Những lễ hội đặc sắc ở Lạng Sơn

Những lễ hội đặc sắc ở Lạng Sơn
10 giờ trướcBài gốc
Lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa
Diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng hằng năm, Lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa (hay Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ) được hình thành từ thế kỷ XVII.
Lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết về vị quan Tuần Tranh của nhà Trần, do bị oan khuất đã tự vẫn tại sông Kỳ Cùng. Khi được cử lên xứ Lạng, vị tướng thời Hậu Lê là Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài đã viết sớ tâu vua, minh oan cho quan Tuần Tranh. Thân Công Tài cũng là người lập nên phố chợ Kỳ Lừa - trung tâm giao thương, trao đổi hàng hóa sầm uất với Trung Quốc.
Để tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, hằng năm, Lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa được tổ chức với nghi thức rước kiệu từ đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) lên đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ). Tâm điểm của lễ hội là tục cướp đầu pháo cầu may.
Lễ hội Lồng thồng Bủng Kham
Lễ hội Lồng thồng Bủng Kham (lễ hội Bủng Kham) được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng tại xã Đại Đồng (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn).
Lễ hội nhằm cầu mong các vị thần nông, thần hoàng trùng (vua sâu bọ) và 7 nàng tiên phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... Nét đặc sắc nhất là tục cấy lúa, trò gieo lộc và thụ lộc.
Sau khi xuống đồng cấy lúa, người dân háo hức tham gia trò gieo lộc. Họ chờ đợi để nhặt thật nhiều lộc do thầy mo đóng vai thần nông, đứng trên chòi cao vãi lộc (là bỏng ngô, bỏng nếp và thóc giống) xuống.
Lễ hội Ná Nhèm
Lễ hội Ná Nhèm (lễ hội Mặt nhọ) của người Tày ở xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm. Lễ hội gắn với nghi thức thờ cúng Thành hoàng, đức thánh Cao Sơn Quý Minh cùng sự tích đánh giặc giữ làng.
Tham gia lễ hội, những người được phân công sẽ hóa trang thành giặc Sấc Tài Ngàn - là 12 tên cướp đã đến cướp bóc, bị đánh đuổi rồi chết tại đây. Họ phải bôi nhọ mặt để đánh lạc hướng những hồn ma giặc không nhận ra mà trả thù, quấy nhiễu dân làng.
Sau khi thầy mo làm lễ mời các vị thần linh về dự hội là tục hèm đánh trận của quân sĩ. Tâm điểm của lễ hội là nghi thức rước sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt), biểu tượng hòa hợp âm - dương, thể hiện mong ước sinh sôi nảy nở, con cháu đông đúc.
Khánh Vi
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/nhung-le-hoi-dac-sac-o-lang-son-693925.html