Khi công bố thuế quan đối ứng, ông Donald Trump đã thực hiện lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử về việc sẽ thu hẹp khoảng cách thuế quan mà Nhà Trắng cho là các quốc gia khác đang áp đặt không công bằng đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ. “Thuế có đi có lại có nghĩa là họ áp thuế cao với chúng tôi và chúng tôi làm điều tương tự với họ", Tổng thống phát biểu từ Vườn hồng của Nhà Trắng hôm 2.4.
Danh sách các nước bị áp thuế đối ứng được Tổng thống Donald Trump công bố hôm 2.4. Ảnh: X
Thuế quan này được cho là sẽ ảnh hưởng đến các nước bán nhiều hàng hóa cho Hoa Kỳ hơn là mua hàng hóa từ Mỹ. Nhưng các nhà kinh tế không đồng tình với nhiệt huyết của Donald Trump đối với thuế quan vì chúng là một loại thuế đối với các nhà nhập khẩu và cuối cùng đối tượng gánh chịu thường là người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là quân bài mặc cả của chính quyền Mỹ để buộc các nước ngồi vào bàn đàm phán và giảm thuế nhập khẩu hàng hóa mà họ áp đặt với hàng hóa Mỹ.
Dưới đây là những thắc mắc về loại thuế đối ứng mới được công bố.
Nguồn thu thuế sẽ được dùng vào việc gì?
Thuế quan là thuế đối với hàng nhập khẩu, được cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới thu khi hàng hóa nước ngoài đi qua biên giới Hoa Kỳ. Vào năm ngoái, thuế nhập khẩu mà Mỹ thu vào khoảng 80 tỷ USD, được chuyển vào Kho bạc để giúp thanh toán các chi phí của chính phủ liên bang. Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định số tiền này sẽ được chi tiêu như thế nào.
Tổng thống Donald Trump - nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa, vốn đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện - muốn sử dụng doanh thu từ thuế để tài trợ cho chính sách cắt giảm thuế trong nước mà các nhà phân tích cho rằng sẽ mang lại lợi ích không tương xứng cho người giàu. Cụ thể, họ muốn gia hạn việc cắt giảm thuế được thông qua trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Tổ chức Thuế, một viện nghiên cứu phi đảng phái ở Washington, đã phát hiện ra rằng việc gia hạn cắt giảm thuế của Trump sẽ làm giảm doanh thu liên bang 4,5 nghìn tỷ USD từ năm 2025 đến năm 2034. Khoản tiền thu được từ thuế đối ứng có thể được sử dụng để bù đắp những thiệt hại này.
Trump muốn thuế quan cao hơn để giúp bù đắp các khoản thu thuế thấp hơn. Một viện nghiên cứu khác, Trung tâm Chính sách Thuế, đã nói rằng việc gia hạn cắt giảm thuế năm 2017 sẽ tiếp tục giảm thuế cho người Mỹ ở tất cả các mức thu nhập, “nhưng các hộ gia đình có thu nhập cao hơn sẽ nhận được lợi ích lớn hơn”.
Khi nào thì giá cả hàng hóa sẽ tăng do tăng thuế?
Điều này phụ thuộc vào cách các doanh nghiệp ở cả Hoa Kỳ và nước ngoài phản ứng, nhưng người tiêu dùng có thể nhận thấy giá cả hàng hóa tăng trong vòng một hoặc hai tháng kể từ khi thuế quan được áp dụng. Đối với một số sản phẩm, chẳng hạn như sản phẩm từ Mexico, giá có thể tăng nhanh hơn nhiều sau khi thuế quan có hiệu lực.
Một số nhà bán lẻ Hoa Kỳ và các nhà nhập khẩu khác có thể bù đắp một phần chi phí của thuế quan và các nhà xuất khẩu nước ngoài có thể giảm giá để bù đắp các khoản thuế bổ sung. Nhưng đối với nhiều doanh nghiệp phải chịu mức thuế lớn, chẳng hạn như 20% đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu – con số này quá lớn để có thể tự bù đắp.
Trong khi đó, không loại trừ khả năng các công ty có thể sử dụng thuế quan như một cái cớ để tăng giá. Khi ông Trump áp thuế đối với máy giặt vào năm 2018, các nghiên cứu sau đó cho thấy các nhà bán lẻ đã tăng giá cả máy giặt và máy sấy, mặc dù không có thuế mới nào đối với máy sấy.
