Những điều ít biết về nhạc sĩ tuổi Tỵ tài hoa Giao Tiên

Những điều ít biết về nhạc sĩ tuổi Tỵ tài hoa Giao Tiên
5 giờ trướcBài gốc
Nhạc sĩ Giao Tiên tên thật là Dương Trung, sinh năm 1941 tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định với những cả khúc trữ tình như "Nhớ người yêu", "lại nhớ người yêu", "Vó ngựa trên đồi cỏ non", "Cô thắm về làng", "Tình đẹp mùa chôm chôm"… và hàng trăm ca khúc nổi tiếng, đậm chất đồng quê đã ghi sâu vào lòng người yêu âm nhạc.
Nhiều bí mật được "bật mí"
Chúng tôi đến thăm nhà nhạc sĩ Giao Tiên trong một hẻm sâu thuộc phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đón chúng tôi là nhạc sĩ lão thành với nụ cười tươi tắn, giọng nói còn vang, khỏe đang sống cùng vợ và các con.
Nhạc sĩ Giao Tiên bước qua tuổi 84 vẫn miệt mài sáng tác
Cũng hiếm có nhạc sĩ nào như ông, mãi năm 29 tuổi mới bắt đầu sáng tác và các tác phẩm lại đi sâu vào lòng người yêu âm nhạc như vậy. Tâm sự về đời mình, vị nhạc sĩ cho biết thời niên thiếu ở Tam Quan (Bình Định) ông được cho đi học đầy đủ và tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau. Ông rất thích đọc thơ, văn và một trong những tác phẩm truyện thơ ông thích là "Hoa tiên truyện". Trong tác phẩm này, nhân vật chính có tên "Dương Giao Tiên". Điều trùng hợp, Dương lại là họ của ông. Đó là lý do ông lấy nghệ danh là Giao Tiên- cái tên gắn liền với những tác phẩm nổi tiếng.
Ông nhớ lại tác phẩm đầu tay của mình là "Phận gái thuyền quyên" sáng tác vào năm 1970 một cách đầy cảm xúc. Ông cho biết khi học ở trường Trung học Huỳnh Khương Ninh và Trung học Trường Sơn ở Sài Gòn thì anh trai tham gia Cách mạng. Ông bị bắt, khám xét và bị phát hiện các bài thơ chép tay của nhà thơ Tố Hữu. Ông cho biết rất thích thơ của Tố Hữu nên bị bắt đi tù vì... "thân Cộng".
Thời gian ở tù (1962), ông được một số thầy dạy cho thanh nhạc. Sau khi ra tù, ông bị bắt lính nhưng ông đã trốn khỏi địa phương, lưu lạc vào Phước Long (Bình Phước). Năm 1965, khi thăm nhà người bạn ở Sài Gòn ông bị bắt nhưng nhờ có năng khiếu âm nhạc, văn thơ nên ông đưa về làm công tác chính trị, trụ sở đóng gần đài phát thanh.
Chính thời gian này, ông thường xuyên nghe đài phát thanh, tiếp xúc giới văn nghệ sĩ và tác phẩm đầu tiên ra đời là bài "Phận gái thuyền quyên". Bài hát này ông viết tặng ca sĩ ông hâm mộ và được nhà phát hành Nguyên Thảo thời bấy giờ thu âm, phối khí.
Bài hát đầu tay của nhạc sĩ Giao Tiên "Phận gái thuyền quyên"
Bài hát nhanh chóng gây tiếng vang lớn, với lời nhạc như thơ, da diết, nhớ mong của người con gái yêu mà không lấy được người yêu. "Từ nay thôi đành duyên mình lỡ đôi/ Dù vương vấn mãi cũng thế mà thôi/ Khi xưa thầm nói yêu nhau/ Bao nhiêu mộng thắm ban đầu/ Thôi xin đừng tiếc nhớ thương chi…"
Những âm bậc tình yêu
Sau tác phẩm đầu tiên thành công, Giao Tiên tiếp tục con đường sáng tác của mình với nhiều tác phẩm để đời khác như: Hào Hoa, Quán gấm đầu làng, Say, Lời tình viết vội, Yêu lầm…
Đặc biệt, năm 1972, khi ông đang tham gia tuyển ca sĩ ra chiến trường thì có một nữ sinh mới ra trường ứng tuyển. Người con gái ấy tên là Đỗ Yến, một người nhẹ nhàng, khuê các. Ông đã gặp gỡ và khuyên Đỗ Yến không nên tham gia vào việc phục vụ âm nhạc ở chiến trường. Cũng kể từ đó, ông đem lòng yêu thương… và một tác phẩm để đời khai sinh "Nhớ người yêu".
"Đó là một vùng trời yêu thương khi mà cảm xúc dâng trào thì những giai điệu vang lên trong tâm trí. Thơ và nhạc cứ thế tuôn trào"- nhạc sĩ Giao Tiên cho biết.
Đến với tác phẩm "Nhớ người yêu", chắc hẳn những người yêu âm nhạc sẽ không thể quên những câu từ da diết của bài hát: "Thức trọn đêm nay để nhớ thương em/ Anh nghe tình yêu nhắc nhở êm đềm/ Nhớ từng nụ cười ánh mắt/ Nhớ lời ngọt ngào âu yếm/ Tóc em thơm giấc ngủ dịu hiền/ Biết giờ này em có nhớ anh không/ Có nghe tình yêu thức dậy trong lòng/ Đếm từng màu thời gian đến/ Bóng hình người mình yêu mến/ Ôi nhớ gì hơn nhớ người yêu…".
