Những 'đại điền' nghĩ xa, làm lớn: (Kỳ I)- Niềm tin làm giàu trên những mảnh ruộng hoang hóa

Những 'đại điền' nghĩ xa, làm lớn: (Kỳ I)- Niềm tin làm giàu trên những mảnh ruộng hoang hóa
6 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, máy bay không người lái được các đại điền sử dụng phổ biến trong việc gieo hạt, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân cho lúa, giúp giảm đáng kể chi phí trong sản xuất nông nghiệp.
Gom góp những mảnh ruộng hoang hóa thành những ô thửa lớn, đưa máy móc vào thay thế sức người - đó là cách mà các chủ đại điền giảm mạnh chi phí sản xuất, thu về lợi nhuận lớn hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, họ còn tiên phong trong việc tiếp cận và thực hành nông nghiệp hữu cơ, bền vững, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho cả cộng đồng.
Những “vua lúa” thời đại mới
“Bà con nông dân bỏ ruộng nhiều quá. Nhìn những thửa ruộng “bờ xôi ruộng mật” để hoang hóa tiếc lắm! Tôi vẫn luôn tin mình có thể làm giàu từ ruộng”- ông Trịnh Viết Chiến (thôn Kim Phú, xã Ninh Khang, thành phố Hoa Lư), một chủ đại điền mở đầu câu chuyện.
Rồi ông phân tích: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mỗi nhà 2-3 sào ruộng thì không thể đưa máy móc đồng bộ vào được, làm thủ công thì tốn thời gian, tốn chi phí mà không có lãi. Chính vì vậy mà hiện nay nông dân không còn tha thiết, bỏ đồng ruộng rất nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu những mảnh ruộng này được gom góp lại thành những ô thửa lớn để đưa cơ giới hóa vào thì chắc chắn chi phí sản xuất sẽ giảm đi rất nhiều và người nông dân sẽ có lãi.
Nghĩ là làm, ngay từ năm 2002, ông Chiến bắt đầu đi gom ruộng trong dân, những hộ nào không có nhu cầu sản xuất nữa thì ông đều thuê lại, ban đầu là 2 mẫu rồi 10 mẫu và dần dần lên đến hơn 300 mẫu. Không chỉ máy cày, máy bừa, máy gặt, ông còn mạnh tay chi tiền tỷ để mua hàng loạt các máy móc hiện đại khác như giàn gieo mạ, máy cấy, máy bay không người lái về để phục vụ công việc đồng áng của mình.
“Làm ruộng lãi được đồng nào là tôi lại đổ vào mua máy móc. Cơ giới hóa đồng bộ 100% nên gieo cấy cả trăm mẫu ruộng chỉ cần 10-15 ngày là xong. Nếu như thông thường chi phí sản xuất 1 sào lúa sẽ vào khoảng 1,2 triệu đồng/sào thì tôi chỉ làm hết 700-800 nghìn đồng/sào, tức là giảm gần một nửa. Mấy năm trở lại đây, lúa được giá, mỗi năm tôi “kéo được một cái ô tô từ dưới ruộng lên”-Ông Chiến hài hước nói nhưng ý của ông ở đây là mỗi năm cũng kiếm được 6-7 trăm triệu đồng.
Theo ông Chiến, để có được thành quả này là gian nan, cực nhọc nhưng đó là niềm vui, niềm tự hào của ông vì đã trả lời được câu hỏi của rất nhiều người rằng làm ruộng có giàu được không. Ở huyện Yên Khánh, anh Phạm Văn Hướng cũng là một chủ đại điền có tiếng khi quy tụ tới 100 ha ruộng.
Cũng giống ông Chiến, xót xa khi thấy đất đai mầu mỡ mà để cỏ dại mọc, từ năm 2013, anh Hướng đã lại công việc kỹ thuật ở công trường để trở về quê khởi nghiệp với nghề nông. Ngoài phần ruộng của gia đình, anh đi khắp làng trên, xóm dưới “ôm” hết những diện tích đất nông nghiệp hoang hóa ở địa phương.
Những cánh đồng bị bỏ hoang, chỉ để cỏ dại mọc khi xưa qua bàn tay của anh Hướng đã được cải tạo thành cánh đồng lúa xanh mướt trải dài “không dấu chân”. Nói “không dấu chân” bởi sau hơn 10 năm tích lũy, anh đã sắm cho mình giàn máy nông nghiệp đồng bộ, bao gồm: 3 máy làm đất, 2 máy cấy dắt tay, 5 máy gặt, 2 máy cuộn rơm, 2 máy bay không người lái và 1 xe tải. Mọi công đoạn trong sản xuất lúa giờ đây đều được cơ giới hóa.
