Mỗi người sẽ có những xúc cảm khác nhau mỗi khi trời đất chuyển mùa, nhưng khi đứng trước bản giao hưởng mùa xuân, hẳn sẽ cùng chung sự phấn chấn, niềm hân hoan bắt đầu một chu kỳ mới. Những ca khúc xuân rộn ràng khắp nơi nơi nghe như tiếng reo vui của những cô cậu bé chờ đến tết để được khoe áo mới. Ta không khỏi bồn chồn, rồi lại bất giác mỉm cười khi nghe câu hát rộn ràng “Xuân, xuân ơi, xuân đã về”…
Và không chỉ nam thanh nữ tú, vạn vật cũng đầy sức sống sau những ngày dài tích trữ năng lượng, cây bung chồi vươn cành non, lộc biếc, những chú chim én rộn ràng bay liệng trên cao với sức sống dâng trào… Ngoài kia, những bông điều bung nở trong nắng vàng óng ánh mang theo niềm vui mùa vụ của những nông dân chân chất. Bao tảo tần trông ngóng, ước mơ năng suất, giá tốt gửi hết vào những vụ điều, vụ tiêu đang neo giữ trên cây…
Đồng bào S’tiêng trong niềm vui mùa vụ mới
Bình Phước được biết đến là vùng đất của nhiều loại cây công nghiệp có giá trị, có tới 4 loại cây trong danh sách cây trồng chủ lực theo Đề án 431 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cà phê, điều, cao su và tiêu. Sản xuất nông nghiệp được ví như biểu đồ hình sin, lúc thăng, lúc trầm khiến nhịp sống nhà nông cũng lúc lên, lúc xuống, nhưng làm giàu từ nông nghiệp đến nay không còn là chuyện cổ tích. Và làm giàu từ những loài cây đặc sản như sầu riêng, cà phê, tiêu… đang là chuyện bình thường ở tỉnh biên giới này, không biết chừng còn bền vững hơn nhiều ngành nghề khác. Thậm chí, ở Bình Phước không quá hiếm những nông dân tỷ phú. Bằng chứng là, tỉnh đã thành lập câu lạc bộ nông dân tỷ phú, mà điều kiện tham gia, ngoài tinh thần tự nguyện, còn phải có doanh thu tiền tỷ, “ít nhất là từ 1 tỷ đồng trở lên”. Đến nay câu lạc bộ này đã có 44 thành viên.
Nhìn vào con số nêu trên, nếu cho rằng số lượng tỷ phú nông dân ở Bình Phước còn ít so với các tỉnh, thành trong khu vực (như Bến Tre có 10 câu lạc bộ nông dân tỷ phú với 415 thành viên; huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cũng có câu lạc bộ những người nông dân tỷ phú với cả trăm thành viên) thì hơi cực đoan. Bởi lẽ chỉ cần nhìn vào diện tích một số loại cây chủ lực của Bình Phước như sầu riêng, tiêu…, nhìn vào giá thu mua của năm 2024 sẽ đoán được nhiều nông dân ở Bình Phước đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ.
2024 là năm chứng kiến rất nhiều loại cây chủ lực của Bình Phước “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Bỏ qua loại trái cây vua sầu riêng, bởi mức giá quá “khủng”, chỉ cần chọn cây truyền thống là tiêu để làm phép so sánh, cũng thấy rõ nông dân Bình Phước đã có một năm rất đáng ao ước. Với mức giá khoảng 130.000 đồng/kg, năng suất trung bình 18 tạ/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha. Tương tự là cà phê, tính giá trung bình 115.000 đồng/kg, năng suất 2,5 tấn nhân/ha, người trồng cũng thu về tầm 200 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập khá tốt sau một thời gian dài giá thu mua chạm đáy, mang lại cho nhà vườn niềm tin, động lực để tiếp tục vun trồng.
Ngoại trừ người trồng điều vẫn còn lận đận bởi năng suất, giá hạt điều chưa bật lên được, 2024 cũng là năm nông nghiệp lên ngôi. Trên phạm vi cả nước, phần nhiều nông dân trồng cao su, cà phê, tiêu đã tìm thấy niềm vui mùa vụ; xuất khẩu rau, quả cũng đạt mức kỷ lục 7,2 tỷ USD. Càng ý nghĩa hơn khi giá trị xuất khẩu rau, quả của Việt Nam tăng ở 14 trong tổng số 15 thị trường xuất khẩu chính.
Cũng như nhiều tỉnh, thành khác, Bình Phước đang có những định hướng phù hợp để tăng tốc phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị với mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ; tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh phát triển khá của cả nước. Và nông nghiệp vẫn được xác định là ngành quan trọng, với quan điểm phát triển là “Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái”.
Qua hàng ngàn năm lịch sử, nước Việt Nam hưng thịnh do đặt nông nghiệp làm gốc. Trong chặng hành trình kiến tạo tương lai, nông nghiệp vẫn là một ngành thế mạnh và người nông dân vẫn là lực lượng sản xuất trực tiếp của nền kinh tế. Dù kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đòi hỏi phải phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất, như giải pháp mà Tổng Bí thư Tô Lâm xác định, vai trò của người nông dân có giảm đi, thì phát triển nông nghiệp, giữ vững an ninh lương thực vẫn là kế sách lâu dài.
Xuân Ất Tỵ 2025, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa để người nông dân lại có thêm một năm đáng chờ đợi, để thêm một mùa tết rộn rã những niềm vui bởi sự bội thu, được giá.
Và mong cho “hồi thái lai” này sẽ còn được lâu dài…
Huỳnh Phúc