Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: ec.europa.eu)
Chọn Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất trong chuyến công du lần này của bà Ursula von der Leyen cho thấy EU hiểu rõ vai trò quan trọng của Ankara với Syria mà EU đang tìm cách can dự. Thổ Nhĩ Kỳ chính là người hậu thuẫn cho lực lượng đối lập lật đổ Tổng thống al-Assad và hiện đang kiểm soát thủ đô Damascus.
Thêm vào đó, “cầu hàng không” mà EC đang muốn thiết lập để chuyển hàng cứu trợ đến Syria sẽ phải qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Rồi việc hồi hương người Syria tị nạn sau nội chiến cũng không thể thiếu vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hiện có hơn 3 triệu người Syria đang lánh nạn.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, những vấn đề chính bà Ursula von der Leyen đưa ra là việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ, ổn định và tái thiết Syria. Đặc biệt, EU quan tâm đến việc ngăn chặn nguy cơ các nhóm khủng bố lợi dụng bất ổn ở Syria để trỗi dậy.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài vấn đề Syria, Ankara chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy việc gia nhập EU, “giấc mơ” bị ngăn cản suốt 37 năm qua bởi mâu thuẫn về vấn đề nhân quyền, dân chủ và độc lập tư pháp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU.
Song, vị thế của Ankara đang thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác kinh tế lớn của EU với thương mại song phương năm 2023 đạt 206 tỷ Euro. Nước này từng tự tin tuyên bố có thể giúp EU trở thành thế lực toàn cầu. Bản thân EU cũng thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ là một nhân tố chủ chốt trong khu vực. Nay việc ngăn chặn nguy cơ tái diễn kịch bản kinh hoàng với Syria như ở Iraq, Libya và Afghanistan cũng phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là những con bài có sức nặng mà Ankara tận dụng để mở cánh cửa vào EU khi thảo luận với bà Ursula von der Leyen về tương lai Syria.
TIẾN THÀNH