Anh Hướng chia sẻ: Nhờ dàn máy móc này mà tôi tiết kiệm được rất nhiều nhân công lao động, mỗi máy tôi giao đứt cho 1-2 người vận hành, chỉ cần 10 người là “chạy ro ro” tất cả các quy trình. Cũng theo anh Hướng, làm lúa tuy lợi nhuận không cao bằng các cây trồng khác nhưng ổn định, rất ít khi bị mất mùa hay rớt giá sâu. Như vợ chồng anh làm hơn chục năm nay, chưa năm nào thua, năm ít thì thu vài trăm triệu, năm nhiều như năm 2024 vừa qua thì phải ngót 1 tỷ đồng.
Đồng chí Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Khoảng chục năm trước, bắt đầu xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ vụ, không canh tác. Trong bối cảnh đó, một số nông dân đã mạnh dạn mượn lại ruộng của bà con để tiến hành canh tác, phát triển quy mô lớn.
Cùng với chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh đã tạo nên những chuyển biến lớn, giúp các hộ tích tụ ruộng đất có điều kiện mua sắm máy móc, thêm yêu và gắn bó với đồng ruộng. Vượt qua khó khăn bước đầu, nhiều người đã thành công. Rõ ràng là nông dân nếu có quy mô đất đủ lớn thì có thể làm giàu và rất giàu.
Mở cánh cửa nông nghiệp xanh
Trong xu thế hội nhập, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, liên kết là nhu cầu bức thiết, điều kiện mang tính sống còn. Chính vì vậy, cuối năm 2024, những đại điền ở Ninh Bình đã đoàn kết, tập hợp lại trong ngôi nhà chung là Câu lạc bộ (CLB) Đại điền Ninh Bình.
Ban đầu chỉ có 18 thành viên, nhưng hiện nay đã lên tới 45 thành viên với hơn 800 ha đất sản xuất lúa phủ khắp trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo nên cộng đồng nông dân hợp tác bền vững. “Đang trong thời vụ gieo cấy mà mình thiếu mạ, thiếu giống, cần máy móc gì nhắn lên nhóm zalo, ngay lập tức được anh em hỗ trợ. Hay lấy thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ở đâu chất lượng, giá tốt, dùng thuốc chuột nào hiệu quả... cũng đều được chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi các thành viên cùng nhau mua chung vật tư với số lượng lớn sẽ được nhận thêm nhiều ưu đãi từ đơn vị cung cấp. Ngoài ra, chúng tôi còn thành lập tổ dịch vụ chung giúp phát huy hết năng lực máy móc… Từ đó, tiết kiệm chi phí, nhân công, gia tăng nguồn thu.”-anh Vũ Văn Bắc ở xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, thành viên CLB cho biết.
Việc thành lập CLB Đại điền, theo anh Phạm Văn Hướng, Chủ tịch CLB là nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, tiết kiệm, hiệu quả trong việc tổ chức sản xuất. Tuy nhiên mục tiêu lớn hơn của CLB trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư vào sản xuất hiện đại để tiết kiệm chi phí, nhân công và “đẩy” lợi nhuận lên mức cao nhất. Bên cạnh đó, tiến tới sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững.
Dẫn chúng tôi đi thăm 4 ha lúa chất lượng cao thử nghiệm sản xuất theo hướng hữu cơ ở vụ Đông xuân này, ông Trịnh Viết Chiến cho biết: Cánh đồng này từ đầu vụ tới nay ông chưa hề bón bất kỳ một loại phân hóa học nào mà sử dụng toàn bộ bằng phân hữu cơ. Do vậy cây lúa không xanh tốt bằng các ruộng khác nhưng đổi lại lá vàng, cứng hơn và sâu bệnh cũng ít hẳn.
Ông chia sẻ: Tôi đang muốn cùng anh em Đại điền xây dựng một thương hiệu gạo sạch của Ninh Bình để đưa ra thị trường, trước tiên là phục vụ người dân trong tỉnh, khách du lịch. Không còn con đường nào khác, đã đến lúc phải thay đổi, tiến tới một nền sản xuất bền vững hơn.
Đồng chí Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Tới đây chúng tôi đang tính toán hỗ trợ các thành viên CLB Đại điền thí điểm ứng dụng máy san phẳng ruộng bằng tia laser, đây là tiền đề để áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến khác vào sản xuất.
Ngoài ra, là các mô hình tưới nước tiết kiệm, canh tác lúa tiên tiến như SRI, IPM, IPHM sẽ giúp các đại điền giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như giảm chi phí, giảm thất thoát, giảm phát thải và tăng năng suất lao động, tiết kiệm và nâng cao hiệu suất sử dụng vật tư đầu vào; tạo ra sản phẩm chất lượng, tiến tới xây dựng được thương hiệu.
Bên cạnh đó, trong tương lai, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từng bước hoạt động trồng lúa sẽ hình thành thị trường mua bán chứng chỉ khí thải, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Kỳ II: Những rào cản cần tháo gỡ
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/nhung-dai-dien-nghi-xa-lam-lon-ky-i-niem-tin-lam-giau-tren-592720.htm