Những hệ lụy nghiêm trọng với cuộc sống và thiên nhiên khi Trái Đất quay nhanh bất thường

Những hệ lụy nghiêm trọng với cuộc sống và thiên nhiên khi Trái Đất quay nhanh bất thường
8 giờ trướcBài gốc
Ngày quay nhanh nhất từng được ghi nhận là 5/7/2024, khi Trái Đất quay nhanh hơn chuẩn 24 giờ tới 1,66 mili giây. Ảnh: Shutterstock
Theo trang Daily Mail (Anh), vào các ngày 22/7 và 5/8, các chuyên gia dự đoán độ dài một ngày trên Trái Đất ngắn sẽ hơn trung bình lần lượt 1,38 và 1,51 mili giây. Nguyên nhân là do hành tinh của chúng ta đang bước vào giai đoạn quay nhanh bất thường, khiến thời gian một ngày Mặt Trời bị rút ngắn khoảng một mili giây.
Thay đổi nhỏ, hệ quả lớn
Mặc dù một nháy mắt diễn ra trong khoảng 100 mili giây, khiến sự thay đổi này khó nhận thấy trong thời gian ngắn, nhưng các nhà khoa học cảnh báo nếu hiện tượng này tiếp diễn và không được kiểm soát, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Nếu tốc độ quay của Trái Đất tăng thêm khoảng 160 km/h, thế giới sẽ đối mặt với những cơn bão dữ dội hơn, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, cùng sự gián đoạn trong các hệ thống vệ tinh vốn hỗ trợ định vị, liên lạc và dự báo thời tiết. Trong trường hợp tốc độ quay tăng gấp đôi hiện tại, sự sống như chúng ta biết có thể sẽ không còn tồn tại.
Trung bình, Trái Đất cần 24 giờ (tương đương 86.400 giây) để hoàn tất một vòng quay, tạo nên một ngày Mặt Trời. Những biến động nhỏ từ vị trí Mặt Trăng hay hoạt động núi lửa chỉ làm thay đổi thời gian này vài mili giây, trong khi tốc độ quay tổng thể vẫn tương đối ổn định.
Do hình cầu, chu vi Trái Đất nhỏ hơn ở gần các cực so với xích đạo, nên bề mặt hành tinh quay nhanh hơn khi càng xa các cực. Một người đứng tại xích đạo di chuyển với tốc độ khoảng 1.668 km/h, trong khi ở London, tốc độ chỉ khoảng 1.041 km/h. Như vậy, sự gia tăng 1,6 km/h có vẻ nhỏ bé nhưng ảnh hưởng không hề đơn giản.
Ông Witold Fraczek, nhà phân tích tại ESRI – công ty phần mềm bản đồ, chia sẻ với Popular Science: “Có thể phải mất vài năm mới cảm nhận rõ sự khác biệt này”.
Vệ tinh mất đồng bộ và gián đoạn dịch vụ
Một tác động đáng chú ý là các vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo có thể mất đồng bộ. Nhiều vệ tinh đồng bộ địa tĩnh chuyển động cùng tốc độ với Trái Đất để giữ vị trí cố định trên bề mặt. Nếu hành tinh xanh quay nhanh hơn, các vệ tinh này sẽ mất vị trí, dẫn đến gián đoạn dịch vụ định vị, liên lạc và dự báo thời tiết.
Tuy nhiên, nhiều vệ tinh có thể điều chỉnh quỹ đạo hoặc được thay thế, nên tác động sẽ không gây thảm họa toàn cầu. Ông Fraczek nhận định: “Điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và tiện nghi của một số người, nhưng không gây thảm họa lớn”.
Lực ly tâm gia tăng – Mối nguy ngập lụt nghiêm trọng
Trái Đất hoàn thành vòng quay nhanh hơn có nguy cơ gây xáo trộn thời gian của con người. Ảnh: Getty Images
Tác động lớn hơn xuất phát từ sự dịch chuyển của nước từ các cực về phía xích đạo do lực ly tâm tăng lên. Ngay cả khi tốc độ quay tăng thêm chỉ 1,6 km/h, mực nước biển quanh khu vực xích đạo có thể dâng lên vài inch (1inch = 2,54cm), gây nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng cho các thành phố ven biển hoặc nằm gần mực nước biển.
