Vì sao năm Ất Tỵ được gọi là năm "rắn hai đầu"
Ngày Lập xuân (ngày đầu của tiết Lập xuân) được xác định dựa trên sự thay đổi vị trí của Trái đất trong chu kỳ chuyển động theo quỹ đạo xung quanh Mặt trời. Nếu tính điểm Xuân phân là gốc - khi kinh độ Mặt trời bằng 0 thì vị trí của điểm Lập xuân là kinh độ Mặt trời bằng 315 độ.
Đây là thời điểm bắt đầu có sự tăng lên của ánh sáng và nhiệt độ, báo hiệu một chu kỳ sinh học mới bắt đầu. Những thay đổi này tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái tự nhiên, từ việc ra hoa, đâm chồi của thực vật đến hoạt động sinh sôi của động vật.
Năm Ất Tỵ có 2 lần Lập xuân.
Năm Ất Tỵ khởi đầu với việc đón tiết Lập xuân vào 3/2/2025 Dương lịch, tức mùng 6 Tết. Vào cuối năm, chúng ta lại một lần nữa đón tiết Lập xuân vào ngày 4/2/2026 Dương lịch, tức ngày 17 tháng Chạp. Sở dĩ có hai lần Lập xuân trong cùng một năm là vì Ất Tỵ có thêm tháng nhuận, khiến năm Âm lịch này kéo dài.
Người xưa quan niệm, "một năm bắt đầu từ tiết Lập xuân", việc 2 lần đón tiết Lập Xuân trong cùng một năm giống như năm Ất Tỵ 2025 có 2 mùa xuân, hay năm nay rắn có 2 đầu là vì vậy.
Ý nghĩa hình tượng rắn hai đầu trong truyền thuyết dân gian được nhiều người lưu truyền.Năm con rắn hai đầu là biểu tượng cho sự chung sống của hy vọng và thử thách, nhắc nhở chúng ta rằng dù gặp phải khó khăn nào trong cuộc sống, chỉ cần trong tim có ánh sáng thì bóng tối đều có thể bị xua tan.
Tiết Lập xuân gắn liền với sự hồi sinh của thiên nhiên, là biểu tượng của sự sống và hy vọng; do đó việc tiết Lập xuân xuất hiện hai lần trong năm được coi là dấu hiệu may mắn và thịnh vượng.
Năm Ất Tỵ số ngày dài đến 384 ngày
Theo Lịch vạn niên, tháng 6 Âm lịch năm 2025 là tháng nhuận nên số ngày Âm lịch sẽ dài hơn Dương lịch 19 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc từ mùng 1 Tết Ất Tỵ (29-1-2025) đến mùng 1 Tết Bính Ngọ (17-2-2026) dài 384 ngày. Tương tự, năm 2028 cũng là năm nhuận Âm lịch và có số ngày thực tế dài hơn 365 ngày.
Về điều này, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết Âm lịch có cơ sở là chu kỳ pha của Mặt Trăng – mỗi chu kỳ pha đó được gọi là một tuần Trăng, hay như chúng ta vẫn gọi quen thuộc là một tháng Âm lịch. Độ dài trung bình của một tháng Âm lịch là 29,53 ngày, và do đó độ dài của 12 tháng chỉ là 354 hoặc 355 ngày.
Âm lịch 2025 có 2 tháng 6.
Chuyên gia lý giải: "Cứ khoảng 3 năm thì độ lệch giữa hai hệ thống lịch Âm và Dương sẽ dài thêm 1 tháng, việc đó gây phiền toái cho lịch sinh hoạt của những nơi vẫn sử dụng Âm lịch như Việt Nam, đồng thời ngày tháng trong Âm lịch không còn phản ánh đúng chu kỳ thời tiết".
Vì lý do đó mà cứ 3 năm chúng ta lại có thêm một tháng được bổ sung vào Âm lịch. Những năm như thế có 13 tháng và được gọi là năm nhuận Âm lịch. Năm Ất Tỵ tới đây là một năm như vậy. Vì có tới 13 tháng nên thay vì 354 ngày thì năm Ất Tỵ kéo dài tới 384 ngày.