Một câu hỏi quan trọng trong những tháng tới là liệu điều gì đó tương tự có xảy ra lần nữa hay không. Các nhà kinh tế lo ngại rằng người tiêu dùng, vừa trải qua đợt lạm phát tăng đột biến nhất trong bốn thập kỷ, đã quen với việc tăng giá so với trước đại dịch.
Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy người Mỹ, vốn đã chứng kiến chi phí sinh hoạt tăng cao, khó có thể sẵn sàng chấp nhận xu hướng tăng giá và thay vào đó, họ sẽ cắt giảm mua sắm. Điều này có thể buộc các doanh nghiệp tìm cách bù đắp chi phí và hạn chế tăng giá sản phẩm.
Quyền hạn của Quốc hội và Tổng thống trong áp đặt thuế quan là gì?
Hiến pháp Hoa Kỳ trao quyền thiết lập thuế quan cho Quốc hội. Nhưng trong những năm qua, Quốc hội đã ủy quyền những quyền hạn đó cho tổng thống thông qua một số luật khác nhau. Những luật đó quy định các trường hợp mà Nhà Trắng có thể áp đặt thuế quan, thường chỉ giới hạn trong trường hợp nhập khẩu đe dọa an ninh quốc gia hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho một ngành công nghiệp cụ thể.
Trước đây, các tổng thống thường chỉ áp đặt thuế quan sau khi tiến hành các phiên điều trần công khai để xác định xem một số mặt hàng nhập khẩu có đáp ứng các tiêu chí đó hay không. Tổng thống Donald Trump đã làm theo những bước đó khi áp đặt thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Trump đã tìm cách sử dụng quyền hạn khẩn cấp được quy định trong luật năm 1977 để áp đặt thuế quan theo kiểu đặc biệt hơn. Ví dụ, ông Trump đã nói rằng fentanyl bất hợp pháp từ Canada và Mexico được tuồn vào Mỹ đã tạo nên tình trạng khẩn cấp quốc gia và ông đã sử dụng cái cớ đó để áp thuế 25% đối với hàng hóa từ cả hai quốc gia.
Quốc hội có thể tìm cách hủy bỏ tình trạng khẩn cấp mà một tổng thống tuyên bố, và Thượng nghị sĩ Tim Kaine, một đảng viên Dân chủ đến từ Virginia, đã đề xuất một dự luật tương tự. Trên thực tế, dự luật này có thể được Thượng viện thông qua nhưng có thể sẽ không thể qua ải Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm quyền kiểm soát mạnh mẽ. Bất kỳ dự luật nào nhằm tìm cách hạn chế quyền hạn của tổng thống trong việc đặt thuế quan cũng gần như không có khả năng được thông qua.
Thuế quan của quốc gia khác đối với hàng hóa Mỹ như thế nào?
Thuế quan của Hoa Kỳ thường thấp hơn so với thuế quan của các quốc gia khác. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, mức thuế trung bình của Hoa Kỳ, được tính để phản ánh hàng hóa thực sự được giao dịch, chỉ là 2,2% đối với Hoa Kỳ, so với 2,7% của Liên minh châu Âu, 3% của Trung Quốc và 12% của Ấn Độ.
Các quốc gia khác cũng có xu hướng thực hiện nhiều biện pháp hơn Hoa Kỳ để bảo vệ nông dân của họ với mức thuế cao. Ví dụ, thuế quan trọng số thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nông nghiệp là 4%, so với 8,4% của EU, 12,6% của Nhật Bản, 13,1% của Trung Quốc và 65% của Ấn Độ. (Các con số của WTO không tính đến thuế quan gần đây của Trump hoặc giữa các quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do của riêng họ, chẳng hạn như Hiệp định Hoa Kỳ - Mexico - Canada cho phép nhiều hàng hóa vượt qua biên giới Bắc Mỹ miễn thuế).
Các chính quyền Hoa Kỳ trước đây đã đồng ý với mức thuế mà Trump hiện gọi là bất công. Chúng là kết quả của một cuộc đàm phán dài từ năm 1986 đến năm 1994 với tên gọi Vòng đàm phán Uruguay - kết thúc bằng một hiệp ước thương mại được ký kết bởi 123 quốc gia và đã hình thành cơ sở của hệ thống thương mại toàn cầu trong gần 4 thập kỷ qua.
Quỳnh Vũ