt cả một đời người...
3. Cà phê sữa Pailin
Đã nhiều năm, mỗi khi Tết đến xuân về, khi phố phường rực rỡ hoa đào, hoa mai, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Giao thừa... thì trong tôi lại hiện lên một ngày Ba mươi Tết rất xa, Tết Kỷ Mùi 1978, giữa những cánh rừng Pailin bỏng rát, khát cháy và đầy ám ảnh của chiến tranh.
Pailin - một tỉnh miền núi phía Tây Nam Campuchia, giáp biên giới Thái Lan - khi ấy là nơi tập trung tàn quân của tập đoàn diệt chủng Pol Pot sau khi bị đánh bật khỏi Phnom Penh. Chúng rút về vùng rừng núi hiểm trở này, biến nơi đây thành căn cứ địa, tập trung bọn chỉ huy đầu sỏ và khởi đầu những cuộc đánh phá trở lại nội địa Campuchia.
Pailin còn được mệnh danh là “thành phố kim cương”, với những dãy núi đá quý từng là nguồn tài nguyên lớn nuôi sống bộ máy chiến tranh của Khmer Đỏ trong những năm chúng cầm quyền. Chính vì thế, việc tiêu diệt căn cứ Pailin không chỉ là ngăn chặn hiểm họa địch xâm nhập từ bên kia biên giới, mà còn là đòn quyết định nhằm tiêu diệt hậu cứ của địch, dập tắt ý đồ phục hồi lực lượng của chúng.
Sư đoàn 5 của Quân khu 7 và Trung đoàn 66 của Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở Pailin đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam - Tết Kỷ Mùi 1978.
Trung đoàn 174 của tôi được giao là mũi vu hồi chiến dịch...
*
Đó là ngày cuối cùng của năm âm lịch. Khi ở quê nhà, mọi người đang quây quần bên mâm cơm tất niên, thì ở đây, chúng tôi đang giữa chặng hành quân trong những cánh rừng của Pailin bỏng cháy. Trời Campuchia nóng như đổ lửa. Những cánh rừng vừa bị pháo cối của cả ta và địch cày tung, còn vương khói súng. Mặt đất dưới chân nóng hầm hập. Cát bụi đỏ rực bám vào từng gót giày, từng vạt áo sờn rách, từng khuôn mặt nám đen vì nắng gió của những người lính.
Đội hình hành quân lúc đầu rất khí thế. Nhưng rồi, đến chiều, khi những bình tông nước đã cạn, các tiểu đoàn, đại đội bị xé nát bởi những bước chân rã rời và những tiếng thở đứt quãng. Nhiều người ngã xuống dọc đường vì kiệt sức. Những chiếc ba lô vứt lại, những khẩu AK lặng lẽ gác bên gốc cây. Cơn khát đã lấy đi những sinh lực cuối cùng của những người lính trận. Chúng tôi bước như mộng du giữa cái nóng khô rát và đói khát cồn cào.
Tôi nhớ mãi cảm giác khi dốc bình tông đưa lên miệng, không còn một giọt nước nào, và hơi nóng của chiếc bình tông phả vào miệng bỏng rát. Cổ họng cháy bỏng. Cơ thể như bốc khói. Nóng đã hút hết mồ hôi, hút hết nước bọt. Cái khát gào lên trong từng tế bào của những người lính đang lê lết giữa những cánh rừng trơ trụi.
Tôi đi trong mộng du. Miệng đắng ngắt. Người bồng bềnh như đang bay.
Khoảng 3 giờ chiều, trời đột ngột vần vũ. Một cơn dông ập đến giữa cái nắng điên dại. Và rồi, mưa. Trận mưa đến nhanh lắm. Những hạt nước to đùng rơi xuống mặt cát nóng, phát ra tiếng “xèo xèo” như thể đất trời cũng đang khát cháy. Những người lính reo hò, hả hê như trẻ nhỏ gặp lại mẹ sau trận đòn. Những tấm tăng nilon được căng vội khắp đường hành quân để hứng nước mưa.
Nhưng, trời như trêu ngươi. Cơn mưa đến nhanh rồi cũng đi nhanh như một trò đùa cay nghiệt. Mặt trời lại hiện lên đỏ quạch, nắng lại chói chang.
Cho đến tận lúc này, tôi vẫn nhớ hình ảnh một người lính quỳ xuống ven đường, thè lưỡi đón lấy một giọt nước long lanh đọng trên đầu lá cỏ cong hình lưỡi liềm; hình ảnh những người lính liếm trên mặt tấm tăng, cố kiếm những giọt nước chưa kịp khô trên mặt nilon.
