Những 'kỹ sư nông dân'

Những 'kỹ sư nông dân'
3 giờ trướcBài gốc
Việc sử dụng các loại máy nông nghiệp là xu hướng hiệu quả để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các loại máy do các hãng sản xuất thường có kích thước lớn, vận hành cồng kềnh, không phù hợp với sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ, không tập trung, phát sinh nhiều chi phí, gây tốn kém cho nhà nông. Xuất phát từ bất cập này, năm 2020, nông dân Hoàng Kim Phụng (khu 1, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba đã tìm hiểu cơ chế, nguyên lý hoạt động của loại máy phay đất truyền thống và thử nghiệm lắp một số thiết bị mới trên giàn phay, giúp chiếc máy tăng hiệu quả hoạt động khi có thể thực hiện thêm 2 nhiệm vụ cày bừa, rạch luống và lên luống.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Thanh Ba trao giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” tỉnh Phú Thọ năm 2024 cho anh Hoàng Kim Phụng
Thực tế, đối với máy làm đất truyền thống chỉ có tác dụng cày đất, làm tơi xốp đất, việc lên luống phải thực hiện thủ công hoặc tiếp tục dùng máy lên luống, khiến hiệu suất lao động không cao. Sau khi thực hiện ý tưởng, lắp đặt thêm 2 mũi cày (thực hiện bừa chín và lên luống) hoặc 3 mũi cày (thực hiện bừa chín, lên luống, cày rạch) giúp thuận lợi cho việc trồng cây, tra hạt theo hướng công nghiệp hóa, có thể áp dụng ở mọi đồng đất, các thiết bị, bộ phận cũng có thể tháo lắp, linh hoạt di chuyển các vị trí.
Anh Hoàng Kim Phụng cho biết: Trong canh tác nông nghiệp truyền thống, để bừa, lên luống, cày rạch, vén đất,... trên diện tích 1 sào đất sẽ mất khoảng 8 tiếng. Cũng thời gian này, nếu sử dụng máy bừa cải tiến có thể bừa, lên luống, cày rạch được 10 sào đất, hiệu quả kinh tế trên 1ha giảm được 28 công lao động. Qua đó giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất đúng thời vụ.
Máy bừa cải tiến của nông dân Hoàng Kim Phụng giúp người nông dân tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất
Từ những hiệu quả, tính ứng dụng cao trong thực tiễn, giải pháp "Máy bừa kết hợp cày rạch và lên luống” của nông dân Hoàng Kim Phụng đã đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” cấp tỉnh năm 2024.
Câu chuyện “được mùa - mất giá” vẫn hay diễn ra khi người nông dân chưa nắm bắt được thị trường, chưa làm chủ khoa học, kỹ thuật. Mặt khác, sản phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công đôi khi không đảm bảo đầy đủ các yếu tố về chất lượng, giá thành... để cạnh tranh trên thị trường. Trăn trở trước bài toán làm sao nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, anh Phạm Ngọc Doanh (khu 3, xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa) đã nghiên cứu, đưa ra ý tưởng “Kỹ thuật chế biến, đóng gói trà bí xanh sấy lạnh”. Ứng dụng vào thực tế sản xuất, bước đầu đã mang đến những hiệu quả tích cực.
Bí xanh Văn Lang được canh tác theo theo chuẩn VietGAP, chế biến theo phương pháp công nghiệp giúp tăng giá trị sản phẩm
Xã Văn Lang có trên 100ha diện tích trồng bí xanh, năng suất ổn định đạt 4.000 tấn/năm. Đây được coi là tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển vùng trồng bí xanh, tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm luôn bấp bênh về giá cả, chất lượng sản phẩm không đồng đều, hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản phẩm trà bí xanh (trà bí đao) do người dân sản xuất theo kiểu truyền thống cần nhiều thời gian, phụ thuộc vào thời tiết và các yếu tố về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm khó đảm bảo... dẫn tới việc thua thiệt khi cạnh tranh trên thị trường.
Phương pháp sấy lạnh bí xanh giúp giữ nguyên hương thơm, chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Năm 2020, anh Phạm Ngọc Doanh - với vai trò là thành viên HTX Xây dựng và Dịch vụ vận tải nông nghiệp Duy Khánh đã liên kết với các hộ dân, thực hiện canh tác bí xanh theo chuẩn VietGAP, diện tích trên 30ha trồng bí xanh để tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bí xanh Văn Lang”. Đồng thời, để có thị trường tiêu thụ ổn định, năm 2023, anh Doanh đã tham quan, học hỏi, nghiên cứu, đưa ra giải pháp “Sản xuất trà bí xanh sấy lạnh” tại địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Giải pháp của anh Doanh nhằm thay đổi cách trồng, cách chế biến thủ công, tạo ra sản phẩm trà bí xanh an toàn, dinh dưỡng cao, giúp tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm.
Sản phẩm trà bí đao sấy lạnh đạt giải Ba cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” tỉnh Phú Thọ năm 2024
Sau khi đưa vào sản xuất thực tế, phương pháp sấy lạnh bí xanh cho thấy hiệu quả tốt, giúp giữ nguyên hương thơm, chất dinh dưỡng, tiết kiệm nhân lực vận hành, không phụ thuộc vào thời tiết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian bảo quản. Phương pháp này giúp tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp lên đạt khoảng 200% so với giá trị sản phẩm trước khi chế biến.
Tuy đạt giải cao trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” cấp tỉnh năm 2024 nhưng theo anh Doanh thì kỹ thuật chế biến, đóng gói trà Bí xanh sấy lạnh dù đã giải quyết bước đầu khâu liên kết tiêu thụ nông sản, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp song vẫn còn tồn tại nhược điểm, đó là phương pháp sử dụng còn mất nhiều thời gian, phải có dụng cụ đun nấu... Trong thời gian tới, cần nâng sản phẩm “Trà bí xanh sấy lạnh” sang giải pháp tiên tiến hơn đó là “Trà bí xanh sấy lạnh túi lọc”, tăng tính tiện dụng của sản phẩm và sức lan tỏa đối với thị trường.
Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” tỉnh Phú Thọ năm 2024 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức đã nhận được 32 giải pháp kỹ thuật tiêu biểu, được lựa chọn từ 11 Hội Nông dân cấp huyện. Các giải pháp tham dự cuộc thi được đánh giá khá phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực như: Cơ khí và chế biến; trồng trọt, sinh học và môi trường; chăn nuôi và thủy sản... Những người nông dân năng động, sáng tạo đang góp phần làm thay đổi thói quen sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, năng suất thấp để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Những con người ấy như những bông hoa đẹp, trong vườn hoa đang nở dưới bàn tay chăm sóc của những người nông dân Đất Tổ.
Hoàng Giang
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/nhung-ky-su-nong-dan-219891.htm