Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza
Theo tờ The Hill (Mỹ), liên quan cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, Tổng thống Trump tuyên bố trong ngày 1/7 rằng Israel đã chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày tại Dải Gaza, mặc dù phía Hamas mong muốn một thỏa thuận dài hạn hơn.
Chi tiết của đề xuất từ phía Mỹ vẫn chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng bao gồm việc gia tăng viện trợ nhân đạo đối với Gaza, nơi đang phải đối mặt với tình hình khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và việc trao đổi tù nhân Palestine để đổi lấy các con tin bị Hamas bắt giữ.
Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, ông Danny Danon, cho biết Israel ước tính Hamas đang giam giữ ít nhất 20 con tin cùng 30 thi thể. Ông đồng thời nói rằng đề xuất từ phía Mỹ là bước ngoặt quan trọng của cuộc xung đột.
Nhóm các nhà hoạt động vì hòa bình người Israel và Palestine - Phoenix Projec - gồm các thành viên đến từ Bờ Tây và Gaza đang tiến hành vận động hành lang để Quốc hội Mỹ ủng hộ khung thỏa thuận hòa bình dài hạn, trong đó bao gồm cả việc công nhận Nhà nước Palestine
Lộ trình giải quyết vấn đề Iran
Thủ tướng Netanyahu cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu trong chuyển thăm Nhà Trắng là để củng cố kết quả các cuộc không kích phối hợp với Mỹ nhằm vào Iran. Theo ông Danon, Israel ủng hộ Mỹ tiếp cận ngoại giao với Iran trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn của do ông Trump làm trung gian đã giúp kết thúc 12 ngày xung đột giữa hai nước.
Tổng thống Trump đã cho phép Trung Quốc mua dầu từ Iran để giúp chính phủ nước này tái thiết đất nước, đồng thời cho rằng không cần thiết phải có một thỏa thuận hạt nhân mới. Nhà đàm phán thân cận nhất của ông Trump, ông Steve Witkoff, được cho là sẽ gặp Ngoại trưởng Iran vào tuần tới.
Ông Danon cho biết lập trường của Israel là Iran phải tuân thủ một cơ chế giám sát nghiêm ngặt đi kèm với các lệnh trừng phạt đối với các hoạt động hạt nhân và cho biết Israel sẽ hành động nếu Iran vượt quá giới hạn. Trước đó, Iran đã thông qua luật đình chỉ hoạt động hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), khiến không ít bên thể hiện sự lo ngại về mức độ minh bạch trong quá trình triển khai các chương trình hạt nhân của nước này.
Ưu đãi đặc biệt trong thỏa thuận thương mại
Mặc dù là một trong những đối tác thương mại tự do đầu tiên của Mỹ, Israel vẫn phải đối mặt với thời hạn 9/7 cho mức thuế 17% của Mỹ.
Theo ông Dan Catarivas, Chủ tịch Liên đoàn Các phòng thương mại song phương Israel, việc đạt được một thỏa thuận có lợi sẽ rất cần thiết để Israel phục hồi sau 2 năm xung đột kéo dài. Ông cho rằng Chính phủ Israel kỳ vọng ông Trump sẽ dành cho Israel “ưu đãi đặc biệt” vì Tel Aviv có quan hệ chặt chẽ với Mỹ về an ninh và hàng hóa xuất khẩu của nước này không phải là một mối đe dọa đối với kinh tế Mỹ.
Ông Catarivas cho biết Israel có thể tìm cách để giảm mức thuế xuống khoảng 10% bằng cách dỡ bỏ rào cản thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Mỹ và hài hòa các tiêu chuẩn với Mỹ liên quan đến ô tô, đồ điện tử và thực phẩm. Ông cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh thương mại thuần túy, quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Israel còn mở rộng sang các lĩnh vực đặc biệt như các dự án nghiên cứu và phát triển chung, tận dụng thế mạnh công nghệ cao của Israel. Một ví dụ điển hình là hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome), minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa nghiên cứu của Israel và năng lực sản xuất của Mỹ.
Trần Hải/Báo Tin tức và Dân tộc