Lễ hội chùa Hương, Hà Nội
Ảnh: TTXVN
Chùa Hương còn được biết đến với tên gọi chùa Hương Sơn, là một quần thể danh lam thắng cảnh tọa lạc ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nơi đây xưa kia được coi là biểu tượng tín ngưỡng Phật giáo của thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội có số lượng Phật tử hành hương đông đảo nhất. Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba Âm lịch, thu hút đông đảo du khách.
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động nghệ thuật như hát chèo, hát văn. Bên cạnh đó, còn có các cuộc thi mang tính thể thao như leo núi, đua thuyền... Xưa kia, hội chùa Hương được tổ chức với ý nghĩa khai sơn, mở rừng. Ngày nay, lễ hội chùa Hương còn mang ý nghĩa khai chùa, mở chùa để người dân đến đây cầu tài, cầu lộc, cầu bình an cho gia đình.
Lễ hội Gò Đống Đa, Hà Nội
Gò Đống Đa là di tích lịch sử tọa lạc trên phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Nơi đây gắn liền với chiến thắng của vua Quang Trung trước quân Thanh vào năm 1789 trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa hào hùng.
Ảnh: Vương Lộc
Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ công tích lẫy lừng của vua Quang Trung. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Chùa Đồng Quang gần Gò Đống Đa cũng là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ vì dân, vì nước.
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng di tích lịch sử Gò Đống Đa là Di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội Khai ấn đền Trần, Nam Định
Lễ hội Khai ấn đền Trần diễn ra hằng năm từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng Âm lịch tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt đền Trần - chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Chính hội Khai ấn diễn ra vào đêm 14 (bắt đầu từ giờ Tý), là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa cầu cho “quốc thái dân an”.
Ảnh: VGP/Nhật Nam
Tham dự lễ hội Khai ấn đền Trần là dịp để các thế hệ người dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với vương triều Trần - triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và đối với Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông có công lớn trong các chiến công hiển hách của nhà Trần, được nhân dân suy tôn là bậc Thánh.
Đến với lễ hội Khai ấn đền Trần đầu xuân, người dân không chỉ cầu may mắn, cầu phúc lộc mà còn được chiêm ngưỡng cảnh quan, những giá trị di sản truyền thống của khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần - chùa Tháp Phổ Minh.
Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh
Lễ hội Yên Tử tại tỉnh Quảng Ninh thường bắt đầu từ mùng 9 tháng Giêng Âm lịch và kéo dài hết ba tháng mùa Xuân hằng năm. Sau phần nghi lễ long trọng dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng ngàn người đến với chùa Đồng trên đỉnh núi.
Nhiều công trình tâm linh Phật pháp và hàng trăm am, tháp mộ, bia, tượng đã được xây dựng trên đỉnh thiêng Yên Tử. Quần thể kiến trúc đồ sộ này kết hợp với khung cảnh hữu tình đã làm nên khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử mang tầm quốc gia.
Hội Lim, Bắc Ninh
Hằng năm, cứ đến ngày 12, 13 tháng Giêng, người dân vùng Bắc Ninh và du khách thập phương lại trẩy hội Lim, hòa mình vào không gian lễ hội đặc sắc.
Hội Lim là lễ hội của các làng xã cổ quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương (huyện Tiên Du), được tổ chức thường niên nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Những làn điệu quan họ, những nét đẹp văn hóa luôn khơi dậy tình yêu và lòng tự hào của người con quê hương Kinh Bắc.
Đây là dịp để các liền anh, liền chị có cơ hội giao lưu, hát giao duyên, thể hiện giọng ca và truyền thống quan họ ở Bắc Ninh. Hội Lim mở đầu bằng lễ rước với nhiều nghi thức và trò chơi dân gian nổi tiếng, như tục hát thờ hậu. Lễ hội cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm…
Lễ hội Cổ Loa, Hà Nội
Lễ hội Cổ Loa năm nay diễn ra vào mùng 5 và 6 tháng Giêng Âm lịch tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
Ảnh: Vương Lộc
Lễ hội nhằm tưởng nhớ vua Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Sự kiện có sự tham gia của tám làng, gồm Cổ Loa, Mạch Tràng, Cầu Cả, Săn Giả, Thư Cưu, Đài Bi, Văn Thượng, Ngoại Sát (nay thuộc ba xã Cổ Loa, Uy Nỗ và Xuân Canh).
Hội có nhiều hoạt động vui chơi như đấu vật, kéo co, leo dây, đánh đu, múa võ, đấu cờ người, chọi gà. Buổi tối, hội tổ chức hát tuồng, ca trù, hát chèo…
Lễ hội chùa Keo, Thái Bình
Lễ hội chùa Keo mùa Xuân năm 2025 diễn ra từ ngày 1 đến 5-2 (tức mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng), tại Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Keo, Ủy ban Nhân dân xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là năm thứ hai lễ hội được tổ chức trong 5 ngày thay vì chỉ một ngày vào mùng 4 tháng Giêng như trước đây.
Ảnh: Tuyên Parafu
Chùa Keo gồm hai cụm kiến trúc để thờ Phật và đền thờ Đức Thánh Dương Không Lộ. Năm 1962, chùa được xếp hạng Di tích Quốc gia. Đến năm 2012, được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Năm 2017, lễ hội chùa Keo được ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Đến năm 2021, hương án chùa Keo được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Trải qua khoảng 400 năm tồn tại với nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo từ thế kỷ 17. Hiện nay, chùa có 17 công trình với 128 gian kiến trúc chính
Giỗ Tổ Hùng Vương, Phú Thọ
Lễ hội đền Hùng, còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào mùng 10-3 Âm lịch hằng năm tại đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trước đó, lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian và kết thúc bằng lễ rước kiệu và dâng hương tại đền Thượng.
Năm 2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam - là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo TTXVN
Đăng Huy