Xuất khẩu rau quả giảm tốc trong tháng đầu năm 2025

Xuất khẩu rau quả giảm tốc trong tháng đầu năm 2025
6 giờ trướcBài gốc
Xuất khẩu rau quả giảm 2 con số
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) trong tháng 1, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416 triệu USD, giảm 11,3% với tháng trước (tháng 12/2024 đạt 529 triệu USD) và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024 (tháng 1/2024 đạt 490 triệu USD).
Xuất khẩu sầu riêng chiếm tới 46,9% lượng sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 1 đạt 285 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng trước (tháng 12/2024 đạt 304 triệu USD) và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1/2024 đạt 216 triệu USD). Nguyên nhân là do các doanh nghiệp tăng nhập hàng để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả sụt giảm tới 11,3% so với tháng trước là do nhiều nước đã siết chặt kiểm định về chất lượng hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam. Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc đã siết chặt kiểm tra chất vàng O (Basic Yellow 2 - BY2) và Cadimi trên sầu riêng đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam dẫn đến tình trạng loại trái tỷ đô này ùn ứ ở kho và cửa khẩu, nhiều lô hàng phải bán với giá giải cứu trên thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đã tạm dừng bán sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng đầu năm.
Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã nhanh chóng làm việc với giới chức Trung Quốc để nối lại hoạt động xuất khẩu sầu riêng. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố danh sách 9 phòng kiểm nghiệm được Việt Nam và Trung Quốc công nhận đủ tiêu chuẩn cấp chứng nhận. Đây là cơ sở để sầu riêng Việt Nam tiếp tục xâm nhập thị trường “tỷ dân” này.
Ông Bùi Mạnh Toàn - Giám đốc công ty TNHH Vietnox Agri (Đắk Lắk), đơn vị xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, cho hay Việt Nam đã có nhiều trung tâm kiểm nghiệm chất Cadimi, vàng O được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận, vì vậy, cơ bản thị trường tiêu thụ vẫn được đảm bảo thông suốt.
Giá sầu riêng cũng đã bắt đầu tăng trở lại tại nhiều vựa. Tuy nhiên, mức giá này vẫn đang thấp hơn khoảng 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, giá sầu riêng Monthong Thái loại A (2,7 hộc, trọng lượng 2-5 kg) được bán với mức 100.000 đồng/kg, trong khi loại B (2,5 hộc) chỉ còn 80.000 đồng/kg. Đối với sầu riêng Ri 6, loại A giảm xuống còn khoảng 62.000 đồng/kg và loại B chỉ đạt mức 47.000 đồng/kg.
Theo chủ một cơ sở thu mua tại miền Tây, hoạt động xuất khẩu sầu riêng chưa phục hồi hoàn toàn do Trung Quốc áp dụng các quy định kiểm định mới. Nước này đã tăng cường kiểm tra chất vàng O, một hợp chất có nguy cơ gây ung thư, dẫn đến nhiều lô hàng bị chậm thông quan. Ngoài ra, một số đầu mối thu mua trước đây đặt cọc cao nay lại bỏ cọc do giá xuất khẩu giảm mạnh.
Tuy nhiên, nếu hoạt động xuất khẩu trở lại ổn định như năm trước, lượng tiêu thụ dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại vào tháng 2. Hiện, các doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục kiểm định chất vàng O tại các trung tâm được Trung Quốc công nhận.
Thị trường vẫn còn khó khăn
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho hay, các lô sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải có giấy kiểm nghiệm chất cơ bản chất vàng O và Cadimi. Doanh nghiệp chỉ cần có đủ giấy chứng nhận theo quy định là có thể xuất khẩu được. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian đó, nhiều nơi vẫn chưa có những phòng kiểm nghiệm chất vàng O nên việc xuất khẩu sầu riêng vẫn gặp khó.
Ngoài Trung Quốc, các thị trường khác cũng đã nâng cao tiêu chuẩn đối với trái cây nhập khẩu. Theo đó, Mỹ đã cấm 7 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Còn các nước châu Âu cũng tăng tỷ lệ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật trên nhiều loại trái cây từ 10% lên 20%.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, nếu những rào cản về kiểm định không sớm được tháo gỡ, mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD năm nay sẽ khó đạt được. Để duy trì tăng trưởng và đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2025, người sản xuất và doanh nghiệp cần tuân thủ quy định kiểm định mới, thắt chặt liên kết thu mua để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hàng chế biến cần được đầu tư về mẫu mã và phù hợp tiêu chuẩn nước nhập khẩu.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu thụ ít sau Tết Nguyên đán khiến rau quả tiêu thụ chậm hơn và giá thành cũng sẽ giảm. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 2 đạt khoảng 300-350 triệu USD. “Thời điểm sau Tết Nguyên đán, người Trung Quốc thường ăn ít sầu riêng nên dự báo giá sẽ còn giảm nhiều”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Trong khi đó, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường toàn cầu.
Mặc dù giá sầu riêng trái vụ đang giảm sâu, đây vẫn được xem là giai đoạn quan trọng để ngành nông nghiệp rà soát, nâng cao chất lượng sản phẩm và thích ứng với các yêu cầu mới từ thị trường xuất khẩu.
Để vượt qua khó khăn hiện tại, sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng là yếu tố then chốt. Bằng cách cải thiện quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn kiểm định và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, ngành sầu riêng Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội phục hồi và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Sầu riêng trái vụ của Việt Nam sẽ kéo dài đến cuối tháng 3. Từ giữa tháng 4, các tỉnh miền Tây bắt đầu bước vào mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ. Năm 2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt kỷ lục 7,15 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm trước. Trong các mặt hàng xuất khẩu, sầu riêng chiếm ưu thế khi mang về khoảng 3,4 tỷ USD, tương đương 45% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, tăng gấp 7,8 lần so với năm 2022.
Nguyễn Hạnh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/xuat-khau-rau-qua-giam-toc-trong-thang-dau-nam-2025-372137.html