“Tôi không thể thay đổi quá khứ, nhưng tôi hy vọng mình có thể góp sức để tương lai trở nên tốt đẹp hơn”, Hugh Willis-một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam-chia sẻ.
Cách đây 56 năm, Willis thực hiện nhiệm vụ với tư cách cố vấn tại Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy đóng ở Pleiku (Gia Lai). Willis cho biết: “Lúc đó, chúng tôi đến Việt Nam với suy nghĩ rằng mình đang góp phần bảo vệ Hiệp định Geneva năm 1954. Nhưng chúng tôi đã lầm. Người Việt Nam có quyền đối với đất nước của mình, không nước nào có quyền can thiệp quân sự vào Việt Nam. Những người đứng đầu nước Mỹ lúc bấy giờ không hiểu tình hình Việt Nam, không hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ cũng không hiểu được nỗi khao khát của người dân Việt Nam, ý chí của dân tộc Việt Nam. Họ chỉ nhìn thấy chủ nghĩa cộng sản và ra sức chống lại chủ nghĩa cộng sản bằng mọi giá. Tôi đã nhận ra điều đó từ những gì mắt thấy, tai nghe ở Việt Nam”.
Ông Hugh Willis trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: VĂN HIẾU
Dù không trực tiếp cầm súng nhưng Willis biết những điều khủng khiếp mà chiến tranh đã gây ra. “Chiến tranh cướp đi hàng triệu sinh mạng người dân Việt Nam và với nước Mỹ, con số này cũng không hề nhỏ. Vậy nhưng, chúng ta được gì từ cuộc chiến đó? Chẳng có gì cả, chỉ toàn đau thương, chết chóc và những căn bệnh đeo bám từ thế hệ này sang thế hệ khác”, giọng Willis nghẹn lại khi nhắc về sự tàn khốc của chiến tranh.
Với nỗi ám ảnh quá khứ, dù muốn nhưng Willis không đủ dũng khí trở lại Việt Nam. Mãi cho đến năm ngoái, trong một lần chia sẻ với con trai, ông đã được con ủng hộ và lên kế hoạch cho chuyến đi lần đầu tiên sau hơn 50 năm. Con trai Willis hy vọng rằng ông có thể tận mắt chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam và điều đó sẽ giúp ông tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.
Trong chuyến đi này, Willis cùng hai con trai đã đến những chiến trường xưa nơi ông từng thực hiện nhiệm vụ. Họ cũng đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An, tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng lịch sử... Willis rất xúc động khi được xem lại những hình ảnh lịch sử. Điều đó khiến ông cảm nhận rõ ràng người Việt Nam đã vượt qua nỗi đau chiến tranh một cách phi thường và tiến xa như thế nào.
“Tôi hạnh phúc khi được đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và chứng kiến sự bùng nổ kinh tế đang diễn ra ở đây. Khi một lần nữa ngắm nhìn vẻ đẹp của vùng cao nguyên, vẻ đẹp của những thành phố ven biển Việt Nam, tôi cảm thấy bản thân thật may mắn, nhưng đồng thời cũng cảm thấy một nỗi tiếc nuối. Giá như chiến tranh chưa từng xảy ra, hàng triệu người sẽ không phải chết. Tôi sẽ không bao giờ quên những sai lầm mà chúng tôi đã gây ra cho các bạn, những việc mà chúng tôi đã làm với người dân Việt Nam. Chính chúng tôi đã buộc các bạn phải cầm súng chiến đấu để giành lại quyền độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh của Việt Nam đã phải tiếp tục cuộc chiến-điều mà họ không bao giờ mong muốn”, nỗi day dứt hằn sâu trên gương mặt của Willis, ánh mắt ông đượm buồn.
Sau khi trở lại Mỹ từ chuyến thăm Việt Nam, Willis biết bản thân cần phải làm nhiều hơn nữa để bài học chiến tranh Việt Nam không bao giờ cũ và những nỗi đau đang đeo bám người dân Việt Nam phần nào được xoa dịu. Chỉ 3 tháng sau chuyến đi đầu tiên, ông quyết định một lần nữa trở lại Việt Nam. Lần này ông tham gia đoàn Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) của Mỹ, với chương trình tìm hiểu về hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam và những sáng kiến hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Bên cạnh đó, đoàn cũng tham gia các sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP Hồ Chí Minh.
Willis chia sẻ rằng ông tự hào khi được góp một phần nhỏ vào việc khắc phục hậu quả do chiến tranh gây ra, góp một phần nhỏ vào việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Dù Willis biết rằng điều này không thể thay đổi quá khứ nhưng ông hy vọng thế hệ trẻ của hai nước có thể nhìn vào những nỗ lực này để thấy được tương lai mà hai nước đều mong muốn hướng tới.
THƯ HẠNH HIẾU