Những địa danh lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô

Những địa danh lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô
3 giờ trướcBài gốc
Cầu Long Biên đã ghi dấu những cột mốc lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là cột mốc lịch sử đáng nhớ của đất nước ta. Những ngày này, khắp phố phường Hà Nội được trang hoàng rực rỡ bởi màu đỏ của cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Cũng trong dịp này, du khách quốc tế có thể ghé thăm những địa điểm gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội sau:
Cầu Long Biên đã tồn tại hơn 100 trăm qua và là “chứng nhân lịch sử” cho những cột mốc quan trọng của Thủ đô Hà Nội. 16h ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát Thủ đô. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính TP và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.
Hàng vạn người dân Thủ đô, từ già trẻ lớn bé, tay cầm cờ hoa hân hoan vẫy chào đoàn quân giải phóng tạo nên một không khí tưng bừng và náo nhiệt chưa từng thấy, trong tiếng loa phóng thanh đang rộn vang lời hát “Tiến về Hà Nội”.
Trải qua thăng trầm lịch sử, cầu Long Biên vẫn tồn tại và trở nên gần gũi với người dân Thủ đô và trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội và thu hút nhiều khách du lịch tham quan. Nhiều lễ hội và chương trình văn hóa được tổ chức tại đây để chào mừng các sự kiện lớn của TP.
Bắc Bộ phủ là một trong những nơi đầu tiên quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản tại Thủ đô vào ngày trọng đại 70 năm về trước. Tòa nhà Bắc Bộ phủ mang phong cách kiến trúc Pháp cổ điển này được xây dựng vào năm 1918 trên phần đất của chùa Báo Ân xưa. Tòa nhà đã trải hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hiện nay tòa nhà là Nhà khách Chính phủ tọa lạc ở số 12 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ga Hà Nội là một trong những cơ sở đầu tiên quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản từ Pháp. Nhà ga này vẫn nhộn nhịp những chuyến tàu khởi hành ngày đêm suốt 70 năm qua. Khách du lịch từ ga Hà Nội có thể đi Hải Phòng, Sa Pa, Ninh Bình hay xa hơn theo tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi vang lên hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử vào 15h ngày 10/10/1954. Đây là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của Thủ đô, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công từ năm 1901, hoàn thành vào năm 1911. Sau hơn 100 năm, nơi đây là một trong những biểu tượng lịch sử của Thủ đô.
Cột Cờ Hà Nội là "chứng nhân lịch sử" của Thủ đô qua từng năm tháng.
Cột Cờ Hà Nội hay còn gọi là Kỳ đài Hà Nội được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đây là một “chứng nhân lịch sử” cho tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Thủ đô, là nơi diễn ra lễ thượng cờ lịch sử chiều 10/10/1954. Cột cờ Hà Nội nằm tại số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội thuộc khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Cột Cờ Hà Nội được đánh giá là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long.
Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long chính là nơi hội quân của quân đội Nhân dân Việt Nam khi vào tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954. Đoan Môn là một trong những cổng chính dẫn vào Cấm thành. Di tích nằm ở hướng Nam của điện Kinh Thiên thẳng trục với Cột Cờ Hà Nội. Hoàng Thành Thăng Long có địa chỉ tại 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Trải qua thăng trầm lịch sử, Hoàng Thành Thăng Long vẫn là địa điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước.
Đến đây du khách có thể tham quan Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu – Tĩnh Bắc Lâu, Chính Bắc Môn - Cửa Bắc, khu Khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Cổng Hành Cung, những công trình kiến trúc kiểu Pháp, Nhà D76... Ngoài ra, Hoàng Thành Thăng Long có nhiều cây xanh, không khí mát mẻ và yên tĩnh nên không chỉ thu hút du khách quốc tế mà nhiều bạn trẻ cũng rất thích đến đây tìm hiểu lịch sử, chụp ảnh kỷ niệm...
Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long chính là nơi hội quân của quân đội Nhân dân Việt Nam khi vào tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954.
Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm cụm di tích tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, trục đường Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng, nơi cánh quân phía Nam của Đại đoàn 308 đi qua trong buổi sáng 10/10/1954 vào tiếp quản Thủ đô. Tiếp đó là chợ Đồng Xuân, nơi đoàn quân tiếp quản Thủ đô đã đi qua để tiến về hội quân tại Thành cổ Hà Nội. Ngày nay, chợ Đồng Xuân là nơi giao thương tấp nập của các thương lái không chỉ của Hà Nội mà cả nước.
Vào những ngày này, tại nhiều khu vực trên đường phố Hà Nội được trang hoàng rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Người dân Hà Nội cũng thể hiện niềm mừng vui, phấn khởi trước sự đổi thay tích cực của Thủ đô. Hà Nội đã thực sự chuyển mình để phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song vẫn giữ được vẹn nguyên những địa danh lịch sử, văn hóa gắn với truyền thống hào hùng của Thủ đô anh hùng, nghìn năm văn hiến.
70 năm đã qua kể từ ngày Hà Nội được giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024), phát huy niềm tự hào và truyền thống Thủ đô anh hùng - “TP Vì hòa bình”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu để xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, xứng tầm một Thủ đô anh hùng trong thời kỳ hội nhập.
Triệu Tâm
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-dia-danh-lich-su-gan-lien-voi-ngay-giai-phong-thu-do-396859.html