Những đổi thay trên mảnh đất Thanh Hóa

Những đổi thay trên mảnh đất Thanh Hóa
3 giờ trướcBài gốc
Nghị quyết 37/2021/QH15 của Quốc hội đã giúp Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng về một tỉnh “kiểu mẫu”.
Thanh Hóa là một tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có lợi thế về vị trí địa lý quan trọng trong chiến lược phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ và một phần khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Đồng thời, Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích, thứ 3 về dân số, thứ 2 về số đơn vị hành chính. Ngoài ra, Khu kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm quốc gia và cảng nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận được tàu có tải trọng 70.000 DWT, Thanh Hóa có đường bờ biển dài 102km, là cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây Tây Bắc và Đông Bắc Lào.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 58-NQ/TW) và Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021 (gọi tắt là Nghị quyết số 37/2021/QH15), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 45-KH/TU, ngày 6/12/2021, thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15. Kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 37/2021/QH15 thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh làm rõ nội dung, trình tự các công việc để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, đơn vị trong việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện, bảo đảm khả thi, hiệu quả. Do đó tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực phù hợp để nâng cao năng lực thực thi chính sách. Đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong việc đưa ra các quyết định, để tạo đòn bẩy thu hút đầu tư.
Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội có một số nội dung quan trọng như: Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết ban hành quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nhận thức sâu sắc rằng, Nghị quyết số 37/2021/QH15 là văn bản có ý nghĩa quan trọng, là sự thể chế hóa cao nhất Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng GRDP bình quân hằng năm đạt 9,6%. Trong đó, năm 2021 đạt 9,44% đứng thứ 5 cả nước; năm 2022 đạt 12,4%, đứng thứ 7 cả nước; năm 2023 đạt 7,01% đứng thứ 29 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh/thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 đạt 272.950 tỷ đồng, gấp 1,45 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 17 bậc so với năm 2022... Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 42.695 tỷ đồng, vượt 20% dự toán, tăng 44,7% so với cùng kỳ, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 26.194 tỷ đồng, vượt 19% dự toán, tăng 45,7%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 16.501 tỷ đồng, vượt 21,8% dự toán, tăng 43,1%. Chi ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 30.354 tỷ đồng, bằng 70,4% dự toán và tăng 13,6% so với cùng kỳ.
Mặc dù đã có được những kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng đó là bước đầu, bởi những thử thách trong giai đoạn này cần đòi hỏi một tâm thế sẵn sàng đối diện thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Thảo Chi
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/nhung-doi-thay-tren-manh-dat-thanh-hoa-385546.html