Ai từng trải qua cơn khát mới hiểu giá trị của giọt nước lúc ấy. Khát khiến đầu óc con người trở nên mụ mị. Mọi giác quan lúc ấy chỉ hướng về nước. Tôi vừa bước vừa nghĩ đến cái chết. Giữa cái nắng như thiêu như đốt, tôi bỗng thấy mình đang mơ - một giấc mơ rõ ràng và sâu thẳm. Tôi thấy mẹ đang lúi húi bên bếp lửa hồng, nồi bánh chưng sôi lục bục. Tôi nghe tiếng trẻ con cười rộn ràng ngoài ngõ, thấy cha nghiêm trang châm nén nhang lên ban thờ tổ tiên. Trong giấc mơ chập chờn, cơ thể tôi bồng bềnh trên mặt nước, tôi há miệng tu ừng ực những ngụm nước trên mặt hồ mà môi miệng vẫn đắng ngắt. Tôi cảm nhận, giọt nước lúc ấy quý hơn vàng, quý hơn cả ngàn cái Tết. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy ranh giới giữa cái sống và cái chết mong manh đến thế.
Mãi tới gần Giao thừa, chúng tôi mới tìm thấy nước. Nhưng, đó là thứ nước đen sẫm, tanh nồng mùi bùn và phân động vật. Giữa cái khát đến tê dại sau một ngày hành quân rã rời, không ai còn lựa chọn. Tôi vẫn nhớ hình ảnh lúc ấy, khi tôi lôi chiếc bát sắt trong túi cóc ba lô ra, vục vội vào nồi nước, rồi ngửa cổ dốc cả bát vào miệng, bất chấp đó là thứ nước gì.
Những giọt nước ngọt lịm nơi cuống họng. Uống xong, tôi nằm vật ra võng, ngủ thiếp đi như đã hoàn thành một nhiệm vụ.
Đúng phút Giao thừa thì cơm chín. Cả trung đội xúm quanh chiếc nồi quân dụng, vục những bát cơm đen như bát đất lên ăn với bột canh. Dưới ánh sáng chập choạng của chiếc đèn pin tháo pha, chúng tôi vừa ăn vừa nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng...
Ăn xong, anh Lưu, trung đội trưởng bảo thằng Cánh, anh nuôi, bật lon sữa “Ông Thọ” cuối cùng, pha vào bát nước bùn cho dễ uống. Lúc đang khát, chúng tôi uống nước không cảm giác gì. Nhưng, khi đã ăn no, mùi phân trâu, mùi bùn mục lâu ngày bốc lên nồng nặc, không thể chịu nổi. Nồi nước nóng, đổ thêm một hộp sữa, lấy đũa khuấy lên bỗng biến thành một thứ nước nhờ nhờ, tanh tanh nhưng không còn đen như trước nữa. Con mắt bị đánh lừa, nên những thằng lính túm tụm bên nhau, vừa hút thuốc rê, vừa uống “Cà phê sữa Pailin”, chào đón Giao thừa như đang giữa bữa tiệc.
Cơm xong. “Cà phê sữa Pailin” xong. Cái mệt giờ mới thấm. Tôi lên võng, chìm vào giấc mơ dang dở: bàn tay tôi xòe ra, trên đó là những hạt gạo nếp trắng phau mẹ cất trong lu sành để gói bánh. Trên gióng tre của cái giại trước nhà, chiếc áo nâu cha tôi mặc đi cày về vẫn còn nguyên mùi mồ hôi ngai ngái. Và, con đường làng với những viên gạch xếp nghiêng cứ chao chao dẫn tôi ra bến nước.
Sáng mùng Một Tết, cả trung đoàn bước vào trận đánh, tiến công Pailin. Không ai kịp chúc nhau câu nào. Chúng tôi quần nhau với địch giữa dòng Sake trong vắt, nước ngập ngang bụng. Tiếng đạn của địch, của ta trộn vào nhau như những tràng pháo Bình Đà ngày Tết, tiếng đạn địch bắn xuống dòng suối kêu “xèo xèo”, nước bắn lên tung tóe. Khung cảnh ấy khiến tôi liên tưởng đến một khúc giao hưởng dữ dội của chiến tranh. Và, tôi chợt nghĩ, cuộc đời thật trớ trêu. Mới hôm qua, chúng tôi khát khao từng giọt nước...
*
Sau chiến tranh, tôi cùng đồng đội đã nhiều lần trở lại những cánh rừng Pailin, Cao Melai, hồ Ampin, Svaichek, Thmo Puok... Những nơi từng đỏ lửa, giờ xanh thẳm màu hồi sinh. Người Campuchia hôm nay cày cấy trên chính vùng đất năm xưa đẫm máu. Và, tôi đứng lặng trước bia tưởng niệm đồng đội, cảm thấy mình như một hạt gạo còn sót lại trên sàng.
Tôi từng khiêng những người bạn của mình trên cáng về tuyến sau. Tôi từng chứng kiến đồng đội nằm lại dưới những rừng le, rừng khộp, những người đã không kịp thấy đất nước hòa bình. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong trái tim những người lính chúng tôi, những ký ức ấy không bao giờ phai nhạt. Nó nhắc chúng tôi sống tử tế hơn, yêu đất nước hơn và trân quý từng phút giây bình yên. Bởi vì, đâu đó trong những chiều Ba mươi Tết nơi rừng sâu, có những người đã nằm xuống... để mùa xuân mãi mãi an bình.
Chùm truyện ký của Nguyễn Vũ Điền