Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến
Trong nhiều nhiệm kỳ, các cấp lãnh đạo thành phố Đồng Xoài luôn nhìn nhận, đánh giá việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, là nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng bài toán đặt ra với nhiều thế hệ lãnh đạo đó là nguồn lực có hạn nhưng nhu cầu xây dựng thì lớn. Nhận thấy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dân vận giúp dân hiểu, dân tin, cùng chính quyền xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, năm 2021, Thành ủy, UBND thành phố Đồng Xoài đã phát động phong trào “Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến” để thực hiện các công trình, dự án giao thông. Phong trào đã thực sự làm thay đổi cảnh quan thành phố, cải thiện đáng kể đời sống người dân.
“Ngân sách thành phố hạn chế nên việc triển khai chương trình dân vận khéo “Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến” có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thứ nhất, đó là tiết kiệm chi ngân sách cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Thứ hai, qua đó huy động được nguồn lực của xã hội trong đầu tư phát triển” - ông Ngô Hồng Khang, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài chia sẻ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước và TP. Đồng Xoài cắt băng khánh thành tuyến đường Phan Bội Châu, phường Tân Bình
Sau 4 năm hưởng ứng phong trào này, các hộ dân ở thành phố Đồng Xoài đã hiến hơn 115 ha đất để xây dựng các tuyến đường giao thông, tương đương khoảng 926 tỷ đồng, có hộ dân sẵn sàng hiến 7.000m2 đất nội ô, trị giá 20 tỷ đồng. Kết quả, đã có 199km đường giao thông các loại được vận động giải phóng mặt bằng và nhiều con đường đã thông tuyến.
Hưởng ứng phong trào này, tiêu biểu nhất là gia đình ông Nguyễn Hữu Đây ở khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài. Năm 2022, gia đình ông Đây hiến 7.000m2 đất và tự nguyện tháo dỡ, di dời 2 căn nhà cấp 4, với tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng, để bàn giao cho thành phố triển khai thi công đường Phan Bội Châu. Ông Đây cũng là cá nhân duy nhất của tỉnh Bình Phước và là một trong 68 cá nhân toàn quốc được Đảng, Nhà nước tuyên dương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Nguyễn Hữu Đây, người hiến 7000m2 đất làm đường Phan Bội Châu, nhân dịp khánh thành tuyến đường
Gia đình ông Trần Quốc Việt ở khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình cũng đồng thuận hiến gần 4.900m2 đất để mở đường vành đai phía Nam thành phố Đồng Xoài. Đây là tuyến đường rất quan trọng, kết nối quốc lộ 14 với ĐT741, nhằm giảm tải lưu lượng giao thông ra vào nội ô thành phố. Nói về việc làm của mình, ông Việt cho biết: “Khi mở đường, gia đình mình cũng được lợi ích về kinh tế, lại có đường cho bà con đi, nói chung Nhà nước và người dân đều có lợi. Vì vậy, gia đình đã đồng thuận”.
Gia đình ông Phùng Văn Hệ ở khu phố 5, phường Tiến Thành đã tình nguyện hiến 3.000m² đất cao su đang cho thu hoạch để Nhà nước làm đường. Sau khi hiến đất, ông đã thuê người cắt cây, bàn giao mặt bằng để thành phố sớm triển khai tuyến đường. Không chỉ “mất” đất, mỗi năm gia đình ông còn “thất thu” gần 20 triệu đồng tiền cạo mủ cao su trên phần đất đã hiến. Ông Hệ chia sẻ, vì lợi ích chung của người dân và mong muốn dự án sớm hoàn thành để có tuyến đường khang trang, bà con đi lại thuận tiện nên gia đình sẵn sàng hiến đất.
“Quả ngọt” từ ý Đảng - lòng dân
Khi “ý Đảng - lòng dân” đã hợp, không chỉ phong trào thảm nhựa các tuyến đường giao thông nông thôn mà các công trình trọng điểm của tỉnh cũng đã có sự đồng thuận.
