Tháng 7 năm 1965, mới 16 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Lữ Duy Chúc viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước - thuộc Đại đội 458, Đội TNXP Trần Văn Chuông (Đội TNXP chống Mỹ cứu nước đầu tiên của tỉnh Hà Nam). Công việc phá đá, mở đường, giữ đường, giữ cho mạch máu giao thông thông suốt… là nhiệm vụ hết sức gian khổ, hiểm nguy, ác liệt. Nhưng, như bao chàng trai cô gái TNXP khác, chàng trai trẻ Lữ Duy Chúc luôn nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; luôn vững niềm tin miền Nam nhất định sẽ được giải phóng, Nam – Bắc thống nhất một nhà.
Trò chuyện với chúng tôi chú Chúc, năm nay 76 tuổi, mái tóc đã bạc trắng xúc động nhớ lại: Những năm tháng làm nhiệm vụ mở đường, sửa đường, giữ đường trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng với tôi, kỷ niệm đáng nhớ nhất, sâu sắc nhất chính là tình đồng đội gắn bó, yêu thương, luôn sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau; sẵn sàng nhận việc khó, việc nguy hiểm về mình. Nói đến đây, đôi mắt chú Chúc ngấn lệ.
Theo lời chú Chúc, công việc mở đường, sửa đường, giữ đường dưới mưa bom của kẻ thù vô cùng gian khổ, ác liệt và nguy hiểm. Nhưng lực lượng TNXP luôn làm việc với tinh thần quyết tâm “Sống bám đường, chết kiên cường”, “Địch phá, ta sửa ta đi”. Có những lần, sau đợt dội bom của kẻ thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, không ai cầm được nước mắt. Nỗi đau biến thành hành động, mọi người thêm nỗ lực, quyết tâm; dũng cảm, kiên cường sửa đường, giữ đường cho xe qua. Không chỉ trong công việc, trong sinh hoạt hằng ngày, dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng anh em sẵn sàng nhường cho chị em từng bánh xà phòng, từng chút rau xanh… Đi rừng, phát hiện thấy quả bồ kết, sấu rừng, dâu da xoan rừng, khế rừng… đều dừng lại hái về cho đồng đội. Những việc làm tuy nhỏ nhưng chứa đựng biết bao tình yêu thương, sự quan tâm và tấm lòng sẻ chia.
Từ trái qua phải: bà Nguyễn Thị Nga, ông Đỗ Quang Phúc, ông Lữ Duy Chúc, ông Lữ Duy Thái, cựu TNXP chống Mỹ luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Cùng quê, cùng ngày lên đường tham gia lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước, ở cùng đơn vị với chú Chúc, là chú Đỗ Quang Phúc. Với chú Phúc kỷ niệm đáng nhớ nhất trên tuyến đường 20 Quyết Thắng là được tham gia sự kiện nổ bộc phá mở màn cho chiến dịch. Chú Phúc nhớ lại: Ngày 30 Tết Bính Ngọ (ngày 21/1/1966), Quân ủy Trung ương phát lệnh khởi công tuyến đường huyết mạch nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuất phát từ thôn Phong Nha, tỉnh Quảng Bình xuyên qua dãy Trường Sơn đến Ngã ba Lùm Bùm đường 128 thuộc tỉnh Khăm Muộn, Lào và ra chỉ lệnh thời gian mở đường không quá 105 ngày, một ngày phải mở xong 1 km đường.
Tại dốc Đồng Tiền, đồng chí Nguyễn Tường Lân đã phát lệnh nổ bộc phá mở màn chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Tiếp đó, đồng loạt các lực lượng thi công vào trận địa. Tuyến đường thi công bí mật, mở đến đâu, ngụy trang đến đó, sau gần 100 ngày lao động quên mình, vừa đánh địch, vừa xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu khối đất đá để mở đường của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ bộ đội, TNXP và công nhân, dân công hỏa tuyến, tuyến đường dài 128 km chính thức khai thông ngày 14/4/1966. Đường 20 Quyết Thắng khai thông, ta có thêm tuyến vận chuyển mới, không những rút ngắn cung đoạn vận chuyển, đặc biệt tránh được “tử huyệt” Seng Phan, xe chạy được quanh năm.
16 tuổi (năm 1965), ở độ tuổi thiếu nữ đẹp nhất cô Nguyễn Thị Nga, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý cũng tình nguyện tham gia lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước. Với cô Nga, kỷ niệm sâu sắc mà cô nhớ nhất đó là lần cô “tưởng như đã chết”. Hôm đó tôi cùng anh em đồng đội đang làm nhiệm vụ tại cua chữ A thì bị máy bay địch đánh bom - cô Nga nhớ lại: Bốn anh con trai chạy nấp vào hầm, còn 3 chị em gái nằm ngay xuống đường. Không may, bom địch đánh trúng hầm, hầm sập, cả bốn anh đều hy sinh, 2 ngày sau mới tìm được thi thể. 3 chị em chúng tôi may mắn chỉ bị đất đá vùi lấp, được mọi người đến cứu kịp thời. Chỉ sau một tuần nghỉ ngơi, chúng tôi lại ra đường làm nhiệm vụ. Nghe cô Nga kể đến đây, chú Chúc vui vẻ chia sẻ thêm: Các cô ấy dũng cảm, kiên cường lắm. Có hôm, sau loạt dội bom của kẻ thù chúng tôi can ngăn, thấp bé nhẹ cân ở lại, để các anh đi nhưng các cô ấy nhất quyết không nghe mà nói: các anh đi được chúng em cũng đi được. Rồi quyết cùng chúng tôi ra đường làm nhiệm vụ. Cô Nga cười nói: Những năm tháng tuổi trẻ ấy, ai cũng nhiệt huyết, ai cũng muốn và sẵn sàng đảm nhiệm công việc khó khăn, nguy hiểm nhất thay cho đồng đội. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” nhiều người ốm, sốt rét vẫn quyết tâm ra đường làm nhiệm vụ…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá: “Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của cán bộ, chiến sĩ và TNXP làm nên”.
Chiến tranh đã lùi xa, trong những ngày cả nước hân hoan đón mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chúng tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện cùng các cô, các chú cựu TNXP Hà Nam – những nhân chứng sống làm nhiệm vụ mở đường, giữ đường, bảo đảm giao thông trên đường 20 huyền thoại, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Phát huy truyền thống vẻ vang của TNXP, hiện tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng các cô, các chú vẫn luôn đoàn kết, gắn bó, thương yêu hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau…
Khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng cống hiến, hy sinh - các cô, các chú cựu TNXP chính là những tấm gương cho các thế hệ trẻ tiếp nối học tập và noi theo.
Phạm Hiền