Những công trình kiến tạo tương lai

Những công trình kiến tạo tương lai
6 giờ trướcBài gốc
Sau khi hợp nhất hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, tỉnh Lào Cai (mới) trở thành cực tăng trưởng quan trọng ở khu vực, đồng thời giữ vai trò trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ giao thương quốc tế. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đã và đang được triển khai, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và đột phá của tỉnh trong tương lai.
Ngày 26/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 1274/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đi qua địa phận của 2tỉnh gồm: Lào Cai và Phú Thọ, tổng mức đầu tư hơn 7.410 tỷ đồng.
Tại tỉnh Lào Cai, đường dây nằm trên địa bàn 13 xã: Xuân Quang, Thượng Hà, Xuân Hòa, Bảo Yên, Phúc Khánh (tỉnh Lào Cai cũ); Khánh Hòa, Tân Lĩnh, Lâm Thượng, Lục Yên, Mường Lai, Cảm Nhân, Yên Thành, Thác Bà (tỉnh Yên Bái cũ). Chiều dài tuyến khoảng 139,66 km với 273 vị trí cột (Lào Cai cũ 100 vị trí, Yên Bái 173 vị trí), 132 khoảng néo.
Dự kiến khi hoàn thành, sẽ góp phần đảm bảo truyền tải công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và các tỉnh lân cận lên lưới điện quốc gia; tạo liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
Tỉnh Lào Cai xác định, Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Để khẳng định quyết tâm và tạo đồng thuận trong Nhân dân, ngay khi công bố hướng tuyến Dự án, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với EVN và kết nối tới các xã nơi Dự án đi qua nhằm tuyên truyền về công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, sau khi Dự án hoàn thành sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên Lào Cai quyết tâm cao nhất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vượt trước tiến độ EVN và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu.
Dự án đã và đang nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của Nhân dân cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương.
Trên công trường, đội ngũ công nhân, kỹ sư của các gói thầu luôn quyết tâm thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý Dự án Điện 1, các gói thầu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang đạt tiến độ nhanh nhất toàn tuyến.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025 với tổng chiều dài tuyến chính là 390,9 km. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai có chiều dài 143,29km.
Điểm đầu tại vị trí nối ray với Trung Quốc, điểm cuối tại phường Âu Lâu, tỉnh Lào Cai. Trên tuyến bố trí 18 ga (3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp) và 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật; trong đó, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 4 nhà ga và 5 trạm tác nghiệp kỹ thuật.
Tổng vốn đầu tư của Dự án là 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành chậm nhất vào năm 2030. Dự án có ý nghĩa chiến lược trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc, chạy theo hành lang Đông - Tây, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng - một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.
Đồng thời, Dự án kết nối vận tải đường sắt với Trung Quốc, trực tiếp là khu vực Tây Nam có khoảng 500 triệu dân và đang phát triển rất mạnh.
Đối với tỉnh Lào Cai, đây chính là cơ hội lịch sử, “có một không hai” để bứt phá, định hình tương lai phát triển trong nhiều thập kỷ tới, góp phần sớm đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Dự án sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào quá trình xây dựng, cung cấp vật liệu, dịch vụ logistic, đồng thời sẽ tạo việc làm, cơ hội sinh kế giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Dự án nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Quốc hội đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù riêng để triển khai Dự án, thể hiện sự ưu tiên chiến lược dành cho phát triển hạ tầng giao thông đường sắt. Công tác chuẩn bị đầu tư được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, quyết liệt và đặt ra yêu cầu tiến độ rất cao: sẽ khởi công xây dựng vào ngày 19/12/2025.
Bên cạnh cơ hội to lớn là khối lượng công việc khổng lồ, đặc biệt đối với công tác giải phóng mặt bằng.
Tại tỉnh Lào Cai cũ, diện tích phải thu hồi đất là 652 ha, di dời 774 hộ dân và 104 cơ sở sản xuất; tỉnh Yên Bái cũ dự kiến phải di chuyển khoảng 1.000 hộ dân. Đây là nhiệm vụ chưa từng có về quy mô và tính chất, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện và quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Tỉnh ủy Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; ban hành kế hoạch chi tiết và chỉ đạo quyết liệt với mục tiêu hoàn thành việc thống kê, kiểm đếm trong tháng 5/2025; chi trả bồi thường trong tháng 6/2025 và phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2025.
Với ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của Dự án, cả hệ thống chính trị đã nghiêm túc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức triển khai song song các công việc, kiên quyết không để việc sau chờ việc trước, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, làm việc “xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”.
Cùng với hai Dự án trọng điểm quốc gia này, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang triển khai nhiều dự án quan trọng khác, trong đó, có thể kể đến Dự án Cảng Hàng không Sa Pa. Sau nhiều năm gặp khó khăn tìm nhà đầu tư, đến năm 2024, Dự án đã có giải pháp tháo gỡ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 21/12/2024 với tổng mức đầu tư 6.949 tỷ đồng.
Tiếp tục tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải đa phương thức, bền vững và hội nhập quốc tế....
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa I
Đối với Dự án nâng cấp đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai) theo quy mô 4 làn xe, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Lào Cai, tại chuyến công tác ngày 22/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) xác định rõ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai và đề xuất phương án đầu tư khả thi để khởi công Dự án trong năm 2025.
Cùng với đó, Dự án cầu đường bộ vượt sông Hồng tại khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc) cũng đang được triển khai tích cực. Đây là công trình trọng điểm không chỉ của tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) mà còn là của cả hai quốc gia, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, tình hữu nghị lâu đời và quyết tâm phát triển kinh tế, giao thương bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trước đó, Dự án Đường nối Quốc lộ 37, Quốc lộ 32C với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được khánh thành. Dự án vừa tạo ra một tuyến đường kết nối trực tiếp, rút ngắn khoảng cách giữa các quốc lộ huyết mạch với cao tốc vừa mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội cho địa phương.
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 khẳng định tiếp tục tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải đa phương thức, bền vững và hội nhập quốc tế.
Những dự án phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng kết nối được đầu tư xây dựng càng khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trở thành tỉnh phát triển toàn diện vào năm 2030. Đây là động lực kiến tạo tương lai phát triển bền vững - thể hiện khát vọng đưa Lào Cai phát triển mạnh trong kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên vươn mình.
Mạnh Dũng - Mạnh Cường
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/nhung-cong-trinh-kien-tao-tuong-lai-post648569.html