Phú Riềng - một huyện thành lập sau cùng của tỉnh Bình Phước, vì vậy nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông để phát triển kinh tế rất lớn. Huyện xây dựng 16 dự án giao thông trọng điểm, vừa liên kết vùng vừa góp phần phá thế độc đạo của một số tuyến đường để thôn nối thôn, xã nối xã. Để thực hiện được chủ trương này, nếu chỉ dựa vào ngân sách thì rất khó. Do vậy, nhiều năm qua, huyện Phú Riềng xác định phải lấy sức dân làm lợi cho dân. Công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận hiến đất được các cấp, ngành, địa phương triển khai hiệu quả. Từ đó đã huy động sức dân, vận động giải phóng mặt bằng 13 công trình xây dựng đường giao thông với tổng 1.778 hộ hiến đất, tổng diện tích thu hồi 85,2 ha. Những con đường “ý Đảng - lòng dân” được hình thành, làm thay đổi diện mạo nông thôn Phú Riềng trong niềm hân hoan của người dân.
Tuyến đường qua xã Long Hưng, huyện Phú Riềng trang trí rực rỡ cờ, hoa đón mừng xuân mới - Ảnh: Vũ Thuyên
“Khi nghị quyết đúng phải có phương pháp làm đúng. Việc phân tích, giải thích, thuyết phục, đó là một trong những phương pháp mà chúng tôi cho rằng rất hiệu quả. Khi phân tích, giải thích, thuyết phục, người dân thấy có lợi cho dân mà không phải lợi cho cán bộ, hay một cá nhân lãnh đạo nào thì từ đó sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân sẽ rất lớn”.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng NGUYỄN THỊ XUÂN HÒA
Với quyết tâm năm 2025, huyện Phú Riềng về đích nông thôn mới, ngay từ năm 2020, huyện đã tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm. Mục tiêu là quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trung tâm các xã trong phạm vi và điều kiện thực tế của huyện. Đến nay, huyện Phú Riềng đã đầu tư xây dựng 10 cầu bê tông xi măng và hơn 341km đường giao thông các loại, tổng kinh phí 1.620,966 tỷ đồng. Vận động 2.476 hộ dân hiến đất giải phóng mặt bằng xây dựng 17 công trình giao thông với 2.817 thửa, 179,35 ha đất thu hồi. Nhiều tuyến đường được nâng cấp mở rộng và làm mới như Bù Nho - Phước Tân, Bình Sơn - Long Hưng, Phú Trung - Phước Tân…
Giao thông là động lực phát triển
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng, Bình Phước xác định đầu tư cho giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội và để thu hút đầu tư. Do vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng nhiều nghị quyết ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực này. Nhờ đó đến nay, diện mạo giao thông của tỉnh phát triển vượt trội, kết nối đồng bộ, hiện đại.
Nếu năm 1997, tỉnh Bình Phước chỉ có khoảng 103 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1.200km, trong đó 84% là đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất thì đến nay, toàn tỉnh đã có 2.855 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 9.110km. Trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch với điểm nhấn là 3 quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 228,9km. Bên cạnh đó, hệ thống đường tỉnh cũng được xây dựng đồng bộ, gồm 15 tuyến, với tổng chiều dài 544,18km; đường huyện và các tuyến đường huyết mạch tới xã, thị trấn được nhựa hóa 100%...
“Qua phong trào hiến đất mở đường tôi thấy rằng, một khi phát huy được nội lực của nhân dân và nguồn lực trong toàn xã hội để chăm lo lợi ích chung thì dù việc nhỏ, việc to mà người dân đã thấy, đã rõ, đã tin thì chắc chắn các cấp chính quyền triển khai đều rất thành công”.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh HÀ ANH DŨNG
Một mùa xuân mới đang về, mang theo niềm tin và ước vọng trên các công trình đã và đang xây dựng. Có những con đường chạy dài hút tầm mắt, cũng có những con đường chỉ vài trăm mét, thế nhưng tất cả sẽ vững bền theo năm tháng vì đó là những công trình “thuận theo lòng dân, từ lòng dân mà ra”… Sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã, đang tạo nên những mùa xuân ngay từ những con đường.
Hiền Lương