Những điểm nhấn trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Những điểm nhấn trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
26 phút trướcBài gốc
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có diện tích 386.600m2.
Công trình được xây dựng từ năm 2019, tới nay đã hoàn thành giai đoạn một.
Điểm nhấn trước bảo tàng là tháp Chiến thắng có chiều cao 45m, tượng trưng cho dấu mốc năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phần trên cùng của ngọn tháp cắt vát 60 độ, tạo hình ngôi sao 5 cánh trên đỉnh.
Hai khu vực bên trái và bên phải phía ngoài bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật. Phía bên trái, trưng bày các loại vũ khí, trang bị của Quân đội và nhân dân Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và sử dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiêu biểu có: Pháo 85mm; Pháo cao xạ 57mm; Xe tăng PT67 số hiệu 555; Máy bay MiG 17 số hiệu 2047; Máy bay SU22...
Phía bên phải Bảo tàng trưng bày những loại vũ khí, trang bị quân đội Pháp và Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đó là: Các loại pháo, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng.
Đặc biệt có Pháo tự hành M-107 cỡ nòng 175mm được mệnh danh là "Vua Chiến trường" cùng nhiều loại máy bay của quân đội Mỹ bỏ lại sau chiến tranh như máy bay A37, F5E, CH47, C130 và hàng chục loại bom, quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Tòa nhà chính của bảo tàng rộng hơn 23.000m2, nổi bật ở lối vào là chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 có biệt danh "Én bạc", được treo trên các sợi cáp, tạo cảm giác như đang xuất kích chiến đấu. Trong kháng chiến chống Mỹ, có 9 phi công thay nhau điều khiển và đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trên thân của chiếc MiG-21 số hiệu 4324 được in hình 14 ngôi sao màu đỏ, thể hiện 14 máy bay địch bị tiêu diệt, Máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324 vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2015. Đây là một trong 4 bảo vật đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang trưng bày máy bay MiG-21 mang số hiệu 5121. Đây là chiếc tiêm kích do Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân từng điều khiển bắn hạ máy bay B52 vào đêm 27/12/1972.
Pháo 105mm của Đại đội 806 Pháo mặt đất 105mm, số hiệu 14683 do Mỹ sản xuất viện trợ cho Pháp. Bộ đội Việt Nam thu được trong trận đánh đồn Nghĩa Lộ, chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Đây là một trong những khẩu pháo bắn loạt đạn đầu tiên trong trận đánh cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Xe tăng T-54B mang số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng này đã dẫn đầu đội hình vào Sài Gòn. Trên đường đến dinh Độc Lập đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch. Lúc 11h, xe tăng 843 húc vào cổng phụ của dinh Độc Lập, bị chết máy. Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, đã cắm lá cờ lên nóc dinh Độc Lập.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ và trưng bày hơn 150.000 hiện vật, được sắp xếp với bố cục hợp lý. Không gian trưng bày được chia làm 6 chủ đề: Chủ đề 1: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Chủ đề 2: Bảo vệ nền độc lập từ năm 939 đến năm 1858; Chủ đề 3: Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc năm 1858 đến năm 1945; Chủ đề 4: Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1945 - 1954; Chủ đề 5: Cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1954 đến 1975; Chủ đề 6: Xây dựng và bảo vệ đất nước từ 1975-2024.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đang trong quá trình tiếp thu các ý kiến góp ý của chuyên gia để hoàn thiện phần trưng bày và sẽ chính thức mở cửa đón công chúng tham quan từ ngày 1/11.
Dù chưa chính thức mở cửa, nhưng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức đón và hướng dẫn tham quan đoàn các Học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội.
Bảo tàng mới được xây dựng với thiết kế hiện đại, áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp với các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh; thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh cùng hơn 60 video clip giới thiệu về các chiến dịch, những trận đánh và các nhân vật lịch sử mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới.
Những vị khách được trải nghiệm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam từ sớm đều ấn tượng với quy mô của công trình và ý nghĩa của các hiện vật.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam dự kiến sẽ chính thức mở cửa công chúng tới tham quan từ ngày 1/11 và miễn phí toàn bộ vé vào cửa trong 2 tháng đầu tiên (Từ 1/11 đến hết tháng 12/2024).
Hoàng Long - Quỳnh Trang/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/nhung-diem-nhan-trong-bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam-post1127818.vov