Những kỷ vật hào hùng gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Những kỷ vật hào hùng gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
7 giờ trướcBài gốc
Ghi nhận trong những ngày tháng 4 lịch sử, khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tấp nập du khách ra vào tham quan. Bảo tàng đang trưng bày nhiều hiện vật, tranh ảnh tư liệu của Việt Nam trong giai đoạn 1954 đến 1975, đặc biệt tại không gian trưng bày hiện vật "Chiến dịch Hồ Chí Minh" (26-30/4/1975), hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, Thống nhất Đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Những bức ảnh lịch sử và tài liệu quý giá được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ghi lại các dấu mốc quan trọng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dẫn đến sự kiện lịch sử Giải phóng Miền Nam.
Bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mệnh lệnh khẩn truyền cho các cánh quân đồng loạt tiến công vào Sài Gòn được trưng bày trang trọng tại không gian bảo tàng. Bức điện là minh chứng cho sự chỉ đạo sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bên cạnh đó là chân dung ba vị chỉ huy, tướng lĩnh góp phần quan trọng vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nổi bật tại không gian trưng bày chủ đề "Chiến dịch Hồ Chí Minh" là xe tăng T-54B số hiệu 843 do Liên Xô chế tạo, thuộc biên chế Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 do Trung úy, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy. Đây là một trong hai chiếc xe tăng đầu tiên (843 và 390) tiến vào húc đồ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Chiếc xe tăng này được công nhận là Bảo vật Quốc gia tháng 10/2012.
Chiếc xe tăng T-54B số hiệu 843 luôn là điểm thu hút đông đảo sự chú ý của khách tham quan tới check-in tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Chiếc xe jeep số hiệu 15770 của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 thu được của Lữ đoàn dù Việt Nam Cộng hòa tại sân bay Đà Nẵng. Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó cùng đồng đội, đã sử dụng chiếc xe này tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 và dùng chính chiếc xe này chở Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đến đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Tấm bản đồ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh" được Bộ Tư lệnh sử dụng để chỉ đạo các mũi tiến công vào Sài Gòn năm 1975.
Khẩu súng browning được Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, tước của Tổng thống VNCH Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Con dấu "Thủ tướng phủ" được Sư đoàn 341 thu tại Dinh Thủ tướng VNCH và con dấu "Tổng thống VNCH" được Thượng úy Tạ Minh Thanh, cán bộ Văn phòng Tổng cục Chính trị, thu tại phòng làm việc của Tổng thống VNCH.
Chiếc dao găm của đồng chí Trần Đức Tình, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, sử dụng để cắt dây, hạ cờ VNCH tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.
Chiếc đài của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nghe tuyên bố đầu hàng của Tổng thống VNCH Dương Văn Minh lúc 11h30 ngày 30/4/1975.
Mỗi hiện vật được trưng bày tại không gian bảo tàng đều có câu chuyện riêng, là minh chứng sống động cho sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ để tiến tới ngày giải phóng hào hùng của dân tộc.
Du khách thích thú khi theo dõi công nghệ trình chiếu không gian tái hiện các khung cảnh trận địa Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Tại không gian trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hàng loạt khí tài do Mỹ chế tạo, sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam như máy bay F-5E, CH-47 CHINOOK, C-130, xe tăng M-48... được quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thu giữ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975.
Toàn cảnh buổi tổng hợp luyện diễu binh tại trung tâm TP.HCM Tối 18/4, 38 khối lực lượng quân đội, công an hợp luyện diễu binh, diễu hành ở trung tâm quận 1 để chuẩn bị cho đại lễ 30/4.
Việt Hà
Nguồn Znews : https://znews.vn/nhung-ky-vat-hao-hung-gan-voi-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-post1549019.html