Năm 1973, khi Hiệp định Paris ký kết, vị nhạc sĩ mừng vui viết nên bài "Vó ngựa trên đồi cỏ non" với 10 năm đợi chờ, nghĩ rằng ngày hòa bình lập lại sẽ về lại quê hương. Những năm sau đó, ông viết liên tục viết nhiều bài hát nổi tiếng khác như: "Cô Thắm về làng", "Tình đẹp mùa chôm chôm", "Chung tình"…
Năm 1974, Giao Tiên có tác phẩm "Lại nhớ người yêu", tác phẩm này sau đó được rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước thể hiện thành công bởi những câu từ mộc mạc hòa quyện trong những giai điệu xúc động. "Vì sao anh nhớ em thế này?/ Thương nhớ đong đầy trong lòng mắt/ Buổi chiều còn gặp nhau đây/ mà đêm đã nhớ như vậy? / Em hỡi em có hiểu có hay?"- nhạc sĩ Giao Tiên viết.
Phóng viên Báo Người Lao Động thăm tặng nhạc sĩ Giao Tiên giai phẩm xuân Ất Tỵ
Sau giải phóng, cả gia đình nhạc sĩ Giao Tiên dắt díu nhau về Bù Đăng, tỉnh Sông Bé (tỉnh Bình Phước hiện nay) làm rẫy mưu sinh theo diện kinh tế mới. Năm 1990, ông lại đưa vợ con về Cam Ranh làm lại từ đầu bằng nghề nuôi tôm. Nhưng rồi tôm chết, bán đìa không đủ trả nợ, vợ chồng ông lại chuyển sang nghề gói bánh chưng để nuôi con ăn học. Cuộc đời nhạc sĩ tưởng chừng như đi vào quên lãng…
Bỗng một buổi sáng năm 1994, trong lúc ngồi gói bánh chưng, nhạc sĩ Giao Tiên bất ngờ nghe ca sĩ Đình Văn hát bài "Tình đẹp mùa chôm chôm" do chính ông sáng tác phát ra từ chiếc xe bán kem. Như tìm lại chính mình, nhạc sĩ Giao Tiên sững sờ, ông vội chạy đến người bán kem, tìm hiểu nơi sản xuất bài hát này.
Sau đó, nhạc sĩ Giao Tiên lặn lội đi Sài Gòn tìm về nơi sản xuất và bàng hoàng vì tất cả đều để tên tác giả là một người bạn của mình. Vì bặt tin nhạc sĩ Giao Tiên hơn 20 năm nên người bạn đã tự lấy các tác phẩm của Giao Tiên đổi qua tên mình và bán cho các trung tâm âm nhạc…
Sau này, sự việc được sáng tỏ người bạn đã "trả lại" tên tuổi một nhạc sĩ tài hoa. Cũng kể từ đó, nhạc sĩ Giao Tiên được trở lại là chính mình… Một loạt các bài hát sau đó được ra đời, như: "Hỏi vợ ngoại thành", "20 năm tình đẹp mùa chôm chôm", "Ai Có Qua Cầu", "Mống Chuồn Chuồn" và đặc biệt là chuỗi ca khúc về Cô Thắm (Cô Thắm Gặp Tình Nhân, Cô Thắm Theo Chồng,...).
Ông từng phát hành tuyển tập ca khúc gồm 70 bài để kỷ niệm 70 tuổi. Tuyển Tập Ca Khúc Quê Hương và Tự Tình Dân tộc (2000); Tuyển Tập Ca khúc Chuyện Tình Nơi Làng Quê (2009); Tuyển Tập Thơ Nhạc Cánh Chim Lạc Việt (2009); Tuyển Tập Ca khúc Vó Ngựa trên Đồi Cỏ Non (2010); Tuyển Tập Ca khúc Nhớ Người Yêu (2012); Tuyển Tập Ca khúc Cô Thắm Về Làng (2013)…
Vị nhạc sĩ lý giải về số lượng tác phẩm đồ sộ với hơn 1.600 tác phẩm
Ngoài nghệ danh Giao Tiên, ông còn ký tên hàng loạt bút danh khác khi sáng tác như Dương Trung (tên khai sinh của ông), Diễm Đào, Dương Tiếng Thu, Hoàng Hoa, Xuân Hậu, Xuân Hòa (tên của các con của ông), Đỗ Yến (tên người yêu cũ của ông), Hương Xuân (tên vợ ông), Băng Sơn, Kim Khánh, Ngân Trang, Rạng Đông, Sang Đông, Thảo Trang, Thu Anh, ...
Theo nhạc sĩ Giao Tiên, các tác phẩm của ông đã vượt 1.600 tác phẩm, trong đó sáng tác riêng hoặc viết chung là hơn 350 bài. Số còn lại là phổ nhạc cho thơ theo đơn đặt hàng để mưu sinh. Việc sáng tác nhạc với người nhạc sĩ già cũng tùy theo cảm xúc. Khi đủ cảm nhận, rung động từ các vần thơ thì chỉ cần một vài giờ là ông đã hoàn thành. Có khi cả cả tháng hay vài tháng thì ông mới xong một bài.
Bài và ảnh: Kỳ Nam
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-nhac-si-tuoi-ty-tai-hoa-giao-tien-196250201173105926.htm