Các trường hợp phải được chấp thuận về phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không
Theo Điều 12 và khoản 1 Điều 13 Nghị định số 198/2025/NĐ-CP của Chính phủ, UBND cấp tỉnh khi quy hoạch không gian đô thị, khu nhà ở cao tầng, khu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp, khu kinh tế, khu đặc thù, khu công nghệ cao phải có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng về bề mặt phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp các công trình nêu trên vượt khỏi bề mặt giới hạn về phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng của địa phương phải tuân thủ đúng quy định về phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của các trận địa phòng không và phải có văn bản thống nhất với cơ quan quân sự địa phương cùng cấp về bề mặt phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không theo quy định.
Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 198/2025/NĐ-CP quy định hệ thống cột, tuyến đường dây tải điện cao thế, cáp treo và các công trình điện gió; công trình nằm trong phạm vi ảnh hưởng và tiếp giáp với các khu vực bố trí trận địa phòng không cũng phải được chấp thuận về phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không.
Phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không tương ứng với góc che khuất; khoảng cách tối thiểu nhằm bảo đảm an toàn kỹ thuật của trận địa phòng không với chướng ngại vật phòng không thực hiện theo quy định sau:
Kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu bảo đảm an toàn phòng không với phát triển kinh tế-xã hội
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 198/2025/NĐ-CP, nguyên tắc đầu tiên về quản lý phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không là trận địa phòng không phải được bảo đảm an toàn cho các hoạt động bình thường để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời và xử lý tình huống tác chiến phòng không.
Nguyên tắc thứ hai là quản lý phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không phải kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu bảo đảm an toàn phòng không với yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về trách nhiệm, cơ quan quân sự địa phương, đơn vị phòng không trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương quản lý, ngăn ngừa vi phạm quy định về phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không.
Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm xử lý vi phạm đối với những trường hợp vi phạm quy định về quản lý phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không theo quy định của pháp luật.
Thủ tục đề nghị chấp thuận phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không được quy định tại Điều 14 Nghị định số 198/2025/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận độ cao chướng ngại vật:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận độ cao chướng ngại vật thực hiện theo Mẫu số 01-ĐNCTĐC (đối với tổ chức) và Mẫu số 02-ĐNCTĐC (đối với cá nhân) tại Phụ lục II ban hành kèm theo nghị định này;
Mẫu đơn đề nghị chấp thuận độ cao chướng ngại vật đối với tổ chức.
Mẫu đơn đề nghị chấp thuận độ cao chướng ngại vật đối với cá nhân.
b) Bản sao bản đồ hoặc sơ đồ không gian, vị trí khu vực xây dựng công trình có đánh dấu vị trí xây dựng công trình;
c) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan cấp phép xây dựng hoặc chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình lập 1 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng. Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến thì gửi bản điện tử hoặc bản sao điện tử các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận độ cao công trình của tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư gửi về Bộ Quốc phòng bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng.
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phân cấp thẩm quyền giải quyết đề nghị chấp thuận về phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không.
Thời gian giải quyết đề nghị chấp thuận về phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không
Quy định giải quyết đề nghị chấp thuận về phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không được nêu tại Điều 15 Nghị định số 198/2025/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
1. Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có trách nhiệm giải quyết đề nghị chấp thuận về phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không thẩm định và có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận gửi trực tuyến đến tổ chức, cá nhân theo địa chỉ ghi tại đơn đề nghị của tổ chức, cá nhân; đồng thời, gửi bằng văn bản điện tử đến cơ quan cấp phép xây dựng địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan biết theo thời hạn sau đây:
a) 10 ngày làm việc đối với các dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị, khu nhà ở cao tầng, khu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp và các công trình được quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này;
b) 15 ngày làm việc đối với các dự án xây dựng khu kinh tế, khu đặc thù, khu công nghiệp cao;
c) 20 ngày làm việc đối với các dự án cáp treo, đường dây tải điện cao thế có chiều dài dưới 100km, hệ thống các trạm thu, phát sóng vô tuyến số lượng từ 10 đến 50 trạm;
d) 30 ngày làm việc đối với các dự án đường dây tải điện cao thế có chiều dài trên 100km, hệ thống các trạm thu, phát sóng vô tuyến số lượng trên 50 trạm.
2. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Quốc phòng có văn bản điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận độ cao công trình biết để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
3. Trường hợp không chấp thuận về độ cao công trình, trong thời hạn 7 ngày làm việc, Bộ Quốc phòng trả lời bằng văn bản điện tử, nêu rõ lý do.
4. Văn bản chấp thuận độ cao công trình có những nội dung cơ bản sau:
a) Tên, tính chất, quy mô công trình;
b) Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình;
c) Vị trí công trình: Địa chỉ hành chính, tọa độ địa lý theo hệ tọa độ WGS-84 (theo kinh độ, vĩ độ thuộc độ, phút, giây) và VN 2000 nếu công trình nằm ngoài khu vực lân cận sân bay;
d) Độ cao tối đa của công trình được phép xây dựng so với cốt đất tự nhiên hoặc so với mực nước biển trung bình;
đ) Thời hạn có hiệu lực của văn bản chấp thuận độ cao của công trình;
e) Các điểm lưu ý khác (nếu có).
QĐND