Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình chị R’Com H’Sonh, làng Piơm, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa (nay là Xã Đak Đoa), tỉnh Gia Lai những thanh âm phát ra từ bản hòa tấu “Gặt lúa Đông - Xuân” của nhóm nhạc Kaihking làm rộn ràng một góc làng.
Các thành viên của nhóm nhạc đều là con cháu dòng họ R’Com người Ba Na với tình yêu văn hóa truyền thống. Mỗi thành viên trong dòng họ R’Com đều hát dân ca hay và giỏi chơi các nhạc cụ dân tộc. Tình yêu âm nhạc như ngọn lửa bập bùng lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác, là tiếng lòng của người con Tây Nguyên ngàn năm vọng về.
Ông R’Com Suk, làng Piơm ở Đak Đoa dạy con cháu cách chơi nhạc cụ dân tộc nhằm lưu giữ, phát huy văn hóa dân tộc Ba Na
Chị H’Sonh chia sẻ: “Đối với người Ba Na, không chỉ trang phục mà âm nhạc truyền thống cũng rất quan trọng. Mình đang cùng bố, các con và các cháu tìm hiểu thêm các nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Ba Na. Hiện nay, âm nhạc truyền thống đang dần bị quên lãng, vì vậy, mình muốn giúp các bạn trẻ cùng giữ gìn âm nhạc truyền thống của dân tộc mình bằng cách lập ban nhạc của gia đình và dòng họ. Hy vọng, gia đình mình có thể góp phần cùng dân làng gìn giữ âm nhạc dân tộc”.
Đặc biệt, cả 3 thế hệ trong gia đình H’Sonh đều có thể chế tác và chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Các thành viên ai cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm gìn giữ âm nhạc truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Ông R’Com Suk, bố của H’Sonh cho biết: “Mình rất vui vì con mình - H’Sonh và các cháu ngoại mình đều yêu thích, gìn giữ âm nhạc dân tộc. Người mình phải biết âm nhạc dân tộc mình thì mới có thể phát triển được. Âm nhạc do ông bà truyền lại cho mình phải gìn giữ, bảo tồn và ngày càng phát triển theo thời gian. Đó là trách nhiệm, bổn phận của thế hệ sau trân trọng giữ gìn”.
Những gia đình DTTS “3 thế hệ tiêu biểu” đã cùng nhau vun đắp, trao truyền tình yêu văn hóa truyền thống, lan tỏa các giá trị văn hóa trong gia đình và cộng đồng. Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các cơ quan, đoàn thể tại cơ sở và phát huy vai trò từng cá nhân trong gia đình cùng gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống trong mỗi ngôi làng”. Bà Rơ Chăm H’Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai
Là một trong những gia đình “3 thế hệ tiêu biểu” trong gìn giữ văn hóa truyền thống, mẹ truyền - con nối là một cách lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình bà Al, làng Têng 2, xã Tân Sơn, Tp. Pleiku. Các thế hệ của gia đình bà Al đều dành hết tâm huyết để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Hằng ngày, tiếng khung dệt lách cách vang đều. Bên khung dệt sẫm màu thời gian, bà Al tỉ mẩn kiểm tra những đường nét hoa văn trên tấm vải vừa dệt xong. Gia đình bà cũng là một trong những hộ tiêu biểu trong việc lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con, từ con gái đến con dâu.
“Nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm ra những sản phẩm đẹp phục vụ sinh hoạt hằng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn là nét đẹp truyền đời của phụ nữ Gia Rai. Ngoài việc dạy con cháu kết đoàn, gắn bó xây dựng cuộc sống tốt đẹp, tôi luôn nỗ lực truyền dạy cho chúng nghề dệt với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc”, bà Al tâm sự.
Gia đình bà Al, làng Têng 2, xã Tân Sơn là gia đình có 3 thế hệ tiêu biểu gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Gia Rai ở TP. Pleiku.
Mong muốn của bà Al được người con gái thứ 4 của mình là chị Anglưp thực hiện. Mặc dù quanh năm gắn bó với ruộng rẫy nhưng chị Anglưp vẫn miệt mài học dệt từ mẹ.
Chị bày tỏ: “Tôi dạy các con phải biết chăm chỉ làm việc, xây dựng kinh tế ổn định; biết gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Mẹ tôi là một nông dân cần cù, là nghệ nhân dệt giỏi… Tôi cũng mong muốn bản thân và con cái mình học tập mẹ để tiếp nối những điều tốt đẹp ấy. Thật may mắn, gia đình 3 thế hệ chúng tôi đã gặp nhau ở điểm chung này”.
Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống, 3 thế hệ trong gia đình ông Rah Lan Run, làng Chuet Ngol, xã Chư Á luôn nỗ lực “tiếp lửa” cho dân làng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Già Run kể: “Bố của tôi đã 94 tuổi. Chính bố đã “tiếp lửa” cho tôi thêm yêu tiếng cồng chiêng, biết cảm nhận từng câu hát dân ca và nghệ thuật tạo hình trong đan lát. Bố tôi là già làng, người hiểu biết sâu rộng và tiến bộ. Bố đã vận động, giúp đỡ bà con làm kinh tế, chỉ dạy người làng đánh chiêng, đan lát, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống cho làng. Vì thế bố trở thành tấm gương để tôi noi theo, học tập”.
Năm 2017, ông vinh dự được bầu làm già làng. Đây là động lực giúp già Run nỗ lực chỉ dạy lớp con cháu học cách đánh chiêng hay, đan lát giỏi, đoàn kết phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa truyền thống.
Anh Rah Lan Ngưk chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào bởi những đóng góp của ông Run. Nghe lời ông, chúng tôi cùng nhau học hỏi điều hay, đam mê nghề truyền thống, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp”.
Ngọc Thu