Những đề xuất không hy vọng được chấp nhận

Những đề xuất không hy vọng được chấp nhận
11 giờ trướcBài gốc
Cuộc họp này đã bị hạ cấp xuống cấp kỹ thuật sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Marco Robio từ chối tham dự ở cấp bộ trưởng ngoại giao. Ông M.Robio thể hiện thái độ không hài lòng của phía Mỹ về việc Ukraine và các đồng minh không chấp nhận đề xuất bao gồm 18 điểm của Mỹ về giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Phía Mỹ đưa ra đề xuất này sau hai cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau hai vòng đàm phán giữa ông M.Rubio và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergeij Lavrov và sau ba lần đến Nga của đặc phái viên của Tổng thống Mỹ là ông Steve Witkoff để hội kiến với Tổng thống V.Putin.
Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để thấy, trong khi giữa Nga và Mỹ cho đến nay đã có được sự đồng thuận quan điểm khá cơ bản thì giữa Mỹ với Ukraine và các đồng minh châu Âu lại không được như vậy về định hướng và nội dung của giải pháp cho vấn đề cuộc chiến tranh ở Ukraine. Cả ông D.Trump lẫn ông M.Rubio đều công khai tỏ ra thất vọng và dọa sẽ buông bỏ nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị giúp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Trong đề xuất giải pháp của phía Mỹ có những nội dung mà Ukraine và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cho rằng thuần túy là những điều kiện tiên quyết lâu nay của Nga, như công nhận bán đảo Crimea thuộc về Nga, công nhận sự quản lý trên thực tế những vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga hiện đang kiểm soát, dỡ bỏ những biện pháp, chính sách của phương Tây áp dụng lâu nay nhằm trừng phạt và cấm vận Nga cũng như không bao hàm cam kết của Mỹ bảo đảm an ninh cho Ukraine và không cho Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đề xuất của Ukraine và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu là một dạng "phản đề nghị" đối với đề xuất của Mỹ.
Đề xuất này bao gồm một số nhượng bộ không hẳn dễ dàng đối với Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và NATO, cho Mỹ và Nga. Nhưng mức độ thỏa hiệp chỉ như vậy thôi thì chưa thể đủ để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của Nga hoặc chắc chắn không được phía Nga chấp nhận. Chẳng hạn như trong đấy bao hàm việc cho phép Ukraine duy trì quân đội hùng mạnh; Ukraine được đối tác nước ngoài, trong đó có Mỹ, bảo đảm an ninh - giống như cam kết bảo đảm an ninh trong NATO; cho phép quân đội và vũ khí nước ngoài được triển khai trên lãnh thổ Ukraine; sau ngừng chiến sẽ đàm phán về vấn đề lãnh thổ của Ukraine; sử dụng tài sản của Nga ở nước ngoài đang bị phương Tây phong tỏa để tái thiết Ukraine sau chiến tranh; gắn việc dỡ bỏ các chính sách trừng phạt và cấm vận Nga với việc Nga thực thi thỏa thuận ngừng chiến... Những nội dung này chắc chắn sẽ không được Nga chấp nhận.
Không phải Ukraine và các đồng minh châu Âu của Mỹ không biết trước rằng đề xuất ấy rồi sẽ không được Nga chấp nhận. Tuy nhiên, những nội dung đó vẫn được họ đưa ra, bởi mục đích chính của họ là tranh thủ và níu kéo Mỹ, là thuyết phục Mỹ tin rằng tiến trình giải quyết vấn đề cuộc chiến ở Ukraine trì trệ và bế tắc không phải do họ mà do Nga, để tạo cảm nhận Nga không muốn chấm dứt cuộc chiến.
Đề xuất được đưa ra để lấy tiếng chứ không phải để được phía Nga chấp nhận và để thôi thúc Mỹ không bất chấp họ khi tìm kiếm thỏa hiệp với Nga. Nó báo hiệu Ukraine và các đồng minh ở châu Âu bắt đầu dần giảm bớt những điều kiện tiên quyết.
Đại sứ Trần Đức Mậu
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/nhung-de-xuat-khong-hy-vong-duoc-chap-nhan-700714.html