Hải Phòng ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, cảng biển và logistics. Ảnh: Huy Dung
Đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông
Trong những năm gần đây, Hải Phòng đã khẳng định vị thế là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng.
Từ năm 2016 đến nay, Hải Phòng đã huy động tổng nguồn lực gần 50.000 tỷ đồng để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Các công trình đường bộ quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào khai thác như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long. Hải Phòng cũng tập trung đầu tư hàng loạt tuyến đường, cây cầu kết nối với các tỉnh lân cận như cầu Quang Thanh, cầu Dinh kết nối với Hải Dương; cầu sông Hóa, cầu Thái Bình, cầu Nghìn 2 kết nối với Thái Bình; cầu Rừng, cầu Lại Xuân kết nối với Quảng Ninh.
Nhiều công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đã được Thành phố tăng cường triển khai trong năm 2024. Trong đó có hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm; Dự án Cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); Dự án Xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP và phát triển đô thị vùng phụ cận; đường nối giữa đường tỉnh 354 với Quốc lộ 10; Dự án cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm.
Mỗi dự án không chỉ giải quyết nhu cầu nội tại của Hải Phòng, mà còn mở rộng năng lực kết nối liên vùng, hình thành các hành lang kinh tế, vận tải mới. Kết cấu hạ tầng hiện đại đã thu hút hàng chục tỷ USD vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ, đồng thời biến Hải Phòng trở thành cửa ngõ thương mại quốc tế trọng yếu của Việt Nam.
Tạo hành lang tăng trưởng kinh tế
Việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông không chỉ cải thiện bộ mặt đô thị, mà còn rút ngắn thời gian vận tải hàng hóa, tiết kiệm chi phí logistics, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các ngành công nghiệp, logistics, cảng biển và dịch vụ. Đồng thời, mở rộng hành lang kinh tế liên vùng Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh - Lào Cai và kết nối với Trung Quốc, ASEAN.
Mới đây, Hải Phòng liên tiếp khánh thành hai công trình hạ tầng trọng điểm là Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) và Cảng quốc tế TIL Hải Phòng (HTIT). Hai dự án này không chỉ mở ra khả năng tiếp nhận tàu cỡ siêu lớn, mà còn kết nối liền mạch với mạng lưới giao thông đa phương thức, từ cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, tạo thành chuỗi logistics khép kín, góp phần thúc đẩy động lực xuất khẩu, gia tăng sức cạnh tranh và kiến tạo tương lai phát triển bền vững cho kinh tế Hải Phòng.
Là khu vực duy nhất của Việt Nam có khả năng tiếp cận toàn diện với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và vận tải biển sâu, Hải Phòng đang sẵn sàng ban hành các kế hoạch dài hạn cho tăng trưởng bền vững. Hạ tầng hàng hải của thành phố được neo giữ bởi Cảng nước sâu Lạch Huyện - đóng vai trò quan trọng trong thương mại của khu vực và toàn cầu. Với 6 bến cảng đang cùng hoạt động (tổng công suất lên hơn 2,2 triệu TEU/năm), các bến cảng tiếp theo từ bến số 7 đến 12 của cảng Lạch Huyện đang được Thành phố tích cực triển khai hoàn thành thủ tục, thu hút nhà đầu tư, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện sẽ tiếp tục là bến cảng quan trọng hàng đầu của miền Bắc cũng như của cả nước.
Tiếp đó, dự kiến cuối năm 2025, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được khởi công. Trong khi Dự án đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng đang khẩn trương thực hiện các bước triển khai lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư. Việc triển khai các tuyến đường sắt điện khí hóa với “khổ chuẩn” sẽ là cú hích, cơ hội lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thành phố nói riêng và các tỉnh khu vực miền Bắc nói chung. Đồng thời, dự án sẽ tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác quốc tế khi hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam đến Trung Quốc rồi châu Âu và ngược lại thuận tiện hơn.
Với chiến lược đầu tư bài bản và tầm nhìn dài hạn, Hải Phòng đang thực sự bứt phá trong phát triển hạ tầng giao thông. Thành phố không chỉ củng cố vai trò trung tâm kinh tế Bắc Bộ, mà đang vươn mình trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thương khu vực và toàn cầu.
Thanh Sơn