Chuyên gia cũng khẳng định điều này không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt, vấn đề nông nghiệp hay thời tiết, khí hậu trong năm 2025.
"Âm lịch không được coi là công cụ thích hợp cho việc dự đoán thời tiết, vì vậy việc Âm lịch có thêm một tháng không phản ánh sự biến động thời tiết. Đối với sinh hoạt của người dân, những người sinh sống ở thành phố hoặc làm việc theo lịch hành chính nói chung không gặp bất cứ ảnh hưởng nào.
Còn với hoạt động nông nghiệp, việc đón Tết muộn sẽ khiến người nông dân cần điều chỉnh lại một số thời điểm, chẳng hạn như việc cấy lúa thường diễn ra trong khoảng từ tháng 1 tới đầu tháng 2 Dương lịch nên việc nghỉ đón Tết vào thời điểm nào sẽ quyết định sự sai khác trong thời điểm gieo mạ và cấy lúa, tuy nhiên sự sai khác này không có ảnh hưởng đáng kể tới kết quả khi thu hoạch", ông Đặng Vũ Tuấn Sơn nói.
Ở góc nhìn khác, ảnh hưởng rõ rệt nhất khi một năm Âm lịch có 13 tháng là trẻ nhỏ phải chờ đợi dịp nghỉ Tết lâu hơn và ngược lại, người lớn lại "thở phào" vì làm được nhiều việc trước khi phải dốc ví cho việc mua sắm cuối năm.
Khởi đầu chuỗi 8 năm không có 30 Tết
Theo chuyên gia, Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ không có 30 Tết vì tháng Chạp năm Giáp Thìn chỉ có 29 ngày. Điều thú vị là từ đó cho đến Tết Nhâm Tý 2023 - 8 năm liền - chúng ta đón giao thừa sau khi ngày 29 Tết kết thúc. Phải đến Tết Nguyên đán Quý Sửu 2033, chúng ta mới gặp lại ngày 30 Tết.
Chuyên gia khẳng định đây hoàn toàn chỉ là trùng hợp do quy ước của chính con người. Việc này không hề có nguyên nhân tự nhiên, cũng không liên quan hoặc gây ảnh hưởng gì tới chu kỳ thời tiết mà có chăng chỉ liên quan tới thói quen sinh hoạt và chuẩn bị cho những ngày Tết.
Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn lý giải, mỗi chu kỳ Mặt trăng tròn đến lần trăng tròn tiếp theo là 29,53 ngày, tương đương với 1 tháng Âm lịch. Do không phải ngày chẵn nên các tháng Âm lịch thay phiên nhau có 29 hoặc 30 ngày để bù trừ sao cho khớp với chu kỳ.
Theo tính toán, từ nay đến tận khi kết thúc năm Tân Hợi (2032), tháng Chạp luôn chỉ có 29 ngày. Tuy nhiên, theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, điều này không ảnh hưởng gì đến điều kiện tự nhiên hay thời tiết.
Năm nay, người dân trên cả nước được nghỉ Tết 9 ngày, bắt đầu từ 25.1 đến 2.2 (ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng 1 năm Ất Tỵ). Dù nghỉ từ 26 Tết nhưng tháng Chạp chỉ có 29 ngày khiến nhiều người có cảm giác thời gian chuẩn bị cho Tết bị rút ngắn.
Việc nhiều năm liên tiếp có hoặc không có ngày 30 Tết khá thường gặp. Chẳng hạn, 8 năm liền kể từ 2014 đến 2021, Tết Nguyên đán luôn có ngày 30 Tết. Sau đó là năm 2022 (Nhâm Dần) có tháng Chạp thiếu, năm 2023 (Quý Mão) và 2024 (Giáp Thìn) lại có tháng Chạp đủ. Tiếp theo là 8 năm liền kết thúc năm Âm lịch bằng ngày 29 tháng Chạp.
Tô Hội