Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn nghiệm thu, đánh giá về Dự án về hồng không hạt LT-1 tại huyện Na Rì.
Quốc sách hàng đầu
Ðảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng việc phát triển khoa học và công nghệ. Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng (năm 2021) nhấn mạnh: "Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế".
Dự án "Hoàn thiện quy trình nhân giống, nuôi trồng và xây dựng mô hình sản xuất nấm hương" thực hiện ở Chi nhánh HTX Nông nghiệp Yên Công, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn.
Trong những năm qua, nhất là trong 10 năm gần đây, khoa học và công nghệ (KHCN) nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nước ta từ nước kém phát triển gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng phát triển.
Tại Bắc Kạn, nhiều đề tài, dự án về KHCN đã được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: “Phục tráng giống bí thơm Ba Bể bảo đảm năng suất cao, chất lượng tốt”; “Ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình nuôi trồng nấm dược liệu linh chi, vân chi từ nguyên liệu ngọn, cành, mùn cưa cây keo tại tỉnh Bắc Kạn”; “Xây dựng mô hình trồng cây dẻ ván tại huyện Ngân Sơn”...
Tuy nhiên, quá trình phát triển KHCN còn nhiều nút thắt cần tập trung tháo gỡ, như tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển.
Động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại
Nhằm tạo ra sự đột phá quan trọng về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Chính trị cũng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do chính Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Nghị quyết số 57-NQ/TW khẳng định “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”. Đây chính là tư duy mới của Đảng ta về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trồng nấm vân chi ở Trung tâm ứng dụng KHCN và Đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, nghị quyết đã đặt đúng vị trí của khoa học cho sự phát triển của đất nước. Bởi vì để đất nước phát triển bền vững, không thể không phát triển khoa học công nghệ.
Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định trúng, đúng lĩnh vực cần đầu tư là phải “Từng bước làm chủ các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối, bán dẫn, 5G-6G, công nghệ lượng tử và nano, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi…”.
Để đưa nhanh Nghị quyết vào cuộc sống
37 năm trước, ngày 05/4/1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (nông dân thường gọi là “Khoán 10”) tạo đột phá một cách toàn diện và triệt để về quản lý kinh tế nông nghiệp, “cởi trói” cho nông dân. Ngay năm 1988, nước ta đã chấm dứt thời kỳ thiếu gạo. Một năm sau - 1989, Việt Nam chuyển sang thời kỳ xuất khẩu gạo. Trải qua 35 năm (1989- 2024) đến nay, hạt gạo của Việt Nam đã có mặt ở 156 quốc gia, vùng lãnh thổ và trở thành 1 trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới.
Nếu "Khoán 10" mở đường cho nền kinh tế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, phá bỏ cơ chế tập trung quan liêu và trao quyền tự chủ sản xuất cho nông dân, thì Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là sự thay đổi căn bản, chuyển từ mô hình dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình phát triển dựa trên tri thức, công nghệ và kỹ năng - phù hợp với yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nhân dân cả nước, trong đó có bà con các dân tộc trên địa bàn Bắc Kạn đang kỳ vọng sự đột phá diệu kỳ về Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Các dự án, đề tài KHCN trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đóng góp thiết thực cho đời sống nhân dân địa phương.
Nghị quyết 57, giống như "Khoán 10", có khả năng hiện thực hóa khát vọng dân tộc. Nếu "Khoán 10" giúp Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản mạnh, thì Nghị quyết 57 hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ 21, với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột.
Để đưa nhanh Nghị quyết vào cuộc sống, cần nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Trong đó, cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Người dân và doanh nghiệp phải ở vị trí trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Lãnh đạo tỉnh tôn vinh các trí thức tiêu biểu về khoa học công nghệ vào ngày 16/5/2024.
Mặt khác, cần phải tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết để bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Nhà nước nên tập trung kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí".
Trước mắt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục hiệu quả trong các tầng lớp nhân dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, quyết tâm, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin, khí thế mới trong xã hội. Triển khai sâu rộng phong trào "học tập số", phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức số trong cán bộ, công chức và Nhân dân. Tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số./.
Hồng Hạnh