Những lo ngại khi bán đảo Nam Cực xuất hiện thảm xanh thực vật

Những lo ngại khi bán đảo Nam Cực xuất hiện thảm xanh thực vật
4 giờ trướcBài gốc
Sự xanh hóa này, chủ yếu là do khí hậu nóng lên, đang diễn ra nhanh hơn, đe dọa đến những thay đổi sinh thái cơ bản. Đó là lo ngại bên cạnh sự du nhập của các loài xâm lấn do hoạt động của con người tại vùng cực lạnh giá này.
Diện tích phủ xanh mở rộng từ chưa đầy một km vuông vào năm 1986 lên gần 12 km vuông vào năm 2021
Sự phát triển nhanh chóng của thảm thực vật ở bán đảo Nam Cực
Nghiên cứu mới cho thấy thảm thực vật trên bán đảo Nam Cực đã mở rộng hơn 10 lần trong 40 năm qua. Khu vực này, giống như các vùng khác ở Nam Cực và Bắc Cực, đang trải qua xu hướng ấm lên với tốc độ vượt quá mức trung bình toàn cầu, kèm theo sự gia tăng các hiện tượng nhiệt độ cực đoan.
Nghiên cứu mới do các trường đại học Exeter và Hertfordshire cùng Viện Khảo sát Nam Cực của Anh thực hiện. Họ đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để đánh giá mức độ "xanh hóa" của bán đảo Nam Cực để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng diện tích thảm thực vật trên khắp bán đảo đã tăng từ chưa đầy một km vuông vào năm 1986 lên gần 12 km vuông vào năm 2021.
Tăng tốc độ sinh trưởng của thực vật trong điều kiện khắc nghiệt
Được công bố hôm nay (ngày 4.10) trên tạp chí Nature Geoscience, nghiên cứu cũng phát hiện ra xu hướng phủ xanh này đã tăng tốc hơn 30% trong những năm gần đây (2016-2021) so với toàn bộ giai đoạn nghiên cứu (1986-2021). Xét con số tương đối, thảm xanh thực vật đã tăng hơn 400.000 mét vuông mỗi năm trong giai đoạn gần đây.
Trong một nghiên cứu trước đây, từ việc kiểm tra các mẫu lõi lấy từ các hệ sinh thái chủ yếu là rêu trên bán đảo Nam Cực, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tốc độ sinh trưởng của thực vật đã tăng đáng kể trong những thập niên gần đây.
Nghiên cứu mới này sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác nhận rằng xu hướng phủ xanh rộng rãi trên khắp bán đảo Nam Cực đang diễn ra và tăng tốc.
Tác động và ý nghĩa trong tương lai của sự gia tăng thảm thực vật
Tiến sĩ Thomas Roland, đến từ Đại học Exeter cho biết: “Các loài thực vật mà chúng ta tìm thấy trên bán đảo Nam Cực – chủ yếu là rêu – phát triển trong điều kiện khắc nghiệt nhất trên Trái đất. Cảnh quan hiện giờ vẫn gần như hoàn toàn bị chi phối bởi tuyết, băng và đá, chỉ có một phần nhỏ được thực vật xâm chiếm. Thế nhưng, phần nhỏ đó đã phát triển đáng kể. Điều đó cho thấy ngay cả ‘vùng hoang dã’ rộng lớn và biệt lập này cũng đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra”.
Tiến sĩ Olly Bartlett, đến từ Đại học Hertfordshire, cho biết thêm: “Khi các hệ sinh thái này trở nên ổn định hơn và khí hậu tiếp tục ấm lên, thì rất có thể mức độ xanh hóa sẽ tăng lên. Nền địa hình ở Nam Cực chủ yếu là đất nghèo hoặc không có đất, nhưng sự gia tăng của thực vật này sẽ bổ sung thêm chất hữu cơ và tạo điều kiện cho sự hình thành đất. Từ đó có khả năng mở đường cho các loài thực vật khác phát triển. Điều này làm tăng nguy cơ các loài xâm lấn và không phải bản địa xuất hiện. Chúng có thể được các nhà khoa học hoặc du khách mang theo đến lục địa này”.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải nghiên cứu sâu hơn để thiết lập các cơ chế khí hậu và môi trường cụ thể đang thúc đẩy xu hướng "xanh hóa".
Tiến sĩ Roland cho biết: "Hiện tại, thảm thực vật của bán đảo Nam Cực rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu và trong bối cảnh nóng lên do con người gây ra trong tương lai, chúng ta có thể thấy những thay đổi cơ bản về mặt sinh học cũng như môi trường của khu vực mang tính biểu tượng và dễ bị tổn thương này".
Ông nói thêm: "Những phát hiện của chúng tôi nêu lên những lo ngại nghiêm trọng về tương lai môi trường của bán đảo Nam Cực và của toàn bộ lục địa. Để bảo vệ Nam Cực, chúng ta phải hiểu những thay đổi này và xác định chính xác nguyên nhân gây ra chúng”.
Các nhà nghiên cứu hiện đang điều tra cách mà các khu vực mới được giải phóng khỏi băng hà bị thực vật xâm chiếm cũng như tìm hiểu quá trình này có thể diễn ra như thế nào trong tương lai.
Đảo Signy, một phần của quần đảo Nam Orkney ở Nam Đại Dương (hay Nam Băng Dương), đóng vai trò như một mô hình thu nhỏ để nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái Nam Cực. Các nhà khoa học đã theo dõi sự phát triển của thực vật trên hòn đảo này trong nhiều thập niên, cung cấp dữ liệu vô giá về cách thảm thực vật trên lục địa này phản ứng với điều kiện khí hậu thay đổi.
Giữa những năm 1960 và 2009, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự phát triển chậm nhưng ổn định của Cỏ lông Nam Cực và Ngọc trai Nam Cực trên đảo Signy. Tuy nhiên, những thay đổi đáng kể nhất xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2019 khi tốc độ tăng trưởng của các loại cây này tăng nhanh đáng kể. Cỏ lông Nam Cực có mức tăng trưởng tăng gấp 10 lần, trong khi Ngọc trai Nam Cực tăng trưởng nhanh gấp 5 lần so với những thập niên trước.
Anh Tú
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/nhung-lo-ngai-khi-ban-dao-nam-cuc-xuat-hien-tham-xanh-thuc-vat-224549.html