Nếu tốc độ quay tăng đến hơn 160 km/h tại xích đạo, tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nước không chỉ dâng cao mà còn có thể tràn ngập toàn bộ vùng xích đạo khi dòng nước từ hai cực đổ dồn về.
Ông Fraczek cho biết: “Lưu vực sông Amazon, miền Bắc Australia và các đảo ở vùng xích đạo có thể chìm trong nước với mực nước lên tới từ 9 đến 20 mét”.
Xáo trộn thời gian sinh học con người và biến đổi khí hậu
Đối với những người sống sót sau các trận lũ lớn, cuộc sống trên Trái Đất sẽ trở nên khắc nghiệt hơn nhiều. Một ngày Mặt Trời có thể chỉ còn kéo dài khoảng 22 giờ, khiến nhịp sinh học tự nhiên của con người bị xáo trộn nghiêm trọng, tương tự như việc hàng ngày phải điều chỉnh đồng hồ sinh học lùi lại 2 giờ mà không kịp thích nghi. Các nghiên cứu cho thấy việc thay đổi giờ mùa hè đã làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và tai nạn giao thông và tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn nhiều.
Thời tiết cũng sẽ trở nên cực đoan hơn. Tiến sĩ Sten Odenwald, nhà thiên văn học NASA, giải thích: “Sự khác biệt về nhiệt độ là nguyên nhân chính tạo ra gió”.
Khi tốc độ quay tăng, các cơn bão cũng di chuyển nhanh và dữ dội hơn do hiệu ứng Coriolis mạnh lên – lực tạo nên lực quay cho bão. Nếu Trái Đất không quay, gió sẽ thổi thẳng từ Bắc Cực về xích đạo; nhưng do Trái Đất quay, gió bị lệch về phía Đông, hình thành các cơn xoáy bão. Khi tốc độ quay tăng, sự lệch hướng càng mạnh, khiến các cơn bão dữ dội hơn.
Kịch bản thảm họa khi tốc độ quay tăng vọt
Ở mức tăng tốc hơn 1.600 km/h, Trái Đất sẽ quay gần gấp đôi hiện tại, dẫn đến những hậu quả thảm khốc. Ông Fraczek nhận định: “Chắc chắn đó sẽ là một thảm họa”.
Lực ly tâm sẽ kéo hàng trăm mét nước về phía xích đạo, khiến vùng này gần như bị ngập chìm hoàn toàn, chỉ còn lại các ngọn núi cao như Kilimanjaro hay đỉnh Andes.
Khi tốc độ quay đạt khoảng 27.350 km/h – tức gấp 17 lần hiện nay – lực ly tâm sẽ mạnh đến mức vượt qua trọng lực. Người đứng ở xích đạo có thể trở nên không trọng lượng, thậm chí xuất hiện hiện tượng “mưa ngược” khi nước bốc lên không trung. Tuy nhiên, khả năng con người sống sót trong điều kiện này là rất thấp vì vùng xích đạo trở nên không thể sinh sống.
Ông Fraczek chia sẻ: “Nếu còn một vài người sống sót sau khi hầu hết nước trên Trái Đất đã bay lên bầu khí quyển, họ chắc chắn sẽ muốn rời khỏi khu vực xích đạo càng sớm càng tốt”.
Cuối cùng, khi tốc độ quay đạt khoảng 38.600 km/h, sự sống trên Trái Đất gần như chấm dứt. Lực ly tâm quá mạnh khiến hành tinh bị dẹt như quả bóng đất sét quay, làm các mảng kiến tạo di chuyển dữ dội, vỏ Trái Đất nứt vỡ, gây ra những thảm họa động đất kinh hoàng.
“Chúng ta sẽ chứng kiến những trận động đất khổng lồ với sự dịch chuyển nhanh chóng của các mảng kiến tạo, điều này sẽ là thảm họa đối với sự sống trên toàn cầu”, ông Fraczek kết luận.
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/nhung-he-luy-nghiem-trong-voi-cuoc-song-va-thien-nhien-khi-trai-dat-quay-nhanh-bat-thuong-20250714113356790.htm